Xã hội

Dự luật PPP khó hút vốn đầu tư hạ tầng

11/11/2019, 06:34

Sáng nay (11/11), Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

img
Luật PPP ra đời sẽ giải bài toán huy động nguồn vốn đầu tư cho các dự án lớn trong bối cảnh ngân sách khó khăn (Trong ảnh: Cao tốc Hà Nội Hải Phòng - một trong những dự án lớn được đầu tư theo hình thức BOT). Ảnh: T.T

Trước phiên họp này, các đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia tài chính, nhà đầu tư dành sự quan tâm đặc biệt đến các quy định về bảo lãnh doanh thu, cách thức huy động vốn... trong dự thảo luật này.

Cơ chế chia sẻ rủi ro cần công bằng hơn

Cuối tuần qua, Bộ KH&ĐT đã công bố dự thảo Luật PPP với 11 chương và 102 điều. Ngoài các quy định kế thừa của Nghị định 63/2018, dự thảo Luật PPP còn có nhiều điều khoản, quy định mới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án PPP trong thời gian qua.

Cụ thể, quy định về cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu, tại Khoản 2, Điều 77, dự thảo Luật PPP nêu rõ: Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng; Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu chỉ áp dụng đối với một số dự án PPP đặc biệt quan trọng do Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, trên cơ sở xem xét cẩn trọng thông qua hội đồng thẩm định liên ngành cấp Trung ương, không áp dụng cho mọi dự án PPP.

Bình luận về nội dung này, ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, dự thảo Luật PPP cần thiết phải chỉnh sửa quy định về tỷ lệ chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Nguyên tắc của đầu tư đối tác công - tư là Nhà nước phải chịu thiệt nhiều hơn, bởi khi làm dự án là Nhà nước đã có công trình để phát triển KT-XH. “Tuy nhiên, trong dự thảo Luật PPP lại quy định, khi dự án hụt thu thì phần nhà nước chịu không quá 50%, còn khi dự án vượt thu Nhà nước hưởng từ 50% trở lên là rất vô lý”, ông Sinh nói và cho biết, cần chỉnh sửa lại theo hướng Nhà nước chịu thiệt nhiều hơn so với nhà đầu tư. Nếu cái gì Nhà nước cũng muốn lợi hơn về phía mình, các doanh nghiệp sẽ rất khó đầu tư vào dự án PPP.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu là quy định mới và rất cần thiết trong dự thảo Luật PPP. “Khi tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài, họ đều nhất trí cho rằng, Việt Nam cần phải có cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu với nhà đầu tư trong các dự án PPP”, ông Lực nói và cho rằng, trong dự thảo Luật PPP cần bổ sung quy định các trường hợp nào được chia sẻ rủi ro.

“Có những dự án do tham nhũng, năng lực quản trị yếu kém dẫn tới thất thu, nếu Nhà nước đứng ra bảo lãnh doanh thu cho các dự án này sẽ cực kỳ nguy hiểm. Do vậy, trong dự thảo cần phải quy định rõ các trường hợp được bảo lãnh doanh thu. Đồng thời, cần đưa ra quy định yêu cầu đối tác của nhà đầu tư là phía chính quyền phải có cơ chế để phòng ngừa rủi ro doanh thu, không thể thả rông”, ông Lực nói và gợi ý về nguồn vốn dùng để chia sẻ rủi ro doanh thu có thể thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển PPP.

Cần bổ sung quy định về thu hút vốn, thành lập quỹ đầu tư

Liên quan đến nguồn vốn để thực hiện dự án PPP, một trong những quy định mới của dự thảo Luật PPP so với các nghị định trước đây là cho phép doanh nghiệp dự án phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự án PPP. Cụ thể, tại Điều 73, dự thảo Luật quy định: “Sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng, doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự án PPP để huy động vốn thực hiện dự án PPP”.

Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dự thảo Luật quy định chỉ cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp khi đã hoàn thành xây dựng là rất hạn chế, bởi chúng ta cần nguồn vốn ngay từ ban đầu để tham gia vào dự án. “Quy định này cần phải chỉnh sửa cho linh hoạt hơn, đơn cử như khi công trình đã xây dựng được 30 - 50% khối lượng thì cho phép phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng việc phát hành đó do các nhà đầu tư tổ chức”, ông Bằng nói.

“Rất nhiều quốc gia trên thế giới ưa thích loại hình trái phiếu doanh nghiệp, bởi có thể ngân hàng không cho nhà đầu tư vay vốn nhưng lại muốn mua trái phiếu doanh nghiệp dự án ngay từ đầu. Khi mua trái phiếu doanh nghiệp có nhiều thuận lợi vì vòng đời dự án kéo dài họ có thể chuyển nhượng trái phiếu cho nhà đầu tư thứ cấp khác thay vì mua bán nợ. Sự linh hoạt của việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp sẽ thu hút được rất nhiều nguồn tiền để đầu tư vào các dự án PPP”, ông Bằng phân tích và cho rằng, quy định về phát hành trái phiếu trong dự thảo Luật PPP không nên ghi bó buộc theo quy định của Luật Chứng khoán mà cần phải ghi theo nhiều luật khác như: Luật Doanh nghiệp, Luật chứng khoán và các luật liên quan để quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ được mở rộng nhiều hơn.

Đề cập đến việc huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng trong nước, ông Bằng cho biết, hiện nay, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn tại các ngân hàng thương mại đã chạm trần. Để khơi thông nguồn vốn này, xu hướng lâu dài ngân hàng Trung ương cần quản lý theo tỷ lệ an toàn tài chính, không nên quản lý theo tỷ lệ cho vay bao nhiêu vào ngắn hạn, bao nhiêu vào dài hạn.

“Nếu một ngân hàng có tỷ lệ an toàn tài chính tốt, ngân hàng đó có thể được đầu tư nhiều hơn vào các dự án PPP, không nên quy định tỷ lệ cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng như hiện nay. Trong dự thảo Luật PPP cũng cần quy định về việc huy động vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư. Quỹ Đầu tư đã trở nên rất phổ biến trên thế giới. Hiện nay, chúng ta đã có Quỹ Đầu tư chứng khoán, Quỹ Rủi ro, Quỹ Đầu tư bất động sản thì cũng có thể lập riêng một quỹ đầu tư cho dự án PPP để có thêm kênh huy động vốn”, ông Bằng nói.

TS. Cấn Văn Lực cũng thông tin, về cơ cấu nguồn vốn, thông thường dự án PPP sẽ gồm 4 nguồn vốn: Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư từ 15-20%; vốn từ tổ chức tín dụng thông thường chiếm từ 40-50%, trong đó vai trò quan trọng là Ngân hàng Phát triển với nguồn vốn trung và dài hạn. Tuy nhiên, hiện nay Ngân hàng Phát triển của Việt Nam (VDB) đang trong quá trình tái cơ cấu nên chưa đáp ứng được vốn cho doanh nghiệp. Trong khi đó các ngân hàng thương mại hiện tại chủ yếu huy động vốn vay ngắn hạn, nếu cho vay dài hạn sẽ dẫn tới rủi ro kỳ hạn, tiềm ẩn nợ xấu.

Thứ ba là nguồn vốn từ thị trường vốn, cụ thể là trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu công trình theo thời gian dự án. Nguồn vốn này chiếm khoảng 20% dự án. Cuối cùng là vốn từ các quỹ đầu tư. “Quy định coi phát hành trái phiếu doanh nghiệp là nguồn vốn thứ cấp trong dự thảo Luật PPP, theo tôi là không phù hợp. Việc huy động vốn theo hình thức nào nên là phương án của doanh nghiệp, quan trọng nhất là tối ưu hoá hiệu quả”.Trong khi đó, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, phương án doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu rất khó thực hiện do cộng đồng doanh nghiệp còn non trẻ. “Trong bối cảnh các ngân hàng đã cạn trần cho vay, trong dự thảo Luật cần có quy định thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án PPP”, ông Chủng nói.

Hôm nay, Quốc hội thảo luận dự án Luật PPP

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, hôm nay (11/11), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trước khi nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.

Tiếp đó, dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư sẽ được các ĐBQH thảo luận ở tổ.

Đáng chú ý, trong chương trình làm việc ngày mai (12/11), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Trong tuần, Quốc hội cũng sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội; thảo luận ở tổ về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật:
Sớm ban hành luật để hút vốn hạ tầng giao thông

img

Trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, những năm qua, ngành GTVT đã huy động được khoảng 210.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, BT. Các dự án sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác đã có sự đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH.

Tuy nhiên, cũng thẳng thắn đánh giá, bên cạnh những mặt tích cực, các dự án BOT giao thông vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Hiện nay, Bộ GTVT đang tiếp tục rà soát, đánh giá để xử lý các tồn tại.

Nguyên nhân dẫn tới các tồn tại, bất cập của dự án BOT giao thông trong thời gian qua xuất phát từ việc khung pháp lý cao nhất của hình thức đầu tư mới chỉ dừng ở các nghị định, thông tư, chưa có một văn bản cấp luật đủ mạnh. Vòng đời của một dự án BOT giao thông thường kéo dài khoảng 10 - 15 năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng lại chưa có luật cho hình thức đầu tư này là hạn chế rất lớn.

Trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, việc sớm ban hành Luật về PPP để thu hút nguồn lực đầu tư là vấn đề rất cấp thiết.

TS. Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):
2 điểm khiến nhà đầu tư yên tâm

img

Sau khi Nghị định 15 về đầu tư theo đối tác công - tư được sửa đổi bằng Nghị định 63, đến nay không có một dự án BOT nào được đầu tư. Có thể nhận thấy ngay động tác sửa luật văn bản pháp quy như vậy, đã không thu hút được các nhà đầu tư.

