Du lịch khám phá từ đại dương tới bầu trời
Theo hãng tin CNN, thời gian gần đây, lĩnh vực du lịch mạo hiểm đang phát triển phát triển mạnh mẽ. Lặn ngắm xác tàu Titanic là một trong những hoạt động như thế.
Rất ít người trên thế giới từng tận mắt nhìn thấy xác tàu Titanic nằm ở độ sâu khoảng 3.800m dưới đáy Đại Tây Dương vì để thực hiện những chuyến tham quan này cần nguồn lực tài chính và sẵn sàng chấp nhận tình huống nguy hiểm.
Minh chứng cho những rủi ro khi tham gia các chuyến khám phá mạo hiểm chính là vụ nổ tàu Titan chở các nhà thám hiểm, tỷ phú người Anh, Pháp, Pakistan lặn ngắm xác tàu Titanic hôm 18/6 vừa qua.
Sự việc này xảy ra sau 2 năm công ty nghiên cứu và du lịch OceanGate Expeditions chính thức cung cấp chuyến tham quan xác tàu Titanic bằng tàu lặn Titan. Để tham gia chuyến đi này, mỗi hành khách phải trả chi phí 250.000 USD/người.
Tàu lặn Titan của công ty OceanGate Expeditions (Ảnh: Reuters)
Tại OceanGate Expeditions, ngoài chuyến lặn ngắm xác Titanic, công ty này còn cung cấp dịch vụ khám phá đại dương và đáy biển theo nhu cầu của các cá nhân ưa thích mạo hiểm. Công ty cũng cung cấp các dịch vụ thám hiểm, tham quan xác tàu đắm, dãy núi ngầm trong lòng đại dương…
Những chuyến tham quan dưới đáy biển của OceanGate được xếp vào hạng mục du lịch mạo hiểm mà chỉ giới siêu giàu mới đủ khả năng chi trả.
Nhìn rộng hơn, trên thế giới, thời gian gần đây, có rất nhiều công ty đã cung cấp dịch vụ du lịch mạo hiểm, khám phá bầu trời hoặc đáy biển, chẳng hạn như chuyến đi 24 ngày vòng quanh thế giới bằng máy bay phản lực, đi trực thăng tới khu vực cắm trại chinh phục đỉnh Everest hay những chuyến bay vào không gian.
Số lượng cá nhân được xếp hạng siêu giàu trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Theo báo cáo vào tháng 3/2023 của công ty bất động sản Knight Frank, số lượng cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao (trên 30 triệu USD) đã tăng 44% kể từ năm 2017.
Tuần trước, công ty Virgin Galactic thông báo sẽ bắt đầu dịch vụ du hành không gian vào cuối tháng 6. Hành trình thứ 2 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8. Đến thời điểm này, Virgin Galactic đã bán được khoảng 800 vé với mức giá khoảng 450.000 USD/vé.
Công ty khởi nghiệp về công nghệ không gian Orion Span cũng có kế hoạch xây dựng khách sạn xa xỉ trên không gian với chi phí 10 triệu USD/người cho kỳ nghỉ 2 tuần.
Qua những con số này, có thể thấy, lĩnh vực du lịch, khám phá mạo hiểm ngày càng được yêu thích và phát triển trên thế giới.
"Với giới siêu giàu, chi phí đắt đỏ không phải là vấn đề. Điều quan trọng là họ muốn có được những trải nghiệm khó quên”, ông Nick D’Annunzio - chủ sở hữu công ty quan hệ công chúng TARA, Ink. cho hay.
Chưa có quy định quản lý
Tuy nhiên, điều đáng nói là, các chuyến du lịch siêu xa xỉ có mức rủi ro rất cao, đòi hỏi công ty du lịch phải thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn.
Theo hãng tin CNN, một số công ty du lịch sử dụng những công nghệ và phương tiện mới đến mức các quốc gia trên thế giới còn chưa có quy định quản lý.
Chẳng hạn như tàu Titan mà công ty OceanGate Expeditions vận hành chưa được phân loại vì công nghệ trang bị trên tàu quá mới và vẫn chưa được các cơ quan chuyên môn thẩm định, tích hợp vào hệ thống tiêu chuẩn hiện có.
Ảnh chụp bên trong tàu lặn Titan vào năm 2018 (Ảnh: CNN)
Lý giải về việc tàu chưa được kiểm định nhưng đã đi vào hoạt động, ông Sal Mercogliano, Giáo sư tại Đại học Campbell (bang North Carolina) cho rằng, sở dĩ công ty OceanGate tránh được các quy định an toàn của Mỹ là do tàu Titan hoạt động tại vùng biển quốc tế.
Thông thường, tàu vận chuyển của Canada sẽ chở tàu lặn Titan tới khu vực vùng biển quốc tế gần xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương rồi thả tàu Titan tại đây.
Các chuyến bay vào vũ trụ do các công ty Virgin Galactic, Blue Origin hay SpaceX phát triển cũng vậy. Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ, các quy định an toàn hiện hành của Chính phủ Mỹ hiện chưa áp dụng với những chuyến bay này.
Theo CNN, hiện nay, nếu hành khách muốn tham gia các chuyến bay thương mại vào không gian buộc phải ký thỏa thuận chấp nhận rủi ro.
Dù vậy, theo ông Nick D’Annunzio, đa số các chuyến du lịch mạo hiểm với chi phí đắt đỏ thường diễn ra suôn sẻ vì các công ty cung cấp dịch vụ phải thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn.
Bà Ann Epting - nhân viên cấp cao thuộc công ty cung cấp dịch vụ du lịch xa xỉ Abercrombie & Kent cho biết, trước mỗi chuyến đi, các công ty này thường lên kế hoạch chuẩn bị trong khoảng 18 tháng để đảm bảo an toàn cho người tham gia.
Bà Epting dẫn chứng trong chuyến thám hiểm ngôi làng vùng núi ở Oman, công ty này đã phải xây bậc thang ở bên sườn núi và dựng cây cầu gỗ có tay vịn hai bên để giúp khách hàng dễ tiếp cận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận