Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước.
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đánh giá, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII có nhiều điểm mới so với những văn kiện ở các kỳ Đại hội lần trước, đưa ra tầm nhìn xa hơn.
Tiên liệu thắng lợi, lường trước cả việc không thành công
Là người đã có nhiều năm nghiên cứu các văn kiện Đại hội Đảng, ông đánh giá các văn kiện trình Đại hội XIII lần này có gì mới hơn, khác hơn trước?
Trước hết về tầm nhìn, ở những kỳ Đại hội trước thường chỉ hoạch định 5 năm thì lần này tầm nhìn ở Đại hội lần thứ XIII là 25 năm sau, trước mắt là 10 năm tới.
Những điều cần và đủ để chuẩn bị cho chiến lược dài như vậy phải rất toàn diện. Một kinh nghiệm cho thấy với tầm nhìn dài như vậy không chỉ tiên liệu những thắng lợi và còn phải dự báo cả việc không thành công. Khi chúng ta lường trước được sự thất bại thì ta sẽ tìm được hướng đi thành công.
Điểm mới thứ 2, ở các nhiệm kỳ trước chúng ta chỉ đề cập đến vấn đề xây dựng Đảng, nhưng lần này chúng ta thấy ngay tiêu đề dự thảo văn kiện với 86 chữ, thì luận đề đầu tiên là xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Vì sao lại như vậy? Để có tầm nhìn xa đến 2045, trước mắt là 2030 thì cần chuẩn bị đầy đủ trước hết về mặt lực lượng. Đó là vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc trở thành động lực chủ yếu trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội lần này đặt vấn đề xây dựng Đảng làm căn bản, trung tâm trong việc chỉnh đốn hệ thống chính trị. Gần 100 triệu con dân nước Việt dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam được tập hợp thành toàn bộ hệ thống chính trị, không một giai tầng nào đứng ngoài đại cuộc của dân tộc.
Vấn đề thứ 3, qua kinh nghiệm nghiên cứu văn kiện Đại hội lần trước thì tôi thấy ở thời điểm đó chỉ bàn về định hướng, định tính, ít bàn về định lượng. Thì lần này, trong mục tiêu tầm nhìn 2045, các văn kiện đã trình bày 2 phương án.
Điều này được rút kinh nghiệm từ Đại hội IX khi đặt mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp hiện đại. Đến nay chỉ vài tháng nữa là chúng ta kết thúc năm 2020, có thể nói chúng ta phần nào chưa đạt được mục tiêu.
Ở Đại hội lần này, chúng ta cố gắng định lượng, tính toán một cách tổng thể và căn cơ, những điều kiện trong nước và quốc tế để đưa ra quyết sách sao cho có tính khả thi cao nhất.
Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII lần này ngoài nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, còn bổ sung nội dung “dân giám sát, dân thụ hưởng”. Điều này có ý nghĩa ra sao và nên được hiểu như thế nào, thưa ông?
Sinh thời, Bác Hồ vẫn nói “ý dân là ý trời”. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới ngọn cờ đổi mới ngay từ khi khởi xướng cũng xác định tư tưởng lấy dân làm gốc, dân là chủ.
“Dân biết, dân làm, dân kiểm tra” - một tiêu ngữ từ năm 1998 về quy chế dân chủ ở cơ sở, đến lần này được phát triển một cách toàn diện, cụ thể hơn, ai cũng có thể chiêm nghiệm được.
Qua hơn 20 năm thực hiện tư tưởng “dân vi bản, dân vi chủ”, đến nay được tiếp tục phát triển ở tầm cao mới. “Dân kiểm tra, dân giám sát” đây là thực tiễn phát triển của chúng ta từ cơ sở, đây là khát vọng của nhân dân. Đây cũng là một tiêu chí để đánh giá mức độ thành hay không thành của quyết sách chính trị.
Cuối cùng như Bác Hồ nói, dân thì phải được hưởng tự do, phải có cơm ăn áo mặc, được học hành. Tất cả mục tiêu dân chủ suy cho cùng là đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân. Cho nên mới đặt vấn đề cùng với dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và cuối cùng dân thụ hưởng - đây là mục tiêu của đổi mới, phát triển đất nước.
Đây cũng là thước đo trình độ và năng lực của đảng cầm quyền, là thước đo uy tín danh dự, liêm sỉ của mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên trong phong trào mà nhân dân tham gia.
Cần kiến tạo để kinh tế tư nhân phát triển
4 dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bao gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
Về xác định nhiệm vụ trọng tâm, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII có điểm mới là trong nhiệm vụ thứ nhất về xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng và đội ngũ cán bộ, có bổ sung “hệ thống chính trị” vào, thành “xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ”. Theo ông, vì sao lại cần thiết phải đưa vào nội dung này?
Đảng là “rường cột”, dẫn dắt hệ thống chính trị, nếu không đồng thời chỉnh đốn hệ thống chính trị cùng với chỉnh đốn Đảng thì “rường cột” của thể chế Việt Nam Xã hội chủ nghĩa sẽ không toàn vẹn.
Cho nên vấn đề gắn liền việc xây dựng chỉnh đốn Đảng với chỉnh đốn hệ thống chính trị là cần thiết. Ở các nhiệm kỳ trước hoặc là không nhắc đến hoặc là đặt không ngang tầm.
Như lần này, tương lai của đất nước nhìn đến năm 2030 và xa hơn nữa là 2045, với mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao, thì vấn đề củng cố “rường cột” của thể chế xã hội chủ nghĩa, phát huy cao nhất đại đoàn kết dân tộc, tiếp tục chỉnh đốn để hệ thống chính trị thực sự trở thành cơ sở vững chắc của thể chế, đó là nhân tố căn bản đảm bảo công cuộc đổi mới thành công.
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII xác định mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN. Có một câu chuyện mà lâu nay từng được tranh luận, là vấn đề kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Từ thực tiễn thời gian qua, quan điểm của ông về vấn đề kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo thế nào?
Một vấn đề gây rất nhiều tranh luận đó là vấn đề kinh tế nhà nước làm chủ đạo hay không chủ đạo. Tôi xin khẳng định không một quốc gia nào không coi kinh tế Nhà nước làm chủ đạo cả, chỉ có điều họ nói ra hay không nói ra mà thôi.
Nhìn từ châu Âu cho đến Mỹ, Nhật Bản, không một quốc gia nào không coi trọng đến kinh tế nhà nước, chỉ có điều họ không nói ra cái chủ đạo hay không chủ đạo mà thôi.
Toàn bộ những cuộc vận hành phát triển của đất nước, kinh tế Nhà nước gọi đúng tên của nó luôn luôn giữ vai trò căn bản, cho nên đối với ta cũng như vậy, không khác được.
Thực tế cho thấy phải mất rất nhiều thập kỷ chúng ta mới ngộ ra tính ưu việt của kinh tế tư nhân. Một khuyết điểm mà không được sửa chữa kịp thời sẽ gây tai họa lớn, nhưng ưu điểm mà duy trì quá lâu, thì tai họa nó gây ra cũng không kém gì khuyết điểm.
Kinh tế tư nhân đối với chúng ta cũng vậy, quan điểm phát triển đa tiềm lực kinh tế ngay từ khi đổi mới về mặt tư tưởng, về mặt tầm nhìn chúng ta đã rất rõ. Tôi cho đây cũng là thời cơ để chúng ta củng cố và xác định lại rằng, Nhà nước đóng vai trò điều hành vĩ mô với tất cả các thành phần kinh tế để kiến tạo nền kinh tế quốc gia.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta là mô hình kinh tế Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, cùng với các nền các kinh tế khác như kinh tế tư nhân, kinh tế đầu tư nước ngoài… Đây là một trong những động lực quan trọng để kiến tạo nền kinh tế quốc gia trong tầm nhìn tối thiểu của 20-30 năm nữa.
Cảm ơn ông!
Nhân dân góp ý cách nào?
Ngày 19/10, toàn bộ dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến đóng góp của nhân dân.
Theo Hướng dẫn số 151 của Ban Tuyên giáo Trung ương, việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo các văn kiện được tiến hành từ ngày 20/10/2020 đến hết ngày 10/11/2020.
Hình thức thảo luận, góp ý kiến trực tiếp tại hội nghị lấy ý kiến nhân dân, sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội thảo, tọa đàm khoa học. Thông qua hệ thống thư, báo: Nhân dân có thể gửi thư góp ý kiến tới cấp ủy đảng các cấp và tới các cơ quan báo chí của Trung ương, của đảng bộ các địa phương, các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận