Kinh tế

Dư nợ tín dụng xanh đã đạt hơn 636.000 tỷ đồng

22/05/2024, 18:58

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững.

Chia sẻ tại Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí tổ chức, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế.

Theo ông Tú, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu về áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin: Nhiều tổ chức tín dụng trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng.

Dư nợ tín dụng xanh đã đạt hơn 636.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  Nguyễn Thị Hà, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu của thời đại, là mục tiêu chung của cả cộng đồng quốc tế. Việt Nam, với cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh COP26, cũng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, việc phát triển ESG đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống xã hội.

Theo bà Hà, lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội có mối quan hệ mật thiết với ESG. Việc thực hiện tốt các chính sách về lao động, thương binh và xã hội sẽ góp phần tạo dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Ngược lại, phát triển kinh tế bền vững cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và cải thiện đời sống xã hội.

ESG (Environmental (Môi trường) - Social (Xã hội) - Governance (Quản trị) là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. Khái niệm này ngày càng được chú ý trên toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và đầu tư.

Diễn đàn ESG Việt Nam không chỉ là nơi thảo luận về lý thuyết mà còn là nền tảng thực tiễn, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện và tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh của mình, góp phần nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thị trường và trong cộng đồng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.