Thời sự

Dự thảo Luật Giáo dục vẫn... lòng vòng

16/11/2018, 06:33

ĐBQH cho rằng chương trình SGK quá nặng khiến học sinh khó tiếp thu, nhiều học sinh hoang mang, hoảng sợ...

6

ĐB Dương Minh Tuấn, Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại kỳ họp

Ngày 15/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Chương trình SGK, đổi mới trong thi cử, các chính sách thực nghiệm cũng như chất lượng dạy và học… vẫn là những vấn đề nóng được các ĐBQH quan tâm góp ý kiến.

Áp lực quá lớn khiến học sinh hoang mang, sợ học

ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đánh giá chất lượng dạy học chưa cao, rất chậm đổi mới, nặng về dạy chữ cùng kiến thức hàn lâm mà coi nhẹ dạy kỹ năng sống và dạy làm người, hướng nghiệp. Chương trình SGK cũng được ông Thưởng nhận định quá nặng khiến học sinh khó tiếp thu. Nguyên nhân có phần xuất phát từ việc người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhồi nhét vào bộ óc non nớt của trẻ, làm cho việc học tập trở thành áp lực, gánh nặng quá lớn, khiến một bộ phận không nhỏ trẻ sợ học, chán học. Đặc biệt, tâm lý phụ huynh muốn con mình trở thành “con người ta”, bắt các cháu phải giỏi toàn diện một cách quá sức dẫn dến tâm lý hoang mang, hoảng sợ.

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhắc đến tình trạng “không hiếm” sinh viên ra trường không viết nổi một văn bản. Theo ông Nhân, nhà trường chưa dành nhiều thời gian đào tạo kỹ năng mềm, người học thiếu tính chủ động, nên sản phẩm giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và xã hội. “Một nền giáo dục thiếu triết lý như thiếu ngọn hải đăng dẫn đường. Thiếu triết lý giáo dục cũng đồng thời làm cho đất nước thiếu đi một bộ phận cấu thành của triết lý phát triển”. ông Nhân trăn trở.

Loạn SGK, giáo dục sẽ vượt tầm kiểm soát

Đề cập đến chương trình SGK, ĐB Cao Đình Thưởng cho rằng, cần rà soát, điều chỉnh kỹ lưỡng bởi nhiều ý kiến muốn cả nước có một bộ SGK thống nhất, còn lại là sách tham khảo. Cùng với đó, SGK phải được thẩm định, kiểm soát hết sức chặt chẽ, chương trình học phải nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ dạy, dễ học. “Người viết SGK phải thực sự giỏi và am hiểu sâu sắc về nội dung chương trình và tâm lý sư phạm. Nên chăng phát động cuộc thi viết SGK trong giáo viên phổ thông để chương trình SGK ko bị hàn lâm hoá, giáo sư hoá, tiến sỹ hoá”, ông Thưởng góp ý.

Ông cảnh báo, nếu quá nhiều SGK thì khó quản lý, khó lựa chọn, khó dạy thống nhất và rất dễ dẫn đến loạn SGK, lúc ấy giáo dục sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát, hậu quả khôn lường.

Về thi cử, nhất là tốt nghiệp THPT, dù đồng tình với nguyên tắc “học phải được đánh giá bằng thi cử”, nhưng ĐB tỉnh Phú Thọ nhận định thi cử hiện nay đang trở thành áp lực, gánh nặng quá lớn và bị hiểu rất sai lệch. “Từ mục tiêu học để làm việc, làm người trở thành học để thi, nhưng thi để làm gì thì không phải ai cũng trả lời đúng, dẫn đến mất phương hướng, gây hoang mang và dẫn đến nhiều tiêu cực như thời gian qua”, ông Thưởng nêu quan điểm và đề nghị không tổ chức thi THPT quốc gia như hiện nay.

Việc đánh giá tổ chức thi tốt nghiệp THPT nên giao cho các Sở GD&ĐT và các trường THPT ở địa phương tự đánh giá, thi cử, chỉ nên tổ chức 1 kỳ thi quốc gia để chọn học sinh vào các trường ĐH, tổ chức chặt chẽ từ ra đề, coi thi, chấm thi, xét tuyển, làm thế nào để chọn đúng người, loại bỏ tiêu cực.

ĐB Hồ Thanh Bình (An Giang) cho rằng, việc quy định mỗi môn học có một hay nhiều SGK cần được xem lại. Đồng ý với ĐB Thưởng, ông Bình lưu ý phải quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với việc biên soạn các nội dung SGK, đảm bảo nội dung trong sáng, thiết thực, gần gũi với thực tiễn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đặc biệt có định hướng giáo dục chân, thiện, mỹ cho học sinh.

Nhắc đến ý kiến nói về sự quá tải của chương trình học hiện nay, ĐB Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng, đây có thể là một nguyên nhân dẫn đến việc học đuổi, học trước chương trình, dạy thêm, học thêm. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu chương trình giáo dục phù hợp với khả năng, năng lực của học sinh.

Đừng “lấy học sinh làm chuột bạch”

ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhắc đến vấn đề thực nghiệm, thí điểm. Theo ông, thực nghiệm của chúng ta có một số chỗ không đạt yêu cầu, “lấy học sinh làm chuột bạch”, rồi sau đó được thì tốt, không được thì không biết học sinh đi về đâu, sai một li, đi một dặm. Ông đánh giá ban soạn thảo không có sự cầu thị nên cách viết quy định trong dự luật thể hiện sự lòng vòng. Dẫn Điều 113 quy định Chính phủ trình Ủy ban TVQH trước khi áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công, ông Tuấn giải thích nghĩa là nếu áp dụng đại trà mới xin, còn thí điểm thì không xin.

Theo ĐB này, việc thí điểm trong giáo dục tốn tiền tỉ, lấy học sinh làm chuột bạch nhưng lại không xin ý kiến Ủy ban TVQH thì phải nói rõ lý do, không được lòng vòng. “Đề nghị ban soạn thảo hết sức cầu thị”, ông Tuấn nói và đề nghị phải trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương về giáo dục đào tạo.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ xin tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo Luật. Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng cho rằng, tới đây cần phải rà soát để cụ thể hơn các vấn đề mà xã hội đang bức xúc và những vấn đề gây nút thắt trong phát triển giáo dục để từ đó lựa chọn, xác định rõ những vấn đề nào cụ thể được thì cụ thể luôn ở trong luật để khi triển khai không cần phải đợi các văn bản hướng dẫn, phải đảm bảo được tính khả thi và luật đi vào cuộc sống.

Ông Nhạ cho biết, đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu đề tài cấp quốc gia và nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận để tạo ra một sự thống nhất cao về triết lý giáo dục trong mục tiêu và nguyên lý giáo dục để có định hướng trong chỉ đạo tới đây.

Thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao là thông tin mật

Chiều 15/11, với 444/447 ĐBQH có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 91,55% tổng số ĐBQH), Quốc hội chính thức thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Luật có 5 chương, 28 điều và có hiệu lực từ 1/7/2020.

Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước quy định, thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước phải là thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc thuộc 15 lĩnh vực.

Cụ thể, trong lĩnh vực chính trị, thông tin thuộc phạm vi bí mật bao gồm: Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại; Thông tin về hoạt động của BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Thông tin về thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong lĩnh vực y tế, thông tin về bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước cũng thuộc diện mật.

Căn cứ tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật Nhà nước được phân loại thành 3 độ mật: Tuyệt mật, Tối mật và Mật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.