Viễn cảnh xách vali và đi thăm quan vũ trụ sẽ không còn xa vời
Viễn cảnh được khám phá một môi trường hoàn toàn mới, trải nghiệm cảm giác bao cả Trái Đất trong tầm mắt hay hòa mình vào ngàn sao của vũ trụ sẽ không còn xa vời khi những nền móng đầu tiên cho ngành du lịch vũ trụ đã được thiết lập.
Thị trường nhộn nhịp
Ý tưởng du lịch vũ trụ đã bắt đầu tại Nga từ những năm 2000. Cơ quan hàng không vũ trụ Nga đã đưa 7 đại gia vào vũ trụ với mức phí khoảng 20 triệu USD/ người nhằm gây quỹ cho chương trình hàng không vũ trụ khi đó đang gặp khó khăn.
Đến nay, theo tờ Wall Street Journal, thị trường du lịch vũ trụ đã đạt rất nhiều bước tiến lớn. Một số công ty bắt đầu bước vào giai đoạn tìm khách hàng, hoàn tất chương trình thử nghiệm du lịch vũ trụ, thậm chí huấn luyện những người sẽ trở thành những thế hệ phi hành gia mới.
Cách đây vài ngày, một công ty lữ hành vũ trụ đầu tiên được thành lập tại Anh mang tên RocketBreaks, cung cấp đầy đủ dịch vụ từ điều phối các chuyến bay, cung cấp phòng ốc, đảm bảo bữa ăn và đào tạo chuyên sâu.
Bên cạnh đó, những chương trình đưa hành khách vào vũ trụ cũng rất đa dạng. Tại Mỹ, Công ty Virgin Galactic của tỷ phú Richard Brason đã thực hiện chuyến bay thử thứ 3 vào vũ trụ, du hành không gian ở tầm dưới quỹ đạo, có con người trong năm ngoái và đặt mục tiêu khai thác thương mại vào đầu năm sau.
Virgin Galactic hứa hẹn, trải nghiệm du lịch này sẽ vô cùng sang trọng. Hành khách sẽ được ngồi trên tàu vũ trụ có thiết kế đặc biệt do Virgin Galactic kết hợp với nhà sản xuất xe Land Rovers thực hiện, được mặc những bộ trang phục chuyên dụng do hãng UnderArmour sản xuất và được thưởng thức nhiều món cocktail lạ như “Galactic Martini” và “Beyond the Clouds Cocktail”.
Hành khách có tham vọng chinh phục vũ trụ cũng có thể tìm đến chương trình do Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk. Hãng đặt mục tiêu sẽ đưa tới 20 người vào quỹ đạo trong vài năm tới. Con số này cao hơn số lượng người được đưa vào vũ trụ trong chương trình Gemini của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA).
Kế hoạch sẽ diễn ra trong thời gian gần nhất là của Công ty Blue Origin do tỷ phú Jeff Bezos sáng lập. Blue Origin dự định thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngay giữa tháng 7 này, kỷ niệm ngày tàu vũ trụ Apollo 11 đáp xuống mặt trăng.
Những hành khách đầu tiên không phải ai khác mà chính là ông Bezos cùng em trai Mark và một số hành khách được lựa chọn qua đấu thầu trực tuyến.
Đáng nói, những chuyến du ngoạn này không chỉ mạo hiểm, thử thách, đòi hỏi sức khỏe, trải qua những khóa tập luyện chăm chỉ mà còn rất đắt.
Đơn cử như Axiom Space, đơn vị chuyên huấn luyện và đảm nhiệm toàn bộ khía cạnh liên quan tới các chuyến bay vào vũ trụ, thu phí tới 55 triệu USD cho chuyến du ngoạn kéo dài 1 tuần tới Trạm Vũ trụ Quốc tế, sử dụng tàu của Space X.
Trong khi đó, Công ty Virgin Galactic đang tính phí khoảng 250.000 USD/chỗ trên tàu vũ trụ SpaceShipTwo. Dù đắt đỏ nhưng chương trình của Virgin Galactic vẫn thu hút tới 600 khách quan tâm. Do đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, khi mở bán lại trong năm nay, giá vé có thể sẽ tăng gấp đôi lên mức 500.000 USD.
Mức độ rủi ro thế nào?
Tàu vũ trụ Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos
Những ngày đầu tiên khi ngành du lịch đặc biệt này nhen nhóm, cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) đã rất băn khoăn lo ngại về mức độ an toàn.
Họ đã thành lập một ủy ban để đánh giá nguy cơ từ những năm 80 của thế kỷ trước. Những năm 2000, khi Nga thực hiện chuyến bay đưa 7 đại gia vào vũ trụ, NASA đánh giá việc đưa người thường vào vũ trụ là quá nguy hiểm.
Song đến năm 2019, cơ quan Mỹ đảo ngược tuyên bố. Bà Kathy Lueders, người đứng đầu văn phòng phụ trách các sứ mệnh thám hiểm và chiến dịch có con người của NASA khẳng định: “Vũ trụ sẽ không chỉ còn dành cho NASA nữa… Mục đích của chúng tôi thực sự là trao quyền tiếp cận tới tất cả những người có giấc mơ vũ trụ”, bà Lueders nhận định.
Theo quan chức NASA, trong tương lai, khi nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực này, chi phí mỗi chuyến du hành vũ trụ sẽ giảm.
Mặt khác, tờ The Washington Post đánh giá, nếu ngành du lịch vũ trụ phát triển, NASA cũng sẽ được hưởng lợi. Theo hướng dẫn chi phí mới, cơ quan này tính phí khoảng 10 triệu USD cho mỗi nhiệm vụ du hành vũ trụ tư nhân, trang trải cho thời gian phi hành đoàn hỗ trợ các chuyến bay tới trạm vũ trụ, lên kế hoạch cho nhiệm vụ và truyền thông liên lạc. Họ cũng tính một số loại phí nhỏ khác như chi phí thực phẩm 2.000 USD/người/ngày.
Đồng thời, theo Washington Post, vì thị trường này còn rất mới nên những chuyến bay vào vũ trụ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vẫn chưa rõ chuyện gì sẽ xảy ra nếu một phương tiện gặp tai nạn.
Sau vụ tai nạn chết người năm 2014, Virgin Galactic có thời điểm phải đóng cửa toàn bộ doanh nghiệp. CEO Branson tự tin đã khắc phục tất cả vấn đề liên quan tới vụ tai nạn này nhưng cũng thừa nhận trong một báo cáo về nguy cơ tai nạn hoặc xảy ra thảm họa dẫn đến thiệt hại về người.
Tờ The Washington Post dẫn lời hai nhà phân tích Ken Herbert và Austin Moeller, đang làm việc tại Công ty Canaccord Genuity đánh giá, thị trường du lịch vũ trụ dưới quỹ đạo có thể đạt giá trị 8 tỷ USD đến năm 2030, trong đó 1 triệu hành khách tiềm năng giàu có, thừa tiền để mua vé và sẵn sàng tâm lý để đi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận