Tiếp tục kỳ họp thứ 10, chiều nay (24/10), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Phương tiện công nghệ mới sẽ được kiểm soát chất lượng
Về phương tiện tham gia giao thông đường bộ, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự thảo Luật có một số điểm mới như: bổ sung khung pháp lý cho việc quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng để có thể kiểm soát được các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật cũng như các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
"Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định xe cơ giới phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, kiểm tra, thử nghiệm xe cơ giới.
Bổ sung các hạng mục về an toàn kỹ thuật theo các thỏa thuận và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để đảm bảo trách nhiệm của nước thành viên khi tham gia các thỏa thuận, điều ước quốc tế liên quan đến an toàn kỹ thuật của phương tiện", Bộ trưởng thông tin.
Liên quan phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, so với Luật GTĐB năm 2008, dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) sẽ không quy định các nội dung về: quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện, đăng ký phương tiện và đào tạo sát hạch, cấp GPLX.
“Luật GTĐB (sửa đổi) chỉ điều chỉnh về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ”, Bộ trưởng Thể thông tin và cho biết, so với Luật GTĐB năm 2008, dự thảo Luật GTĐB cũng sửa đổi, bổ sung thêm trách nhiệm của một số bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
“Các quy định về đăng ký, cấp thu hồi biển số phương tiện giao thông đường bộ; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ không còn được quy định trong dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) mà đã được quy định trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ”, Bộ trưởng nói.
"Việc xây dựng dự án Luật GTĐB sửa đổi nhằm tạo tầng giao thông; cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các thành phần kinh tế trong môi trường kinh doanh, thông thoáng, bình đẳng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức giao thông, kinh doanh vận tải đường bộ; quản lý kết cấu hạ tầng, quản lý hoạt động vận tải" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
Đường nông thôn sẽ do địa phương quyết định đầu tư
Đề cập đến quy định về kết cấu hạ tầng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) bổ sung một số điểm mới như: bổ sung hệ thống đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ. Theo đó, đường giao thông nông thôn thuộc đường địa phương do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý, bảo trì.
Liên quan đến đường cao tốc, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định về cơ chế đầu tư xây dựng, kinh doanh đường cao tốc để phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam ngày một đồng bộ hơn, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự thảo Luật bổ sung các quy định mang tính đặc thù khi xây dựng công trình giao thông đường bộ như việc phải bố trí hạng mục hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung; xây dựng đường dọc cao tốc ở đô thị; xây dựng các điểm dừng đỗ xe trên đường có vận tải khách công cộng; xây dựng điểm dừng đỗ xe đưa đón học sinh tại nơi có trường học; gắn việc đầu tư xây dựng với lập quy hoạch, gắn với nhu cầu đầu tư xây dựng với nhu cầu vận tải và công nghệ phát triển của phương tiện để đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại.
Liên quan đến quản lý tốc độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự thảo Luật bổ sung quy định tốc độ thiết kế của đường bộ, tốc độ lưu hành trên đường bộ làm cơ sở cho đầu tư, khai thác hiệu quả tuyến đường, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức lắp đặt hệ thống báo hiệu tốc độ một cách hợp lý, hiệu quả, đảm bảo hoạt động giao thông được thông suốt, an toàn, nâng cao năng lực khai thác của đường bộ.
"Dự thảo cũng bổ sung quy định bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ phải đầu tư xây dựng tại các vị trí phù hợp đáp ứng các yêu cầu theo quy chuẩn kỹ thuật và phải có các trạm sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng điện", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết thêm, dự thảo Luật cũng bổ sung nhiều nội dung khác trong quản lý như: Quy định cụ thể đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang an toàn giao thông đường bộ; về tổ chức giao thông để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả; các hoạt động và trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trên đường bộ; công tác xử lý điểm đen tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ.
Cũng trong phiên họp chiều nay, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Một số ý kiến đề nghị không nên tách luật
Liên quan các nội dung này, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết vẫn còn một số ý kiến đề nghị không tách nội dung đảm bảo ATGT đường bộ ra khỏi Luật GTĐB nhằm đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất.
"Bên cạnh đó, cần xem xét việc chuyển đổi công tác quản lý nhà nước về công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an", Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt thông tin.
Cho biết, đa số thành viên Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, quy định của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, tương thích với các điều ước quốc tế luên quan mà Việt Nam là thành viên, có tính khả thi, tuy nhiên ông Việt cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung đánh giá tác động của việc tách luật, cũng như chuyển cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX để có đầy đủ cơ sở để Quốc hội xem xét quyết định nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế của Luật GTĐB.
"Có ý kiến cho rằng nội dung dự thảo Luật liên quan đến các Luật khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: Công ước Viên về biển báo Giao thông đường bộ, Hiệp định công nhân GPLX giữa các nước trong khối ASEAN. Vì vậy, cần rà soát để đảm bảo tính thống nhất", ông Việt nói.
Đề xuất Chính phủ được quy định loại hình vận tải
Liên quan công tác vận tải đường bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ, dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) bổ sung quy định về hoạt động vận tải đường bộ trong nước và quốc tế, định danh các loại hình hoạt động vận tải để có những phương thức quản lý phù hợp tạo điều kiện cho hoạt động vận tải đường bộ quốc tế phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế.
“Dự thảo Luật cho phép Chính phủ quy định các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để phù hợp với nhu cầu quản lý, nhu cầu phát triển của hoạt động kinh doanh vận tải trong từng thời kỳ; điều tiết kịp thời các loại hình kinh doanh vận tải mới phát sinh do tính tất yếu của thị trường, do quốc tế hóa đan xen trong quá trình hợp tác, mở cửa”, Bộ trưởng Thể nói và cho biết, dự thảo Luật bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ doanh nghiệp vận tải đối với phương tiện và lái xe.
“Chủ doanh nghiệp phải kiểm tra điều kiện an toàn của xe và lái xe trước khi xe lăn bánh. Đồng thời, giám sát việc chấp hành tốc độ, thời gian của người lái xe và phương án xử lý khi xảy ra tai nạn giao thông để giảm thiểu các rủi ro có thể gây tai nạn giao thông trên đường bộ”, Bộ trưởng cho biết.
Cùng đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự thảo Luật bổ sung cơ chế, chính sách phát triển để thu hút đầu tư vào vận tải hành khách công cộng. Thông quá đó, có thể hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố lớn. Bên cạnh đó, bổ sung vận tải khách bằng xe 4 bánh có gắn động cơ; hoạt động kinh doanh cho thuê xe tự lái; hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô; dịch vụ cho thuê xe ô tô; sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô để phù hợp với thực tiễn phát sinh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận