Ngày 29/4, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, vừa ký ban hành Quyết định về việc Phê duyệt “Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều)”.
Hoạt động về đêm tại một khu vực ở bến Ninh Kiều.
Đề án do Sở VH-TT&DL chủ trì thực hiện, với mục tiêu chung là phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố với quy hoạch, sản phẩm dịch vụ đa dạng, hấp dẫn.
Theo đó, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí vào ban đêm cho cư dân của thành phố, khu vực ĐBSCL, du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt là khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, văn hóa; cơ sở hạ tầng và dịch vụ sẵn có để phát triển các mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn.
Thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp để phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm phục vụ kinh tế ban đêm.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển kinh tế ban đêm; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế ban đêm.
Đề án có lộ trình thực hiện cụ thể. Từ năm 2022 - 2024 triển khai mô hình thí điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều.
Kế hoạch triển khai mô hình thí điểm do UBND quận Ninh Kiều thực hiện với các nội dung thí điểm.
Đó là tiếp tục duy trì và nâng chất hoạt động; đồng thời cho phép mở rộng khung thời gian hoạt động từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau đối với các hoạt động hiện có như phố hàng rong trên đường Phan Chu Trinh - Phan Bội Châu.
Cũng được hoạt động trắng đêm là chợ đêm Ninh Kiều trên đường Võ Văn Tần - Nguyễn Thái Học (kinh doanh hàng may mặc, mỹ nghệ...); chợ đêm ẩm thực Cần Thơ trên đường Sông Hậu; tuyến đường chuyên doanh thời trang Nguyễn Trãi, Nguyễn Việt Hồng, Mậu Thân và ẩm thực Đề Thám; hoạt động karaoke...
Cần Thơ sẽ thí điểm phát triển kinh tế đêm tại quận Ninh Kiều.
Ngoài ra, TP sẽ mời gọi đầu tư đối với các địa điểm có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm tập trung, như: khu vực từ cầu đi bộ Ninh Kiều đến đường Trần Phú, khu vực đường Lê Lợi, khu vực rạch Khai Luông từ cầu đi bộ Ninh Kiều đến Nhà lồng 3 của Trung tâm Thương mại Cái Khế thuộc phường Cái Khế.
Đó còn là khu vực Lê Bình thuộc phường Hưng Lợi; một phần diện tích của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ.
Đến năm 2024, đánh giá, rút kinh nghiệm thí điểm và chuẩn bị các nguồn lực để phát triển kinh tế đêm toàn thành phố.
Năm 2025 sẽ vận hành và nhân rộng mô hình kinh tế ban đêm ở các quận huyện trên toàn thành phố.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: "Dịp lễ 30/4 tới, quận sẽ cho ra mắt tuyến phố đi bộ dọc bến Ninh Kiều.
Đây là một trong những hoạt động trọng tâm, được triển khai thí điểm, nhằm tạo điểm nhấn cho phát triển kinh tế và du lịch về đêm của thành phố".
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị ra mắt, triển khai phố đi bộ đã được quận Ninh Kiều thực hiện chu đáo, sẵn sàng chào đón du khách.
Đến nay, cơ quan chức năng đã hoàn thành việc khảo sát, thống kê các hộ dân trên tuyến phố đi bộ có nhu cầu kinh doanh, sử dụng phương tiện giao thông, cấp thẻ ra vào theo quy định; đồng thời, lấy ý kiến về sự đồng thuận của nhân dân trên tuyến phố đi bộ đã được thực hiện chu đáo.
Công tác xã hội hóa để đầu tư 2 cổng chào, các công trình phụ và hàng rào chắn của phố đi bộ cũng được thực hiện tốt.
Trong đó 1 cổng chào đặt ở vị trí trục chính đường Hai Bà Trưng, đoạn từ ngã ba giao nhau của đường Hai Bà Trưng và Nguyễn An Ninh.
Cổng chào thứ 2 đặt ở vị trí ngã ba giao nhau của đường Hai Bà Trưng và Ngô Gia Tự; thiết kế 8 điểm chốt chặn ở các đường nhánh vào phố đi bộ, công trình phụ hàng rào chắn, sân khấu, điểm triển lãm, biểu diễn nghệ thuật... được xây dựng chu đáo, an toàn.
Tuyến phố đi bộ Ninh Kiều được chia làm 3 khu vực hoạt động. Trong đó, khu vực 1 gồm hoạt động mua sắm, ẩm thực... (đoạn từ đầu đường Nguyễn An Ninh giao với đường Hai Bà Trưng đến đường Ngô Quyền giao với đường Hai Bà Trưng), biểu diễn đờn ca tài tử phía trên công viên Ninh Kiều của đoạn đường này.
Khu vực 2 gồm các hoạt động truyền thống, như dâng hương, lễ báo công dâng Bác nhân các ngày lễ, kỷ niệm... (khu tượng đài Bác Hồ).
Khu vực 3 gồm hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt náo, trò chơi dân gian, ảo thuật... (đoạn từ đầu đường Thủ Khoa Huân đến nhà hàng Hoa Cau và phía trên công viên đoạn từ nhà hàng Hoa Cau đến cầu đi bộ Ninh Kiều).
Vị trí trông giữ xe tại các tuyến đường: Võ Văn Tần - Nguyễn Thái Học, Châu Văn Liêm - Nguyễn An Ninh (cổng chính), tuyến đường Ngô Gia Tự, Phạm Hồng Thái, Phan Đình Phùng và đảm bảo đủ chỗ trông xe cho người dân, du khách khi đến tham quan, vui chơi, giải trí…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận