Súng bắn tốc độ hiện vẫn được coi là công cụ chủ yếu để phát hiện và ngăn ngừa vi phạm cũng như phòng ngừa nguy cơ xảy ra TNGT do hành vi chạy quá tốc độ (Ảnh: CSGT kiểm tra tốc độ phương tiện trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp) - Ảnh: Khánh Linh |
Thời gian qua, xe ô tô kinh doanh vận tải bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) để thực hiện truyền những dữ liệu hành trình, tốc độ, thời gian lái xe liên tục... về máy chủ do Tổng cục Đường bộ VN quản lý.
Đây là một quy định đúng đắn và đã góp phần tăng cường hiệu quả quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng ô tô trên cả nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy dữ liệu từ GSHT đang được sử dụng một cách rất bị động, thuần túy là một công cụ ghi nhận dữ liệu để đối chiếu, hậu kiểm mà chưa phát huy tác dụng trong khâu ngăn ngừa vi phạm. Trong tất cả các vụ TNGT, thiết bị GSHT chỉ giữ vai trò là một “ổ” lưu dữ liệu về tốc độ vận hành của xe chứ chưa gửi được cảnh báo, khi xe vượt tốc độ cho phép, đến cơ quan chức năng, nhằm góp phần ngăn chặn TNGT. Nếu thông tin về việc lái xe chạy quá tốc độ được phát hiện và cảnh báo sớm, có lẽ nhiều vụ TNGT đã không để lại hậu quả thảm khốc như vậy.
Tôi cho rằng, cơ quan quản lý không cần thiết phải giám sát trực tiếp đến từng lái xe, với hàng triệu xe trong cả nước vì việc này không khả thi và cũng không đủ nguồn lực để làm. Ngay cả khi chúng ta có trung tâm dữ liệu và công nghệ hiện đại cũng sẽ khó thực hiện. Vì vậy, việc yêu cầu doanh nghiệp phải giám sát tốt lái xe của mình cần được thể chế bằng văn bản quy phạm pháp luật. Doanh nghiệp trực tiếp lái xe, họ phải có trách nhiệm ứng dụng công nghệ để quản lý an toàn, trong đó có giám sát tốc độ, lộ trình lái xe và nhắc nhở lái xe kịp thời. Cơ quan quản lý giám sát bằng việc kiểm tra ngẫu nhiên, đột xuất một số phương tiện. Khi chúng ta thể chế được bằng văn bản pháp luật và định kỳ kiểm tra, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện.
Có những quốc gia đi sau chúng ta trong sử dụng thiết bị GSHT nhưng họ lại làm tốt hơn. Ví dụ như Thái Lan, họ học chúng ta cách quản lý phương tiện bằng thiết bị này nhưng làm tốt hơn chúng ta rất nhiều. Họ có thêm nhiều tính năng cho thiết bị GSHT, nhất là về thu nhận, xử lý thông tin và khai thác kịp thời. Dữ liệu được đưa vào trung tâm xử lý dữ liệu lớn, sau đó xác định lỗi vi phạm, có những cảnh báo đối với doanh nghiệp và xử lý rất nặng nếu tái phạm. Chúng ta có thể làm được như vậy, vấn đề làm sao cần sự quyết tâm và nguồn kinh phí phù hợp.
Thời gian tới, Việt Nam cần phải có bước đột phá để có được trung tâm xử lý dữ liệu, phân tích xử lý và khai thác dữ liệu GSHT một cách hiệu quả, đồng thời chia sẻ với các cơ quan chức năng có liên quan nhằm khai thác tối đa tính năng của thiết bị này trong quá trình quản lý ATGT.
GS.TS. Từ Sỹ Sùa
Giảng viên cao cấp Trường ĐH GTVT
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận