Thị trường

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi): Người lao động nào có cơ hội hưởng lương hưu?

16/03/2023, 19:17

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Không phải đóng thêm tiền, nhưng được hưởng thêm 2 triệu thai sản

Chiều 16/3, Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐ,TB&XH) tổ chức họp báo thông tin về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.

Tại đây, ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ,TB&XH cho biết, dự thảo quy định các đối tượng "lao động nữ sinh con", "lao động nam đang tham gia BHXH có vợ sinh con" hưởng trợ cấp 2.000.000 đồng cho 1 con mới sinh, do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Hiện trong Luật BHXH 2014, BHXH tự nguyện chỉ bao gồm 2 chế độ hưu trí và tử tuất; không có các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp như bảo hiểm bắt buộc.

Việc bổ sung chế độ trợ cấp thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện, được bộ này giải thích là nhằm thu hút sự tham gia của những người lao động không có quan hệ lao động cũng như đảm bảo sự công bằng về chế độ thai sản giữa những lao động nữ làm việc ở các khu vực khác nhau - chính thức và phi chính thức.

img

Họp báo thông tin về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

Tuy nhiên, đông bảo báo chí quan tâm thêm một số nội dung như: Căn cứ vào đâu để đưa ra mức 2 triệu đồng và tại sao không bổ sung cả chế độ ốm đau vào chính sách BHXH tự nguyện?

Ông Cường giải thích, hiện nay, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ đóng với 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Trên thực tế, người lao động tự do, khu vực phi chính thức, không có giao kết hợp đồng lao động thường có mức thu nhập thấp, thiếu tính ổn định.

"Do đó, việc bổ sung thêm nhiều chế độ thì sẽ phải tăng mức đóng BHXH tự nguyện, như vậy là khó cho người lao động khu vực này", ông Cường nói và cho biết, dự thảo Luật mới chỉ bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện, mà người lao động "không phải bổ sung thêm mức đóng" cho chế độ này. Có nghĩa là mức đóng như cũ - người lao động chỉ phải đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, mà lại được hưởng thêm chế độ thai sản. Đây chính là gia tăng quyền lợi cho người lao động, tạo sức hút tham gia BHXH tự nguyện.

Những người lao động nào có cơ hội được hưởng lương hưu?

Ông Cường cũng cho biết, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tập trung bám sát 5 nhóm chính sách lớn, đều nhằm mở rộng, gia tăng lợi ích cho người lao động.

Từ đó, nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động trong quá trình làm việc và sau khi nghỉ hưu.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi chính như: Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội, bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ban soạn thảo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Ngoài ra, cũng bổ sung quy định về tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với những người có dưới 20 năm đóng phù hợp với sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu và việc ký kết, tham gia các điều ước quốc tế; bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội và bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; trợ cấp một lần khi nghỉ hưu; sổ bảo hiểm xã hội điện tử cũng là những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.