Thời sự

“Dù thế nào cũng phải làm nghề tử tế!”

21/06/2018, 10:00

Đó là quan điểm được Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhấn mạnh...

4

Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi 

Hơn 300 hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp báo chí

Thưa ông, Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam được công bố cuối năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Từ đó đến nay, theo đánh giá của ông, hoạt động báo chí nói chung và đạo đức các nhà báo nói riêng đã có thay đổi thế nào?

Bộ Quy định này có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với Luật Báo chí 2016 đã có nhiều tác động tích cực đối với hoạt động báo chí, giúp những người làm báo nhận thức sâu sắc hơn vai trò, nhiệm vụ, chức trách của mình.

Một tín hiệu rất đáng mừng là dù ở cấp hội hay cơ quan báo chí, trong các sinh hoạt của giới báo chí gần như ở đâu cũng nhấn mạnh đến đạo đức nghề nghiệp. Tất cả các cấp hội và cơ quan báo chí đều đã tổ chức sinh hoạt, tọa đàm, trao đổi, giao lưu về 10 quy tắc đạo đức để hiểu đúng đắn, sâu sắc hơn, thấm nhuần một cách tự nhiên nhất và biến điều này thành thiết yếu đối với hoạt động nghề nghiệp.

Cùng với đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã thành lập gần 300 hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp từ cấp hội T.Ư xuống các cấp hội địa phương, các hội đồng này đã đi vào hoạt động ngày càng có nền nếp, một số hoạt động vi phạm đạo đức nghề nghiệp đã được phát hiện và xử lý kịp thời, trong đó có trường hợp đã bị tước thẻ nhà báo, khai trừ ra khỏi hội và thu hồi thẻ hội viên.

Chúng ta gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong giới báo chí về đạo đức nghề nghiệp và hồi chuông đó đã thức tỉnh, lay động và đã có tác dụng.

Trong 10 quy định, đáng lưu ý có quy định “Nhà báo phải nghiêm túc, chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. Thực tế, ông nhận thấy quy định này đã được thực hiện thế nào?

Trước đây, một số nhà báo tham gia mạng xã hội chưa theo hướng tích cực. Thực tế có trường hợp nhà báo có nguồn thông tin nhưng vì lý do nào đó không được đăng trên báo chính thống đã đăng tin ấy lên mạng xã hội, ngay lập tức, thông tin ấy lan toả rất nhanh, tác động mạnh mẽ và gây sóng trong dư luận.

Nhận thấy điều này nên Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra quy định trên và từ khi ban hành, các cơ quan báo chí cũng rất chú trọng điều này.

Quy định ấy đã góp phần căn chỉnh lại nhận thức và hành vi, từ nhận thức đúng sẽ có hành vi đúng và những sai phạm, những hiện tượng rất đáng lo ngại trước đây về việc nhà báo tham gia mạng xã hội đã giảm bớt. Đại đa số người làm báo có thái độ và ứng xử chuẩn mực, nhưng vẫn có những người không hiểu hoặc cố tình không hiểu, nhận thức không đúng nên có ứng xử sai trái, thể hiện bằng việc tham gia mạng xã hội với thái độ, phát ngôn không đúng mực, không nhân văn, thậm chí phản cảm.

Chúng ta không quá lạc quan để nói rằng, kể từ khi có Bộ quy định về đạo đức nghề nghiệp thì không xảy ra điều gì đáng tiếc nữa. Chúng ta cũng không dám cam đoan rằng, từ nay về sau không còn gì đáng tiếc xảy ra, nhưng tôi tin, với quy định này thì việc tốt sẽ có nhiều hơn và những gì không chuẩn mực sẽ giảm dần đi.

Thiếu đạo đức, báo chí sẽ mất phương hướng

Vậy, ông quan niệm thế nào về đạo đức nghề báo và biểu hiện suy thoái đạo đức?

Đạo đức nghề nghiệp là điều cốt tử với hoạt động báo chí, nếu thiếu nó thì báo chí sẽ mất phương hướng và không đủ sức mạnh, độ tin cậy để có thể thực hiện đúng chức trách, sứ mệnh thiêng liêng của mình đối với xã hội. Đó là bảo vệ cái tốt, chống lại cái xấu, góp phần xây dựng nền tảng đạo đức của xã hội.

Một sản phẩm của người làm báo nếu không có đạo đức có thể gây hại cho xã hội, có thể tác động đến số phận, cuộc đời của một con người, hay đến sự hưng vong của một tổ chức, một doanh nghiệp. Cao hơn nữa, nó có thể làm tổn hại cả lợi ích quốc gia, dân tộc. Những sai phạm trong hoạt động báo chí, dù ở giai đoạn nào cũng đều thể hiện qua việc thông tin không chính xác, làm sai lệch bản chất vấn đề. Việc này có thể do cách tiếp cận thông tin, do trình độ làm nghề, nhưng cũng có hiện tượng do người làm báo cố tình làm sai vì mục đích cá nhân.

Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, chỉ cần một thông tin nhà báo đưa lên không được kiểm chứng, không chính xác sẽ lan truyền rất nhanh, thậm chí nhiều khi gây bão trong dư luận, tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, khiến người dân hoang mang.

Năm qua, chúng ta phải chứng kiến một số nhà báo không vững vàng, đã bị mua chuộc, lôi kéo vào vòng xoáy của đồng tiền, thậm chí vướng vòng lao lý. Thực tế đó cho thấy, vấn đề về đạo đức nghề báo đang được đặt ra thế nào, thưa ông?

Cho dù đã có cố gắng, nỗ lực và các sai phạm trong đời sống báo chí được ngăn chặn nhưng đây đó vẫn còn những hiện tượng đáng tiếc và sự việc đau lòng về vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật.

Những sự việc như thế đã được phát hiện và bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nhưng nó đặt ra vấn đề cấp bách phải rèn luyện đạo đức nghề nghiệp để giữ gìn phẩm giá của người làm báo trước sự tác động, mua chuộc, lôi kéo, cám dỗ của những lợi ích tầm thường hay vì mục đích không trong sáng, đặc biệt vì tiếng gọi của đồng tiền.

Phải làm nghề tử tế!

Nhiều vụ việc nhà báo bị tước thẻ, xử lý kỷ luật liên quan đến hành vi dọa dẫm doanh nghiệp để trục lợi. Thực tế ấy cũng cho thấy, việc vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị, vừa phải lo kinh tế là không đơn giản, vậy các cơ quan báo chí cũng như các nhà báo cần làm thế nào để có thể tồn tại, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, thưa ông?

Cho dù phải đương đầu với thách thức, khó khăn để cơ quan báo chí đứng vững và phát triển thì có một điều mà bất kỳ người đứng đầu cơ quan báo chí nào cũng phải tuyệt đối tuân thủ, đó là phải làm nghề tử tế.

Nếu chúng ta buông bỏ cái đó, có thể chúng ta sẽ thu được những lợi ích cụ thể ở thời điểm cụ thể nhưng về lâu dài, hậu quả không lường trước hết được.

Tôi vẫn nghĩ kinh tế báo chí là vấn đề rất nóng hiện nay, nhiều cơ quan báo chí vì không cân đối được thu chi đã đứng trước nguy cơ không thể tồn tại. Đó thực sự là một cuộc vật lộn, nhất là với cách làm báo đơn thuần thì rất khó tồn tại. Vì thế đòi hỏi cơ quan báo chí và các nhà báo phải nỗ lực vươn lên không ngừng để tìm cách thức tồn tại.

Hiện nay, một số cơ quan báo chí đã chủ động xây dựng toà soạn theo hướng sẵn sàng đối mặt với thách thức của thời đại truyền thông kỹ thuật số và đã có cách thức vượt qua, một số cơ quan báo chí đã đứng vững, trở thành bài học kinh nghiệm cho các cơ quan báo chí khác. Nhưng đây là thách thức không bao giờ có điểm dừng và đòi hỏi phải thường xuyên đổi mới, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, thì cách thức truyền tải thông tin ra xã hội phải theo hướng sử dụng nền tảng của CNTT một cách mạnh mẽ và hữu hiệu nhất.

Một vấn đề khác rất nóng bỏng, tình trạng “sáng đăng - trưa gặp - chiều gỡ” đã được quán triệt từ lâu, và Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã có phần mềm theo dõi các báo gỡ bài. Hiệu quả ra sao, thưa ông?

Hội Nhà báo Việt Nam có phần mềm theo dõi việc đăng và gỡ bài trên báo điện tử mà hội đã giao cho Cổng Thông tin của hội thực hiện. Từ khi sử dụng phần mềm đến nay khoảng gần 1 năm, tình trạng này có chuyển biến rất rõ ràng.

Trước đây, chưa có phần mềm, mỗi tháng có đến mấy trăm bài đăng rồi gỡ, nhưng sau khi có phần mềm, chúng tôi thống kê từng tuần, phần mềm đó cho biết rất chính xác bài đăng giờ nào và gỡ giờ nào. Cùng với đó, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư yêu cầu các cơ quan báo chí cho đăng bài rồi gỡ phải giải trình lý do vì sao.

Do cách làm cương quyết như vậy nên số lượng bài đăng lên rồi gỡ đi đã giảm theo thời gian, hiện nay chi còn 2-3 bài/tuần.

Tính đến nay, với việc các báo gỡ bài, nếu xử lý theo hình thức kỷ luật thì chưa có, nhưng yêu cầu giải trình bằng văn bản và giải trình công khai tại các cuộc giao ban báo chí hàng tuần là thường xuyên. Việc này có tác dụng nhắc nhở, răn đe rất tốt.

Thực ra, mục đích đưa ra phần mềm này không phải để kỷ luật mà để kiểm soát, giám sát và nhắc nhở, điều chỉnh hành vi để khích lệ việc làm tốt, ngăn chặn việc chưa tốt. Nó cũng giống như Bộ quy định về đạo đức nghề nghiệp ban hành ra không phải để xử lý kỷ luật, để khai trừ hay thu hồi thẻ, mà chúng ta coi nó như một lời cam kết sâu sắc và thiêng liêng của người làm báo đối với công chúng và xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.