Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, nổi bật trong số đó là cơ chế thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phát triển vận tải.
Nhiều điểm mới
So với luật năm 2008, dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội lần này có những thay đổi gì đáng chú ý, thưa ông?
Qua thời gian thi hành khá lâu, thực tiễn phát sinh những vấn đề Luật Giao thông đường bộ hiện hành chưa bao quát được hết, có những vướng mắc cần thiết phải sửa đổi mới đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Chẳng hạn, dự thảo đã đề xuất các quy định về cơ chế huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng như: Đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả.
Thời gian qua, đã có các phương tiện mới tham gia giao thông đường bộ nhưng thiếu các quy định điều chỉnh như xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện, ô tô tự lái…
Tới đây có thể là cả taxi bay, các phương tiện lưỡng tính có thể di chuyển cả trên đường bộ và đường thủy, hàng không… Dự thảo cũng đã dự liệu trước và đề xuất biện pháp quản lý.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất điều chỉnh quy định về loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phù hợp với thực tế, khắc phục những bất cập hiện nay.
Những thay đổi này sẽ mang lại điều gì, thưa ông?
Việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách mới trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, phương tiện giao thông đường bộ sẽ tạo đột phá, tạo động lực thu hút các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, đặc biệt là đường cao tốc.
Dự thảo đã bổ sung nhiều quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Phương tiện giao thông đường bộ; Bổ sung các khái niệm mới như: Đường giao thông nông thôn; Đường địa phương; Phương tiện công nghệ mới; Phương tiện đa tính năng; Quy định về cơ sở dữ liệu đường bộ; Phân kỳ đầu tư trong việc cho phép đường địa phương, đường chuyên dùng được quy hoạch thành quốc lộ …
Bổ sung nhiều quy định về phát triển, khai thác cao tốc
Về đầu tư đường cao tốc, gần 20 năm qua chúng ta mới làm được hơn 1.000km. Dự thảo luật lần này đề xuất những gì để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy đầu tư, đảm bảo thực hiện mục tiêu 5.000km vào năm 2030?
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định ba đột phá chiến lược, trong đó "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; Ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng biến đổi khí hậu", đồng thời đề ra giải pháp "huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả".
Những năm qua, ngân sách dành cho hạ tầng giao thông đường bộ còn chiếm tỷ trọng thấp, trong khi việc huy động từ xã hội còn hạn chế. Vướng mắc về cơ chế, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chính sách còn chưa nhất quán, ổn định nên khó hấp dẫn nhà đầu tư.
Giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 952.000 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ được bố trí hơn 233.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu 462.000 tỷ đồng, song chỉ phân bổ được khoảng 304.104 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu 5.000km đường bộ cao tốc đến năm 2030, Nhà nước phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện.
Hiện nay, năng lực xây dựng công trình giao thông đường bộ tại nước ta hoàn toàn đáp ứng việc xây dựng các công trình có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Tuy nhiên, để tạo động lực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh hệ thống định mức - đơn giá phù hợp và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và các đơn vị tham gia xây dựng đường bộ.
Lần trình Quốc hội cho ý kiến này, Dự thảo Luật Đường bộ đã bổ sung nhiều quy định để phát triển hệ thống cao tốc hiện đại, an toàn như quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn và ứng dụng khoa học công nghệ trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác đường cao tốc (Điều 48); Trạm dừng nghỉ trên cao tốc (Điều 56); Các chính sách phát triển, đầu tư, xây dựng đường cao tốc (Điều 49, Điều 50); Nâng cấp, hiện đại hóa đường cao tốc (Điều 51); Thu phí sử dụng đường cao tốc (Điều 45)...
Phân định rõ loại hình vận tải
Câu chuyện xe dù, bến cóc, xe trá hình lách luật thời gian qua gây nhức nhối, thực tế này đã được nhận diện ra sao khi sửa luật, thưa ông?
Sau 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ, tuy đã đạt được nhiều kết quả trong quản lý kinh doanh vận tải nhưng thị phần vận tải hiện chưa hợp lý, số lượng doanh nghiệp vận tải, dịch vụ logistics có đủ năng lực dẫn dắt thị trường và cạnh tranh quốc tế còn ít.
Việc phân loại loại hình kinh doanh vận tải chưa phù hợp với thực tế phát triển vận tải đường bộ, gây ra khó khăn trong công tác quản lý và tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình có hoạt động tương tự nhau.
Quy định hiện nay chưa đề cập đầy đủ trách nhiệm của chủ phương tiện. Khung pháp lý trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải còn thiếu.
Vậy, dự thảo luật đề xuất những gì để khắc phục các bất cập này?
Thay vì 5 loại hình vận tải như Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo luật quy định chỉ còn 4 loại hình.
Theo đó, quy định loại hình kinh doanh vận tải đường bộ gồm: Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô (kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, bằng xe buýt, bằng xe taxi, theo hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới), kinh doanh vận tải hàng hóa; Giao thẩm quyền Chính phủ quy định chi tiết các loại hình kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ.
Đồng thời, Chính phủ có thể ban hành các chính sách mới để kiểm soát các hình thức kinh doanh vận tải mới phù hợp với thực tiễn phát sinh mà không cần phải chờ sửa luật.
Bên cạnh đó, dự thảo đã bổ sung quy định đối với hoạt động vận tải nội bộ, đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn; Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị vận tải nội bộ phải đảm bảo công tác quản lý an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn giao thông tại các đơn vị kinh doanh vận tải.
Quy định như vậy giúp cắt giảm các điều kiện kinh doanh không phù hợp với thực tiễn, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và bình đẳng giữa các loại hình vận tải.
Cảm ơn ông!
Trần Duy (Thực hiện)
ĐBQH Trịnh Xuân An (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh):
Phương pháp tiếp cận khoa học
Luật Đường bộ tập trung vào phần kết cấu hạ tầng giao thông, và kết cấu thì liên quan đến trật tự ATGT. Chúng ta cùng lúc xây dựng Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ. Đây là phương pháp tiếp cận khoa học của Chính phủ và Quốc hội.
Cơ quan thẩm tra (Ủy ban Quốc phòng và An ninh) nói chung và cá nhân tôi nói riêng ủng hộ việc có một luật riêng về kết cấu, hạ tầng đường bộ. Một số chính sách đặc thù được Quốc hội cho phép bằng các nghị quyết hiện cũng đang xem xét đưa vào dự thảo Luật Đường bộ.
Đây là cơ sở, căn cứ pháp lý để huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, có cách thức quản lý và cơ chế chính sách phù hợp hơn.
Dự thảo luật tách ra một chương về đường cao tốc là rất phù hợp. Để đạt mục tiêu đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc, cần có những cơ sở pháp lý mang tính chất tổng thể bên cạnh cơ chế riêng để tạo đột phá.
ĐBQH Quản Minh Cường (Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai):
Kỳ vọng vào sự đột phá
Là thành viên của cơ quan thẩm tra dự án Luật Đường bộ, tôi ủng hộ việc ban hành luật này.
Dự thảo có nhiều điểm mới giúp ích cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt đã bổ sung quy định đường cao tốc là một cấp kỹ thuật của đường bộ; Quy định Nhà nước bảo đảm đủ vốn ngân sách để đầu tư đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì.
Luật Đường bộ sẽ tạo nên các bước đột phá trong việc thể chế hóa các chủ trương trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, phát triển vận tải đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Phùng Đô (Ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận