Hoạt động của tàu ngầm dân sự sẽ được quy định chặt chẽ tại Bộ luật Hàng hải VN sửa đổi |
Mở rộng phạm vi điều chỉnh
Khẳng định Bộ luật Hàng hải VN đã và đang phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần đưa ngành Hàng hải phát triển, hội nhập với quốc tế, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật cho biết, sau thời gian thực hiện đã xuất hiện một số tồn tại cần được xem xét sửa đổi, bổ sung.
Trong tổng số 261 Điều của Bộ luật năm 2005, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung 43/261 Điều tại các Chương I, II, III, IV, V, VI, X, XI, XII, XIV, XVI và XVIII, chiếm 16,48% tổng số Điều của Bộ luật. Tổng số khoản sửa đổi và bổ sung là 49 khoản (sửa đổi 39 khoản và bổ sung mới 10 khoản); không có điều và khoản bị bãi bỏ toàn bộ. Ngoài ra, Dự thảo còn bổ sung mới 13 Điều. |
Cụ thể, theo ông Nhật, hiện nay đã xuất hiện tàu ngầm dân sự, là một loại phương tiện thủy có những đặc thù về hoạt động chủ yếu dưới mặt nước và các đặc tính khác không giống như tàu biển thông thường hoạt động trên mặt nước nên có một số quy định áp dụng cho tàu biển sẽ không phù hợp đối với tàu ngầm. Vì vậy cần có những quy định đặc thù riêng cho tàu ngầm. “Ngoài tàu ngầm, hoạt động của ụ nổi, kho chứa nổi, giàn di động là những kết cấu nổi chuyên dùng, có nhiều đặc thù cũng cần được bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của Bộ luật và quy định chi tiết” - ông Nhật nói.
Cùng đó, Dự thảo Bộ luật Hàng hải VN cũng sẽ bổ sung các quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có xung đột xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế cho đầy đủ và phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc và Bộ luật Điều tra tai nạn hàng hải 2008 của IMO; quy định về cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành Hàng hải để thuận tiện cho công tác trao đổi quốc tế về quản lý chuyên ngành Hàng hải và hoạt động của Thanh tra...
Đóng mới, sửa chữa, phá dỡ tàu biển sẽ được quy định rõ
Cũng tại Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hàng hải VN lần này, quy định về đóng mới, sửa chữa và phá dỡ tàu biển sẽ được quy định cụ thể chi tiết cả về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển; Đầu tư xây dựng cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển cũng như quy định về phá dỡ tàu biển.
“Với trang thiết bị, cầu cảng, bến bãi như hiện nay, các nhà máy đóng tàu tham gia vào thị trường phá dỡ tàu cũ có thể cải thiện tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” - ông Nhật phân tích.
Trên thực tế, hoạt động phá dỡ tàu cũ là hoạt động không thể tránh khỏi của ngành vận tải thủy đối với phương tiện lạc hậu, mất khả năng khai thác. Nếu được thực hiện với quy mô lớn, không bị hạn chế về đối tượng, hoạt động này sẽ mang lại nguồn nguyên liệu đáng kể cho ngành công nghiệp luyện thép và cơ khí, qua đó giảm được nhập khẩu sắt phế liệu để cung cấp cho ngành luyện thép, tạo thêm việc làm cho người lao động và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Vì vậy, bộ luật mới sẽ bổ sung một mục riêng quy định về đóng mới, sửa chữa và phá dỡ tàu biển.
Cũng theo ông Nhật, quy định về phá dỡ tàu biển để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động phá dỡ tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp thực hiện phá dỡ phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phá dỡ tàu cũ, bảo đảm an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Việc đầu tư, xây dựng cơ sở phá dỡ tàu biển phải phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Trên cơ sở Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, dự thảo Bộ luật Hàng hải VN quy định cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài được đầu tư xây dựng cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển theo quy định của pháp luật. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong đầu tư xây dựng, phát triển ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển.
Thanh Bình
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận