Lần đầu tiên đưa máy X-quang hiện đại về trạm y tế xã đảo
Sở Y tế TP.HCM vừa khởi động chương trình Nâng cao năng lực y tế xã đảo Thạnh An. Lần đầu tiên Trạm Y tế Thạnh An đưa vào vận hành máy X-quang tại giường hiện đại có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống PACS (lưu trữ, truyền hình ảnh).
BS. Phạm Hải Việt Tỷ là một trong những bác sĩ trẻ của Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức tình nguyện tham gia chương trình luân phiên bác sĩ đến công tác có thời hạn tại xã đảo Thạnh An.
Ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán bệnh tại trạm y tế xã đảo
Để khám và kiểm tra sức khoẻ của một người bệnh ho ra máu, chỉ vài động tác chạm tay lên màn hình của máy X-quang, BS. Tỷ đã tự tin đọc các thương tổn trên phim X-quang là xẹp phân thuỳ phổi P, dày màng phổi và tràn dịch màng phổi T.
Nhờ ứng dụng AI được tích hợp trên máy X-quang kỹ thuật số và kết nối hệ thống PACs, các thương tổn trên X- quang phổi nhanh chóng được liệt kê trên màn hình; đồng thời, các hình ảnh X-quang phổi vừa chụp được dễ dàng chuyển đi để xin ý kiến tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.
Chưa tới 15 phút, sau khi xin ý kiến của các bác sĩ tuyến trên, bác sĩ trẻ tại trạm y tế này đã có được chẩn đoán chính xác và kế hoạch điều trị rõ ràng cho người bệnh.
Đây là trạm y tế đầu tiên của cả nước đã ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh X-quang phổi, thông qua hệ thống PACS và ứng dụng telemedicine.
Qua các thiết bị công nghệ kết nối bác sĩ đang công tác tại trạm y tế với các bác sĩ chuyên khoa, nhiều kinh nghiệm ở tuyến trên, để chẩn đoán chính xác, nhanh chóng và điều trị đúng phác đồ cho bệnh nhân tại đây.
Thạnh An là trạm tiên phong trong 310 trạm y tế của thành phố vận hành kỹ thuật này.
Bác sĩ trẻ luân phiên về xã đảo
Theo chương trình, ngành y tế TP HCM sẽ cử luân phiên các bác sĩ trẻ tình nguyện từ các bệnh viện lớn của thành phố đến công tác tại Trạm Y tế Thạnh An.
Bác sĩ trẻ tình nguyện về trạm y tế xã đảo
Các bác sĩ này sẽ được hưởng chế độ lương, thưởng, thu nhập tăng thêm từ bệnh viện mình đang làm việc. Khi ở đảo, các bác sĩ sẽ được chính quyền địa phương chăm lo chuyện ăn ở.
Ở đợt tăng cường đầu tiên, 4 bác sĩ trẻ từ Bệnh viện Nhân Ái và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức xung phong.
Bên cạnh thường xuyên đưa bác sĩ về Trạm Y tế Thạnh An, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết chương trình còn chuyển giao kỹ thuật và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên y tế tại trạm.
Các bệnh nhân ở Thạnh An mắc các bệnh lý mạn tính không lây như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch… sẽ được quản lý, chăm sóc ngay tại trạm y tế xã với sự hỗ trợ về chuyên môn của Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ và các bệnh viện tuyến trên.
Mô hình chuyển bệnh 2 chiều cũng sẽ được áp dụng, chuyển lên tuyến trên đối với bệnh nặng và sau khi điều trị ổn định thì bệnh nhân được chuyển trở về theo dõi, điều trị tại trạm y tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận