Giám đốc quản lý Hiệp hội các nhà vận hành dự trữ khí đốt Đức INES cảnh báo: “Mùa đông thực sự lạnh giá vẫn đang ở phía trước nên cần phải xử lý tình hình dự trữ khí đốt hiện nay thật cẩn thận”.
Theo ông Bleschke, nếu tốc độ rút dần khí đốt từ các cơ sở dự trữ tiếp tục như hiện nay, trữ lượng còn lại tính đến tháng 2 sẽ ở mức cực thấp.
Theo hãng tin Sputnik, Berlin đã và đang tìm kiếm các đơn vị cung cấp khí đốt tự nhiên mới để phần nào bù đắp thiếu hụt.
Tình trạng thiếu hụt trữ lượng khí đốt tự nhiên ở các cơ sở dự trữ ngầm của Đức và nhiều quốc gia phương Tây đã kéo dài suốt trong nhiều tháng qua, dẫn đến giá khí đốt giao ngay tăng vọt.
Một cơ sở dự trữ khí đốt tại Đức. Ảnh - EPA-EFE
Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom ước tính, gần ¼ lượng nhiên liệu bơm vào bể dự trữ đã bị rút ra để sử dụng.
Lâu nay, giới chức Mỹ chỉ trích Nga gây ra tình trạng thiếu hụt, cáo buộc Gapzom cung cấp khí đốt không đúng mức.
Tuy nhiên, Moscow bác bỏ cáo buộc và cho rằng, chính Mỹ đã góp phần dẫn đến tình trạng trên khi nhiều năm liền tìm cách ngăn chặn dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) vốn có thể cung cấp thêm 55 tỉ m3 khí/năm cho Đức.
Bất chấp nguy cơ thiếu hụt năng lượng tại Đức và nhiều thị trường Châu Âu, giới chức Đức vẫn đang tạm đình chỉ việc cấp phép vận hành Nord Stream 2.
Ước tính, phải đến nửa đầu năm 2022, quyết định vận hành Nord Stream 2 mới có thể được phê chuẩn. Đồng nghĩa, đường ống 55 tỉ m3 khí đốt sẽ tiếp tục bị “đắp chiếu”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận