Theo tính toán của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, đến thời điểm 30/10 cần ít nhất 5,8 triệu m3 cát biển để đắp nền dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau).
Dự kiến đến ngày 30/10 gia tải xong, dự án cần huy động 11,2 triệu m3, công suất khai thác cần huy động từ 67.000m3 - 73.000 m3 cát/ngày.
Tính đến cuối tháng 5/2024, các nhà thầu đã huy động 64 mũi bơm cát của dự án (trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang 23 mũi; đoạn Hậu Giang - Cà Mau 41 mũi). Công suất trung bình một mũi hiện nay khoảng 1.005 m3/ngày.
Về cát biển, hiện nay nhà thầu đã trình toàn bộ hồ sơ xin cấp mỏ theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, đang chờ UBND tỉnh Sóc Trăng cấp bản xác nhận để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường giao khu vực biển, trình chấp thuận phương án đảm bảo an toàn giao thông hàng hải và triển khai khai thác.
Còn về khả năng vận chuyển, theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau nằm trong khu vực sông nước, nhiều kênh rạch và có nhiều sông lớn cắt ngang tuyến, không hạn chế tải trọng của sà lan vận chuyển. Đây là một lợi thế lớn của dự án.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư và nhà thầu đang nỗ lực cơ bản hoàn thiện các cầu lớn trên tuyến để tạo tuyến vận chuyển trục dọc tuyến. Theo dự tính khả năng khai thác vận chuyển vật liệu sẽ đáp ứng nhu cầu 60.000m3 -70.000m3/ngày theo tính toán.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khởi công ngày 1/1/2023, có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng.
Dự án được phân thành hai dự án thành phần gồm: Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 37km, tổng mức mức tư hơn 10.370 tỷ đồng; dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 73km, tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.
Tính đến ngày 23/5/2024, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có tổng giá trị sản lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 29%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận