Khách du lịch tới Anh sẽ được hưởng lợi nhờ đồng bảng giảm giá so với USD |
Với kết quả trưng cầu dân ý, việc người Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) không chỉ “gây sốc” với chính trị toàn thế giới mà còn tác động đến ngành Du lịch ngay trong cao điểm của mùa du lịch hè.
Du khách Anh “mắc kẹt” ở các máy rút tiền
Ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý hôm 24/6 được công bố, một trạng thái… hoảng loạn bao trùm các ngân hàng và các máy ATM ở một số địa phương mà người Anh tới du lịch. Tờ The Sun hôm 25/6 dẫn thông tin cho hay, các máy ATM ở Hy Lạp, Australia và Hawaii từ chối cho du khách rút tiền mặt.
Đồng bảng Anh đã mất khoảng 20% giá trị sau khi kết quả trưng cầu dân ý về việc Anh đi hay ở EU được công bố. Tại Hy Lạp, du khách cho biết, không có tỷ giá hối đoái chính thức cho đồng bảng Anh. “Bắt đầu rồi đấy! Chúng tôi đang ở Hy Lạp, không có bất cứ giao dịch tiền mặt và không có máy rút tiền cho người Anh”, Matt Rooney, một du khách Anh đang ở đảo Kos, Hy Lạp cho hay. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Hawaii - khách du lịch không thể rút tiền mặt vì “tỷ giá chính thức chưa được công bố”, theo Mail Online.
Du khách Anh chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán, thậm chí phát… điên khi thấy một bảng hiệu ghi: “Chúng tôi muốn thông báo rằng, chúng tôi không thể trao đổi bảng Anh hoặc Scotland vào lúc này, chúng tôi hiện không có tỷ giá hối đoái chính thức từ Ngân hàng Trung ương”.
Ngân hàng Commonwealth và NAB tại Australia cũng tạm dừng giao dịch bảng Anh cho đến khi có thông báo mới. Ngân hàng Commonweath thông báo: “Chúng tôi rất xin lỗi nhưng do kết quả gần đây từ cuộc trưng cầu dân ý Anh, chúng tôi đang tạm thời đình chỉ tất cả các giao dịch bảng Anh và các giao dịch không phải AUD (đô la Australia) cho đến sáng ngày 27/6”.
Thống đốc Ngân hàng Mark Carney ở Anh, ông Mark Carney cho hay: “Một số thị trường và biến động kinh tế sẽ xảy ra khi quá trình Brexit bắt đầu”.
Còn Joel Brandon, quản lý hãng du lịch Travelzoo thì cho biết: “Sau khi kết quả bỏ phiếu Brexit được công bố, 24 tháng tiếp theo - thời hạn các cuộc đàm phán xung quanh vấn đề này sẽ rất quan trọng đối với du lịch Anh, đặc biệt, nếu Chính phủ Anh muốn duy trì công nghiệp du lịch từ các nước EU và tránh tăng giá cho người dân Anh khi đi du lịch nước ngoài, trong các kỳ nghỉ lễ”.
Tiêu USD… “lợi đủ đường”
Những hậu quả mà Brexit mang lại thì còn… xa, tuy nhiên, những du khách Mỹ đi du lịch nước ngoài sẽ thấy có một số hiệu ứng ngay lập tức. Vậy, Brexit ảnh hưởng thế nào đối với người Mỹ đi du lịch tới châu Âu và Anh?
Ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất là tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng bảng Anh, thị trường ghi nhận giá trị đồng bảng Anh ở mức thấp nhất so với đồng USD trong vòng 31 năm qua. “Kể từ ngày 24/6, bạn sẽ… lãi nhiều hơn với đồng USD ở Anh”, Zach Honig - Tổng biên tập trang ThePointsGuy.com về mạng lưới du lịch nói. “Đối với nhiều người, London là một địa điểm du lịch vốn nổi tiếng… đắt đỏ, nhưng sau Brexit, Vương quốc Anh, đặc biệt là London có thể sẽ là một điểm du lịch… trong tầm tay đối với nhiều du khách Mỹ”, Honig nói.
Chưa kể, Brexit cũng khiến cho giá trị đồng USD được… cải thiện hơn so với đồng euro, đồng nghĩa với việc du lịch trong các quốc gia sử dụng đồng euro sẽ rẻ hơn.
The New York Times dẫn lời George Hobica, người sáng lập ra trang Airfarewatchdog.com cho biết: Giá vé máy bay sang châu Âu đã giảm mạnh, đặc biệt là các chuyến du lịch vào cuối mùa hè, sau khi các sinh viên đại học đi học trở lại từ khoảng 28/8 trở đi”. Ông Hobica cũng lưu ý rằng, giá vé đi vòng quanh châu Âu từ Mỹ thấp nhất chỉ khoảng 400-500 USD ngay trước thềm Brexit: “Nó có thể là một cách… dự đoán kết quả Brexit chăng, chúng tôi không biết nữa. Nhưng có một thực tế là đồng euro và đồng bảng đã giảm giá mạnh so với USD, điều này có nghĩa là lượng người bay từ châu Âu đến Mỹ sẽ ít hơn lượng người Mỹ đến châu Âu”.
Chỉ khoảng vài ba năm trước đây, giá vé máy bay đến châu Âu trong mùa du lịch hè khoảng 1.800 USD; Tuy nhiên, theo ông Gary Leff, chủ blog du lịch Viewfromthewing.com: “Giờ đây chúng ta có thể đi du lịch châu Âu mà không tốn kém, chưa kể giá nhiên liệu cũng giảm. Đó là do tỷ giá hối đoái giữa đồng euro, bảng Anh so với USD đang giảm (những ngày đầu sau Brexit), nhưng nếu tỷ giá này giữ vững, nghĩa là ngành công nghiệp du lịch châu Âu sẽ càng hấp dẫn hơn”.
Hôm qua, trả lời Báo Giao thông, ông Lê Công Năng - Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour cho biết: Đồng bảng Anh, Euro xuống giá đồng nghĩa với các dịch vụ du lịch mặt đất tại Anh và các nước EU cũng xuống giá theo dẫn đến giá tour du lịch giảm, theo lý thuyết thông thường. Tuy nhiên, theo ghi nhận và kinh nghiệm của Vietrantour thì đồng bảng Anh, Euro xuống giá nhưng đồng USD lại tăng giá và việc thanh toán chi phí vé máy bay, thuế và phụ phí sân bay lại hoàn toàn bằng USD, trong khi yếu tố này cấu thành đến 65 - 70% giá trị tour; Vì vậy, Vietrantour đang duy trì tour Anh ở mức giá ổn định phải chăng nhất cho khách du lịch. Còn một đại diện của hãng lữ hành Viettravel (Chi nhánh Hà Nội - số 3, Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Kể từ sau sự kiện Brexit của Anh, các tour du lịch châu Âu của hãng không có biến động nhiều. Đặc biệt, có một “tín hiệu vui” với hãng này là do tỉ giá đồng bảng Anh giảm sâu nhất trong vòng 31 năm qua so với đồng USD, nên lượng khách đăng ký tham gia các tour châu Âu càng nhiều hơn. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận