Mặt bằng lãi suất vay vốn hạ giúp nhiều doanh nghiệp giảm mạnh chi phí |
Lợi nhuận tăng
Ngày 30/10, Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Dịch vụ Hoàng Dương (Hà Nội) vừa vay 5 tỷ đồng của Ngân hàng Vietcombank với lãi suất 7%/năm. Bà Nguyễn Thị Đoan, Giám đốc công ty cho biết, so với khoản vay cũ công ty vừa đáo hạn đầu tháng 10, lãi suất vay vốn mới giảm thêm 1%/năm, giúp công ty tiết kiệm được 50 triệu đồng/năm. “Chúng tôi đang thăm dò thị trường, nếu sức mua nhích lên sẽ vay thêm vốn để chuẩn bị vụ kinh doanh cuối năm”, bà Đoan cho biết.
BIDV giảm 0,5 - 0,8% lãi suất cho vay vốn Từ 1/11, Ngân hàng BIDV chính thức giảm lãi suất huy động và cho vay bằng VND. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn ở tất cả các kỳ hạn giảm từ 0,5% đến 0,8%/năm so với thời điểm hiện nay. Đối với 6 đối tượng cho vay ưu tiên theo qui định của Chính phủ, lãi suất giảm còn 7%/năm. Cùng với đó, BIDV triển khai mạnh mẽ các gói tín dụng phục vụ cho các chương trình xuất nhập khẩu, thủy sản, nhà ở xã hội... Thu Hương |
Theo Giám đốc Công ty TNHH May túi xách Minh Tiến (Miti - TP.HCM) Nguyễn Trí Kiên, doanh nghiệp mới kết thúc hợp đồng tín dụng trị giá 6 tỷ đồng với Ngân hàng BIDV, lãi suất 10%/năm. Nay một loạt ngân hàng đang chào Miti vay vốn, lãi suất xấp xỉ 8%/năm, song doanh nghiệp chưa có nhu cầu. Ông Kiên chia sẻ: “Khoản vốn lưu động chúng tôi vẫn co kéo được, để khỏi canh cánh mối lo trả nợ ngân hàng, đỡ đi một áp lực”.
Quả thực, chi phí vay vốn là sức ép không nhỏ và theo khảo sát của Báo Giao thông, việc mặt bằng lãi suất liên tục giảm vừa qua giúp cho nhiều doanh nghiệp từ lỗ chuyển sang lãi hoặc gia tăng lợi nhuận. Như Công ty cổ phần (CTCP) Dược phẩm Cửu Long, 9 tháng đầu năm, mặc dù doanh thu thuần giảm so với cùng kỳ năm trước, song chi phí lãi vay giảm từ hơn 8,4 tỷ đồng còn hơn 5,4 tỷ đồng đã góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp đạt lợi nhuận hơn 10,5 tỷ đồng (cùng kỳ 2013 lãi hơn 8,6 tỷ đồng). CTCP Kinh Đô 9 tháng qua chi phí lãi vay giảm hơn 4,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng gần 30 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tương tự là CTCP sản xuất thương mại May Sài Gòn (9 tháng chi phí lãi vay giảm 18%, lợi nhuận thuần tăng gần 33%); CTCP Đầu tư thương mại SMC (chi phí lãi vay giảm gần 12%, lợi nhuận thuần tăng hơn 36%...).
Khó tiếp cận vốn dài hạn
Mặc dù đã vơi bớt áp lực chi phí lãi suất, song nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh, phần vì sức cầu chưa nhiều cải thiện, song phần khác cũng vì vốn dài hạn vẫn khó tiếp cận và chi phí cao. Chị Quỳnh Lưu, Kế toán trưởng Công ty Meotis (Hà Nội) cho hay, Công ty vừa vay 800 triệu đồng của Ngân hàng Sacombank, lãi suất 8,5%/năm. So với những tháng trước, doanh nghiệp bớt được gần ba triệu đồng/tháng tiền lãi vay. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ cho vay thời hạn 6 tháng khiến doanh nghiệp mất chủ động khi tính những kế hoạch dài hơi và cũng mất nhiều thủ tục, thời gian khi đáo hạn, làm hồ sơ xin vay mới.
Công ty Miti cũng đã có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất cặp, túi xách tại Móng Cái, Quảng Ninh, tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng, song vẫn lần lữa thời điểm triển khai. Theo ông Kiên, mặc dù nhiều Ngân hàng chào Miti vay vốn mức lãi suất 7-8%/năm, song phần lớn là cam kết ngắn hạn. Do vậy, doanh nghiệp một mặt đang cân nhắc thời điểm đầu tư, mặt khác tính toán dòng tiền để vay dần theo từng giai đoạn và sao cho lượng vốn vay là thấp nhất.
Một số doanh nghiệp có khoản vay vốn cũ vẫn chịu lãi suất cao thì đang tìm cách đáo nợ. Như công ty TNHH Sao Việt đang có một khoản vay tại BIDV lãi suất 12%/năm. Ông Vũ Hoàng, Phó Giám đốc Sao Việt cho biết: “Chúng tôi vừa làm việc với một số ngân hàng, được biết hiện lãi vay ngắn hạn của Agribank, Vietinbank là 10,5%; BIDV, Techcombank 8%/năm nên sẽ xoay xở sớm làm thủ tục đáo hạn gói vay cũ để xin vay gói mới”, ông Hoàng cho biết.
Thảo Nguyên - Hải Quỳnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận