Quản lý

Dự thảo lần 10 sửa đổi Nghị định 86 có gì mới?

19/08/2019, 06:28

Bộ GTVT vừa ký trình dự thảo lần thứ 10 Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

img
Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 86 mới nhất, Bộ GTVT đã bỏ quy định ô tô dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn gắn trên nóc xe (Trong ảnh: Xe Grab đón khách trên đường Nguyễn Xiển, Hà Nội). Ảnh: Tạ Tôn

Tại dự thảo lần này, Bộ GTVT đã tiếp thu, điều chỉnh triệt để theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp với các địa phương về tình hình đảm bảo ATGT 6 tháng đầu năm.

Xe hợp đồng điện tử phải dán phù hiệu “Xe hợp đồng”

Bộ GTVT cho biết, Nghị định số 86 hiện có tổng số 51 điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Sau khi rà soát đã loại bỏ 8 điều kiện không còn phù hợp với thực tế và chuyển sang nội dung quản lý 36 điều kiện, còn lại 3 điều kiện về quyền sở hữu và quyền sử dụng phương tiện; điều kiện về sức chứa xe của các loại hình kinh doanh.

Đáng quan tâm nhất dự thảo lần này, Bộ GTVT cho biết đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, bỏ một số quy định bắt buộc gắn cố định hộp đèn trên nóc xe đối với ôtô chở khách dưới 9 chỗ ngồi. Theo đó, Bộ GTVT bỏ quy định ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ “Xe hợp đồng” gắn cố định trên nóc xe.

Dự thảo nghị định mới đã sửa đổi, điều chỉnh bằng quy định xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu “Xe hợp đồng” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe với kích thước tối thiểu là 6 x 20 cm và cụm từ “Xe hợp đồng” phải được làm bằng vật liệu phản quang. Bộ GTVT cho rằng, việc sửa đổi này nhằm mục đích đảm bảo nhận diện đối với phương tiện xe kinh doanh vận tải loại hình này.

Về bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông, Bộ GTVT cho hay, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 đã bổ sung một số quy định như: Phải tập huấn cho người đại diện theo pháp luật, người điều hành vận tải và bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về ATGT của đơn vị kinh doanh vận tải nếu để xảy ra tai nạn từ mức nghiêm trọng trở lên. DN, HTX sử dụng hợp đồng điện tử phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về ATGT theo quy định. Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định, chỉ các DN, HTX đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch mới được sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng điện tử.

Một nội dung quan trọng cũng được các DN kinh doanh vận tải quan tâm đó là dự thảo quy định với xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp. Phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

Quy định nội dung này theo Bộ GTVT nhằm bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, tránh đăng ký loại hình xe hợp đồng nhưng hoạt động như tuyến cố định, đăng ký ở địa phương này nhưng lại đưa phương tiện sang địa phương khác hoạt động dẫn đến mất trật tự vận tải, cạnh tranh không lành mạnh với tuyến cố định và xe taxi trên địa bàn, gây khó khăn cho việc quản lý vận tải, tổ chức giao thông và quản lý thuế.

Cũng tại Dự thảo lần này, Bộ GTVT đề xuất bổ sung thêm quy định: “Sở GTVT thực hiện cấp phù hiệu, biểu hiệu theo quy định và dán phù hiệu, biểu hiệu lên xe ô tô”.

Lý giải cho đề xuất này, Bộ GTVT cho biết, hiện nay sở GTVT cấp phù hiệu, biển hiệu cho đơn vị vận tải nhưng sau đó đơn vị vận tải không thực hiện dán phù hiệu, biển hiệu này lên xe ô tô kinh doanh vận tải, đặc biệt là các xe hợp đồng dưới 9 chỗ hầu như không thực hiện. Do đó, dẫn đến tình trạng xe “tàng hình” như phản ánh trong thời gian qua, từ đó gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm và gây khó khăn trong tổ chức, phân luồng giao thông tại các đô thị. Chính vì vậy, đề xuất sở GTVT trực tiếp dán phù hiệu, biển hiệu này lên xe ô tô kinh doanh vận tải.

Giải quyết được yêu cầu nhận diện để quản lý

Dự thảo Nghị định lần này cũng quy định ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong quản lý vận tải để thay thế cho phương thức quản lý truyền thống. Dự thảo Nghị định quy định đơn vị vận tải ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng phần mềm trong quản lý phương tiện, lái xe, lưu trữ hồ sơ, vé điện tử, hóa đơn điện tử, niêm yết thông tin trên phương tiện, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của hành khách. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera và đảm bảo các yêu cầu theo quy định.

Đánh giá về những quy định tại dự thảo, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, quy định xe hợp đồng phải gắn phù hiệu sẽ giúp lực lượng chức năng nhận diện để kiểm soát trên đường. Cùng với đó, việc thay đổi quy định về màu sắc của tem kiểm định của phương tiện, xe kinh doanh và xe không kinh doanh sẽ có màu sắc khác nhau để nhận diện. Hai quy định trên tuy không chặt chẽ như gắn hộp đèn, nhưng dù sao cũng giải quyết được khoảng 60% yêu cầu nhận diện quản lý. Số còn lại chúng ta phải chấp nhận có giải pháp quản lý khác.

Trước lo lắng rằng nếu chỉ gắn phù hiệu, lái xe có thể gắn hoặc không, ông Quyền cho rằng, dự thảo Nghị định đã lấp “lỗ hổng” này bằng quy định thay vì để cho DN tự gắn phù hiệu, Sở GTVT phải trực tiếp gắn cho xe và nếu bóc ra sẽ tự hủy như dạng tem vỡ.

GS. TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, việc dán phù hiệu là cần thiết, nhưng lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường sẽ khó nhận diện hơn. Cần có dấu hiệu để các cơ quan quản lý phân biệt được đây là dịch vụ chở khách so với các phương tiện khác.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO cho rằng, khách hàng không có nhu cầu nhận diện xe vì mọi thông tin đã được minh bạch qua ứng dụng. Việc gắn hộp đèn xe hay không cũng không có ý nghĩa gì đối với các đơn vị quản lý thuế vì công tác truy thu thuế phải xử lý tại nguồn là DN.

“Các DN cung cấp phần mềm phải đăng ký DN kinh doanh vận tải là hợp lý. Tuy nhiên, không thể đánh đồng, gộp chung 2 loại taxi công nghệ và taxi truyền thống “về một giỏ”. Hai loại hình này bản chất giống nhau, đều là DN vận tải nhưng phương thức hoạt động khác nhau. Mô hình của Grab sử dụng công nghệ để tiết giảm nhân sự, tiết giảm chi phí quản lý, từ đó giảm giá thành cho người dùng. Nếu “ép” Grab phải đáp ứng tất cả quy định như taxi truyền thống sẽ làm biến đổi mô hình kinh doanh mới”, luật sư Đức nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.