Khắc phục những bất cập thực tiễn, trong kết cấu dự thảo Luật PPP, cơ quan soạn thảo đã cố gắng thiết kế làm sao có nhiều nguồn vốn để được huy động, trong đó có cả nguồn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp.

Có thể nói, dự thảo Luật PPP trình Quốc hội lần này đều khắc phục được những hạn chế nổi bật của 3 nhóm vấn đề gồm: thông tin dự án, cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư. Cụ thể ở góc độ nhà đầu tư, có 2 điểm lớn nhất được dự thảo đặt ra sẽ khiến các nhà đầu tư yên tâm. Thứ nhất, quy định bảo lãnh doanh thu thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước về rủi ro và chia sẻ lợi nhuận. Thứ hai, dự thảo cũng đặt ra vấn đề kiểm toán kiểm soát nguồn chi tài chính của doanh nghiệp như thế nào cho phù hợp, vừa đảm bảo chặt chẽ nguồn vốn gốc, nhưng đồng thời không làm mất đi tính sáng tạo của nhà đầu tư trong quá trình xử lý nguồn vốn.

Hoàng Ngân (Ghi)

ĐBQH Đỗ Văn Sinh (Thường trực Uỷ ban Kinh tế của QH):
Phải bảo lãnh doanh thu cho nhà đầu tư

img

Khó khăn nhất hiện nay là việc tìm nguồn vốn ở đâu để đầu tư cho các dự án lớn trong bối cảnh chúng ta không chế trần nợ công, nợ Chính phủ và hạn chế bảo lãnh Chính phủ. Vì vậy, khi Luật PPP ra đời sẽ giải bài toán này.

Luật PPP bắt đầu manh nha từ kỳ họp này và dự kiến chúng ta sẽ thông qua 2 kỳ họp. Một trong những vấn đề đặt ra của Luật PPP là chúng ta muốn huy động nguồn vốn bên ngoài Nhà nước vào, thì phải có cơ chế, phải đảm bảo được lợi ích chung và sự an toàn cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư nào cũng mong có lợi nhuận và phải được bảo vệ.

Hiện có hai vấn đề nhà đầu tư muốn được thoả mãn. Thứ nhất là đối với nhà đầu tư vào các dự án hạ tầng, như giao thông, thời gian dự án rất dài, phụ thuộc rất nhiều yếu tố KT-XH, nhà đầu tư mong muốn được bảo lãnh về doanh thu. Luật PPP sẽ đưa ra quy định bảo lãnh như thế nào, bảo lãnh đến đâu. Mong muốn thứ hai là chuyển đổi ngoại tệ, tôi ủng hộ trên cơ sở thị trường và có sự kiểm soát.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng):
Có luật sẽ giảm áp lực đầu tư công

img

Việc ban hành Luật PPP là cần thiết, bởi luật cụ thể hoá, minh bạch sẽ thu hút được nhà đầu tư ngoài Nhà nước. Nên lưu ý, ngoài nhà nước không có nghĩa là tư nhân, mà có thể là các công ty cổ phần có vốn Nhà nước. Quan trọng nhất là giảm được đầu tư công mà vẫn triển khai được dự án.

Nếu chúng ta hoàn thiện chuẩn mực, Luật PPP sẽ tạo điều kiện để phát triển trở lại các hợp tác PPP, vì vừa qua chúng ta thấy triển khai các dự án BT, BOT gặp một số trở ngại, thậm chí có một số dự án phải dừng. Chúng ta phải sớm thông qua Luật PPP để khởi động trở lại các dự án này.

An Na - Thanh Bình (Ghi)

Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả:
Cần làm rõ điều khoản chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ dự án

img

Ngoài một số quy định về chia sẻ rủi ro, huy động vốn, trong dự thảo Luật PPP vẫn còn một số bất cập khác. Đơn cử, như quy định về quyền tiếp nhận dự án của ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Nếu quy định theo dự luật là rất hà khắc cho các nhà đầu tư. Dự luật nên quy định rõ, ở mức nghiêm trọng tới đâu thì tổ chức tín dụng tiếp nhận lại dự án và phải quy định rõ trách nhiệm các bên tiếp nhận lại dự án. Dự thảo cần làm rõ về điều khoản chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ dự án, bởi trong dự thảo quy định dự án chỉ được chuyển nhượng khi đã hoàn thành đi vào khai thác.

“Thực tế, thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi xử lý những nhà đầu tư yếu kém đồng hành trong các dự án khi họ không có đủ năng lực nhưng dự án vẫn đang trong quá trình xây dựng. Nếu áp dụng theo quy định của dự thảo của Luật PPP, rõ ràng sẽ mâu thuẫn với quy định của Luật Doanh nghiệp bởi trong Luật Doanh nghiệp cho phép nhà đầu tư hay cổ đông chuyển nhượng vốn góp vào bất kỳ thời điểm nào”, ông Thế nói.

Đình Quang (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.