Năng suất lao động thấp là một trong những lực cản của nền kinh tế - Ảnh: K.Linh |
Theo dự báo của nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), GDP năm 2018 ở mức 6,65%, trong đó quý I/2018 tăng trưởng 6,02% và lạm phát 4,41%. “Những mục tiêu cho năm 2018 có thể đạt được nhưng với các điều kiện thuận lợi hiện nay tiếp tục được duy trì”, nhóm nghiên cứu nhận định.
Trước đó, các chỉ tiêu được Quốc hội giao cho năm 2018 là: Tăng trưởng GDP 6,5-6,7%, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7-8%, tỷ lệ nhập siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, CPI 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội từ 33-34% GDP…
Tuy nhiên, theo VEPR, nền kinh tế đang gặp phải lực cản là động lực tăng trưởng vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động; thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao. Về năng suất lao động, VEPR đánh giá chỉ bằng 1/4 so với Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan. Trong khi đó, lợi thế về lao động giá rẻ đang mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu…
VEPR khuyến nghị năm 2018, Việt Nam cần sử dụng nhiều nội lực hơn để làm động lực cho tăng trưởng. Chính phủ phải quyết liệt thắt chặt chi tiêu thường xuyên bằng cách tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp Nhà nước.
“Tôi cho rằng, việc chuyển dịch cơ cấu là vô cùng quan trọng, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu của nội ngành. Nhiều năm nay việc tắc nghẽn về năng suất lao động là do không chuyển dịch được cơ cấu nội ngành. Trong khi chuyển dịch cơ cấu giữa ngành năng suất thấp như nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ thì không còn nhiều cơ hội nữa”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, năm 2018 là một năm hội nhập, năm bản lề, đặc biệt do ảnh hưởng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và thuế suất hàng nhập khẩu của nhiều dòng hàng về 0%, gây sức ép rất lớn cho thu ngân sách. Vì vậy, năm 2018 không phải là năm dễ dàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận