Giáo dục

Đưa Khá "bảnh" vào đề thi Văn: Cần tránh theo thị hiếu nhất thời

09/04/2019, 16:48

Việc đưa "hiện tượng" Khá "bảnh" vào đề thi Văn lớp 11, đại diện Bộ GD&ĐT yêu cầu tránh theo thị hiếu nhất thời, vấn đề nhạy cảm chưa kiểm chứng

img
"Hiện tượng" Ngô Bá Khá còn gọi là Khá "bảnh" vào đề thi học sinh giỏi Văn

Trước thông tin trường THPT Kiến Thụy, Hải Phòng, đưa "hiện tượng" Ngô Bá Khá còn gọi là Khá "bảnh" vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Sở GD&ĐT thành phố Hải Phòng kiểm tra.

Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT, những đề văn nghị luận cần phải lấy ngữ liệu có tính thời sự, đảm bảo nội dung có tính định hướng giáo dục, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển năng lực và phẩm chất của người học theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình. Đồng thời, phải phù hợp kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh ở mỗi lớp học, cấp học.

Theo đó, việc phản biện và thẩm định đề thi đòi hỏi sự cẩn trọng cao, tránh theo thị hiếu nhất thời và những vấn đề nhạy cảm chưa được kiểm chứng.

Trước đó, trường THPT Kiến Thụy tổ chức kỳ thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 năm học 2018-2019. Trong đó, câu 1 (3 điểm) có chủ đề “Hiện tượng Khá “Bảnh” với đời tư bất hảo vẫn được chào đón như thần tượng ở Yên Bái”.

img
Đề thi Văn có xuất hiện "hiện tượng" Khá "bảnh"

Khi nhận xét về đề văn này, cô Trần Hương Lan, Giáo viên Văn trường THCS D.V (Hà Nội) bày tỏ: "Với nghị luận xã hội, học sinh được bày tỏ quan điểm cá nhân và các thầy cô buộc phải tôn trọng quan điểm đó. Vậy nếu học sinh thể hiện quan điểm Khá "bảnh" là một hiện tượng rất bình thường trong cuộc sống, thậm chí "thần tượng" và cho rằng đáng học tập nhân vật này, vậy giáo dục phải làm gì. Chức năng giáo dục sẽ thế nào với kiểu nhận thức đó của học sinh. Vậy biết thì để đó hay làm gì. Chính vì vậy, đề thi cần sự chọn lọc và mang tính giáo dục, chứ không phải bất kỳ vấn đề thời sự xã hội nào cũng đưa vào".

Được biết, mục đích ban đầu khi đưa ngữ liệu về "hiện tượng" Khá "bảnh" vào đề thi học sinh giỏi của nhà trường là để các em học sinh thấy được mặt tiêu cực của hiện tượng Khá “bảnh”, từ đó hướng tới những giá trị tích cực của cuộc sống.

Tuy nhiên, sau khi xuất hiện đề văn này lại nhận rất nhiều ý kiến trái chiều.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.