Các hãng taxi truyền thống đẩy mạnh giảm giá hút khách từ trung tâm Hà Nội đi Nội Bài - Ảnh: Tạ Tôn |
Taxi truyền thống ồ ạt tung cước rẻ
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, giá cước từ Hà Nội đi Nội Bài hiện các hãng taxi truyền thống đưa ra khá hấp dẫn, dao động ở mức 160.000-200.000 đồng, với giới hạn khống chế khoảng 30-32km. Một số hãng thậm chí chỉ còn 130.000-150.000 đồng. Ông Chu Sơn, Giám đốc Taxi123 cho biết, không chỉ chiều Hà Nội đi Nội Bài, mà các tuyến khác như đi Sóc Sơn, Mê Linh, hãng đều áp dụng gói cước 145.000 đồng với cự ly 16-26km đầu, chưa bao gồm phí vào bãi; từ km 27 trở lên tính thêm 8.000 đồng/km. Ngoài ra, hãng còn áp dụng hình thức giảm tới 80% cho chiều về tất cả các chuyến đối với tuyến đường trên 30km.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Taxi ABC cho biết, chiều lên sân bay Nội Bài, hãng đang áp dụng trọn gói 180.000 đồng với dòng xe 5 chỗ, giá cước đã bao gồm phí cầu đường, bến bãi; với dòng xe 7 chỗ, mức giá cước là 200.000 đồng. Đối với chiều về, hãng vẫn áp dụng tính tiền theo đồng hồ.
"Trong điều kiện giá xăng ngày một tăng, taxi truyền thống có các gói khuyến mại giảm giá cước đi sân bay là rất tốt cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cần xem xét việc giảm giá đó có phải phá giá hay không. Tôi cho rằng, đây không phải phá giá để độc quyền mà taxi truyền thống có động thái này để giành lại thị phần, cạnh tranh với Grab”. Chuyên gia kinh tế |
“Thay vì chạy xe không, đây chỉ là gói khuyến mại công ty áp dụng giảm giá hợp lý để khuyến khích, thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ. Còn việc tăng hay giảm giá cước phải kê khai và xin phép Sở GTVT”, ông Hải nói.
Thời gian gần đây, Taxi Nội Bài quyết định lấy lại vị thế của mình khi chính thức ra mắt dịch vụ đặt xe online. Ưu thế về giá tiếp tục được đưa ra, bảng giá dịch vụ tuyến Hà Nội - Nội Bài áp dụng cho chặng dưới 30km là 160.000 đồng chiều Hà Nội - Nội Bài và 260.000 chiều ngược lại áp dụng cho xe 5 chỗ, xe 8 chỗ mức giá là 220.000 và 315.000 đồng. Nếu so với giá của Uber trước đây và Grab hiện nay, Nội Bài online đang khá cạnh tranh, thấp hơn ở chiều Hà Nội - Nội Bài và tương đương ở chiều ngược lại.
Ông Trần Quốc Khải, Chủ tịch HĐQT CTCP Nội Bài online chia sẻ, đây là giải pháp tự cứu lấy chính mình. Việc ứng dụng đặt xe theo công nghệ lần này là cuộc cách mạng nhằm đổi mới toàn diện phương thức kinh doanh của hãng nói riêng và dịch vụ vận tải nói chung để cạnh tranh.
Không kém cạnh, hãng taxi Ba Sao cho biết, đang áp dụng gói cước chỉ với 180.000 đồng tuyến Hà Nội - Nội Bài trong chiều dài khống chế là 30km. Theo ông Vũ Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Taxi Ba Sao, với 30km là hành khách có thể xuất phát từ hầu hết các quận trung tâm Hà Nội. Hãng bố trí tất cả xe chạy là Toyota Vios có 5 chỗ ngồi và cốp đựng đồ rộng rãi, không dùng xe không có cốp rộng để chạy sân bay.
“Trong khi đó, khi đặt trên ứng dụng Grab, từ Hà Nội đi sân bay Nội Bài, mức giá hiển thị trên ứng dụng là 256.000 đồng, cao hơn hẳn taxi truyền thống”, ông Huy so sánh.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, trước đó, các hãng taxi truyền thống thường tính tiền từ trung tâm thành phố ra sân bay phổ biến từ 9.000-12.000 đồng/km. Giá quãng đường ra sân bay khoảng 30km có thể lên mức 270.000-360.000 đồng/km. “Các hãng taxi truyền thống tự tin trong việc cạnh tranh gói cước từ trung tâm thành phố ra sân bay với giá và dịch vụ không thua kém Grab”, ông Hùng nói và cho biết, trong cuộc cạnh tranh về giá, những người có lợi nhất vẫn là hành khách. Hành khách được hưởng dịch vụ giá rẻ và chất lượng tốt nhất.
Vẫn khó cạnh tranh chiều về
Tuy nhiên, tìm hiểu của PV, mức giá rẻ trên chỉ “thoải mái” chiều từ Hà Nội đi Nội Bài. Ở chiều ngược lại, có vẻ các hãng taxi truyền thống vẫn loay hoay tìm chỗ trong cuộc cạnh tranh giá với Grab khi các hãng taxi áp dụng cước phí tính theo km. Còn Grab có mức giá trung bình gần 8.000 đồng/km, tính chung quãng đường gần 30km sẽ hết khoảng 300 nghìn đồng.
Anh Hùng, một tài xế taxi tại sân bay Nội Bài chia sẻ, taxi truyền thống rất dễ bắt khách từ trung tâm thành phố lên sân bay, nhưng chiều từ Nội Bài về trung tâm khó khăn hơn rất nhiều. Giá cước cao, tính theo công tơ mét nên khó có thể cạnh tranh được với Grab.
Cùng quan điểm, anh Hoàng Dũng, một tài xế taxi khác phân tích đang có hai loại taxi hoạt động ở sân bay. Một loại được phép hoạt động đón khách, một loại không. Một số hãng taxi chở khách ra sân bay nhưng không được đón khách tại cảng nên phải đi xe rỗng về, tài xế có thể phải chịu lỗ. Nếu muốn đón khách, taxi phải chật vật tìm bên ngoài rất khó khăn.
“Các hãng được phép đón khách tại cảng có lợi thế hơn, vừa có thể đón khách lên sân bay vừa đưa khách về. Tuy nhiên, nhóm này phải trả một khoản phí tương đối lớn, nên phải đẩy giá cước lên cao. Giá chiều về có thể lên đến 300.000-400.000 đồng/chuyến. Giá này khó cạnh tranh với Grab”, anh Dũng cho biết.
Theo ông Vũ Quốc Huy, cản trở lớn nhất đối với các hãng taxi truyền thống muốn cạnh tranh đón khách ở cảng hàng không là phí nhượng quyền khai thác quá cao. Theo ông Huy, trung bình mỗi xe đang phải trả gần 3 triệu đồng/tháng nếu muốn khai thác đón khách tại sân bay, mỗi xe mất khoảng 100.000 đồng/ngày. Khi đó, giá cước đội lên phải tính thêm vào chi phí nên khó cạnh tranh được với Grab. Trước đây, khi chưa có Uber, Grab, khách ở sân bay còn đông, đến nay do sân bay không quản lý được xe công nghệ như Grab nên taxi truyền thống hoạt động rất khó khăn vì không có khách.
“Trung bình mỗi ngày, một taxi sân bay về Hà Nội chỉ đón được 1-2 chuyến. Như vậy, mỗi chuyến được khoảng 300.000 đã mất 100.000 đồng trả phí nhượng quyền”, ông Huy phân tích thêm và cho biết: “Hiện có 13 hãng taxi khai thác nhượng quyền ở sân bay Nội Bài với trên 1.000 xe, đơn vị nào cũng phải duy trì bộ máy điều hành khoảng 10 người. Trong khi Grab không mất bất kỳ chi phí gì, số lượng xe nhiều hơn. Đây là điều không công bằng, thiệt thòi cho taxi truyền thống”.
Ông Nguyễn Công Hùng cho biết, taxi truyền thống đang có một sân chơi không công bằng tại sân bay so với Grab vì chịu ràng buộc về biển hiệu, logo xe, kê khai, điều chỉnh giá cước. “Taxi truyền thống khai thác nhượng quyền có 5 lỗi vi phạm một tháng sẽ bị cảng hàng không cấm hoạt động trong một tháng. Trong khi đó, Grab không chịu ràng buộc, không phải trả chi phí cho cảng hàng không nên dễ dàng cạnh tranh hơn”, ông Hùng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận