Sáng hôm nay (ngày 23/9 - tức ngày 9/8 âm lịch), lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2022 chính thức trở lại với sự tham gia của 16 "ông trâu" đến từ 6 phường.
16 "ông trâu" sẽ đấu 15 trận để chọn ra trâu vô địch.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, từ sáng sớm, các khán đài đã chật kín người tới xem chọi trâu.
Lễ hội chọi trâu truyền thống năm nay có nhiều nét mới liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, cho tới việc sắp xếp, bố trí lại khu vực giết mổ, kiểm soát thịt trâu chọi, giá vé trông coi xe.
Do Sân vận động Đồ Sơn sức chứa khoảng 1.2000 chỗ ngồi nên Ban tổ chức kiểm soát lượng du khách, người dân vào sân vận động xem chọi trâu bằng vé mời và giấy mời.
Ngoài ra, để phục vụ những du khách và người dân không có vé mời, Ban tổ chức còn bố trí hai màn hình lớn ngay ngoài sân vận động để mọi người có thể theo dõi những trận đấu hấp dẫn, kịch tính.
Ban tổ chức lễ hội chọi trâu sẽ bố trí khoảng 400 người từ các lực lượng công an, quân đội, biên phòng, bảo vệ chuyên nghiệp để đảm bảo an ninh trong và ngoài khu vực thi đấu.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn diễn ra vào ngày 9 tháng 8 âm lịch hàng năm. Năm nay, lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn - Hải Phòng 2023, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2023 gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra từ ngày 1/8 âm lịch đến ngày 16/8 âm lịch. Phần hội được tổ chức ngày 23/9/2023 (tức ngày 9/8 âm lịch) tại sân vận động Trung tâm quận Đồ Sơn.
Đúng 7h30, cặp trâu đầu tiên là trâu số 15 của chủ trâu Phạm Văn Hiệu (phường Hợp Đức) thi đấu với trâu số 5 của chủ trâu Hoàng Đức Tiến (phường Bàng La).
Trận đấu thứ 2 là cặp trâu số 3 của chủ trâu Lưu Đình Nam (phường Vạn Hương) gặp trâu số 7 của chủ trâu Hoàng Gia Văn (phường Bàng La).
Tại lễ hội chọi trâu năm 2023, Ban tổ chức cũng công bố giải nhất được nâng từ 70 triệu đồng lên 100 triệu đồng; giải nhì từ 40 triệu đồng lên 60 triệu đồng.
Video: Trận đấu khai hội giữa trâu số 15 và trâu số 05.
Được biết, lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn có nguồn gốc lâu đời, bắt nguồn từ phong tục, tập quán và không gian văn hóa địa phương.
Lễ hội có nguồn gốc tín ngưỡng thờ thần Điểm Tước Đại Vương, vị thần của non nước Đồ Sơn, được hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ, lưu truyền từ đời này qua đời khác, đã ăn vào máu thịt trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần, tâm linh của người dân Đồ Sơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận