Năm nay, hầu hết các hãng hàng không đều mở bán vé máy bay sớm hơn nhiều so với mọi năm. Phải chăng các hãng lo ế vé và phải mở sớm để cạnh tranh khi thị trường hàng không xuất hiện thêm hãng mới?
Mở bán sớm bất thường
Năm nay, hầu hết các hãng hàng không của Việt Nam đều mở bán vé máy bay sớm hơn mọi năm. Trong đó, ngày 16/9, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Vasco đồng loạt công bố mở bán vé máy bay dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Theo đó, từ 9/1/2020 - 8/2/2020 (tức 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng), Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VASCO sẽ cung ứng tổng cộng gần 2 triệu ghế trên toàn mạng nội địa. Còn số này tăng hơn 250.000 chỗ (tương đương 1,1 nghìn chuyến bay) so với cùng kỳ.
Hãng hàng không Vietjet còn sớm hơn nhiều khi từ giữa tháng 8/2019, hãng này đã tung những chiếc vé Tết đầu tiên đến khách hàng kèm với chương trình khuyến mại đặc biệt “chỉ từ hai ngàn không trăm hai mươi đồng”. Tân binh Bamboo Airways thậm chí còn gây ngạc nhiên khi bán vé Tết từ lúc nào không biết, thay vì “trống dong cờ mở” như những đợt mở bán khác.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc các hãng hàng không mở bán vé Tết sớm để tăng sự cạnh tranh khi thị trường xuất hiện thêm hãng mới.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho hay, so với những năm trước, năm nay các hãng hàng không mở bán tương đối sớm. Tuy nhiên, đây mới là đợt công bố mở bán đầu tiên. Hiện, lịch bay mùa đông vẫn chưa được thông qua, do đó, các hãng nào tăng bao nhiêu chuyến dịp Tết vẫn chưa được biết.
Liên quan đến việc mở bán sớm của hãng hàng không, có ý kiến e ngại rằng các hãng bán sớm vì lo “ế” vé sau khi có thêm sự góp mặt của tân binh Bamboo Airways, lượng cung tăng lên, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho hay không có chuyện lo “ế” vé Tết. “Việc bán vé sớm không có lý do nào khác ngoài việc nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân. Bán càng sớm, người dân có thể chủ động kế hoạch, sắp xếp lộ trình của mình cho hợp lý”, ông Thắng nói và cho rằng, việc bán vé sớm là để tạo điều kiện cho người dân, không có chuyện bán sớm vì sợ ế.
“Nhu cầu đi lại dịp Tết tăng rất cao. Thậm chí, chúng tôi đã tính đến phương án dự phòng để kịp thời bổ sung lượng ghế cung ứng trong trường hợp thị trường quá khan vé”, ông Thắng chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành cho hay, việc mở bán sớm không ngoài mục tiêu phục vụ tốt nhất, sớm nhất nhu cầu của người dân.
Thông thường, các hãng bay sẽ chỉ mở bán vé trước thời điểm Tết khoảng 3 tháng. Thời điểm lý tưởng nhất để mua vé với hành khách chính là giai đoạn đầu hãng mở bán. Hay nói cách khác, nên mua vé càng sớm càng tốt. Việc mở bán sớm như năm nay được đại diện một hãng bay lý giải là “nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách có thể mua vé về quê, thăm người thân, du lịch..., đồng thời giúp người dân có thói quen lên kế hoạch đi lại từ sớm, đảm bảo đặt được chỗ trong thời gian cao điểm”. “Với sự xuất hiện của Bamboo Airways, hành khách có thêm lựa chọn cho chặng bay ngày Tết. Tuy nhiên, cũng đừng nên trông chờ vào việc có thêm 1 hãng bay thì giá vé sẽ giảm xuống thấp quá nhiều so với năm trước mà hãy mua vé ngay khi còn chỗ vào ngày muốn bay”, một đại lý vé máy bay khuyến cáo.
Thực tế, đặc thù của vé máy bay là có nhiều dải giá khác nhau, được mở bán từ thấp đến cao theo nguyên tắc giá rẻ bán trước. Hành khách mua vé càng xa ngày đi sẽ càng có nhiều cơ hội tiết kiệm chi phí. Do đó, để có thể tiết kiệm chi phí, hành khách nên mua vé ngay khi có kế hoạch, càng gần ngày bay giá vé sẽ cao do lượng vé rẻ đã được nhiều khách hàng mua trước đó.
Giá không cao nhưng đã hết vé “siêu rẻ”
Khảo sát của PV Báo Giao thông ngày 23/9, trên các trang bán vé trực tuyến, chặng Hà Nội - TP HCM, hiện vé máy bay dịp cận Tết Nguyên đán Canh Tý vẫn còn rất nhiều, mức giá không quá đắt, thậm chí còn rẻ hơn vài trăm nghìn so với cùng thời điểm năm trước.
Trong ngày đầu của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý (23/1/2020, tức ngày 29 tháng Chạp), trên chặng Hà Nội - TP HCM, hành khách vẫn có thể mua vé của Vietnam Airlines với mức giá chỉ từ 1,3 triệu đồng cho hạng phổ thông và từ hơn 5,2 triệu đồng cho hạng thương gia. Ở chiều ngược lại, mức giá thấp nhất mà hành khách có thể mua nếu muốn đi Vietnam Airlines vào khoảng 3,5 triệu đồng. Nếu bay hạng thương gia, giá vé sẽ lên tới gần 7,5 triệu đồng.
Nếu chọn bay Vietjet, mức giá phải trả sẽ thấp hơn khá nhiều. Dù không còn giá khuyến mại, tuy nhiên, nếu bay hạng thường của Vietjet, hành khách chỉ phải trả hơn 1 triệu đồng và 4 triệu đồng cho hạng Skyboss nếu muốn bay từ Hà Nội - TP HCM. Mức giá ở chiều ngược lại cho hạng thường là gần 3,4 triệu đồng và mức tương tự 4 triệu đồng cho hạng Skyboss.
Tương tự với Jetstar, ở chiều Hà Nội - TP HCM, mức giá rẻ nhất chỉ là hơn 820 nghìn đồng, trong khi đó chiều bay ngược lại, hành khách sẽ phải trả gần 3,6 triệu đồng nếu muốn đặt vé.
Năm nay, ngoài 3 hãng bay trên, hành khách còn có thêm một lựa chọn nữa là Bamboo Airways. Cùng một chặng bay Hà Nội - TP HCM trong ngày đầu của kỳ nghỉ Tết, giá vé hạng Bamboo Plus là gần 1,4 triệu đồng và gần 5,6 triệu đồng cho hạng Bamboo Business. Ở chiều ngược lại, nếu như mức giá hạng Bamboo Business không thay đổi, giá vé hạng Bamboo Plus đã tăng lên đến gần 3,6 triệu đồng.
Dễ dàng nhận thấy, đến thời điểm này, do còn tới 4 tháng nữa đến Tết Nguyên đán nên lượng vé cung ứng còn rất nhiều. Nếu so với năm ngoái, các hãng vẫn duy trì mức giá tương tự, thậm chí là thấp hơn đôi chút, nhưng không đáng kể.
Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng thông tin thêm, giá vé máy bay có sự chênh lệch rõ rệt giữa chiều Hà Nội - TP HCM và ngược lại không có gì đáng ngạc nhiên. Chính xác hơn, đây là đặc thù của mùa cao điểm Tết. “Đặc thù của bay Tết là lệch đầu. Trước Tết thì đầu TP HCM đông, vé TP HCM - Hà Nội vì thế cũng cao hơn. Sau Tết thì ngược lại”, ông Thắng cho hay.
Đủ chiêu trò lừa bán vé giả
Tìm hiểu của PV, vài năm trở lại đây, dịp cao điểm Tết, không ít khách hàng gặp phải hành vi lừa đảo trong bán vé, mua phải vé giả. Không quá khó để “điểm mặt” những chiêu trò, thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường xuyên sử dụng. Một trong những chiêu trò thường được áp dụng, gần như năm nào cũng có khách hàng mắc phải là việc các đối tượng tự nhận là đại lý lớn và có thể mua vé của hãng thấp hơn nên bán vé với giá cũng thấp hơn thị trường đáng kể. Các đối tượng này sau đó thu tiền trực tiếp của khách, đồng thời vẫn gửi thông tin đặt vé cho khách.
Thực tế, vé máy bay mà hành khách được đại lý “dỏm” cung cấp thực chất chỉ là xác nhận đặt chỗ trong thời gian chờ thanh toán. Sau khoảng thời gian này, các “đại lý” trên sẽ không thực hiện thanh toán và để vé tự hủy trên hệ thống. Còn khách đinh ninh mình đã trả tiền, chỉ “ngã ngửa” khi đến sân bay, còn điện thoại người bán lúc này đã báo “không liên lạc được”.
Tình trạng này diễn ra với khách hàng của tất cả các hãng hàng không vì hệ thống bán vé của hãng đều có chức năng thanh toán trong khoảng thời gian nhất định (tuỳ từng hãng) sau khi đặt chỗ. Bản thân các hãng hàng không cũng liên tục cảnh báo với khách hàng về hình thức lừa đảo này nhưng như trên đã nói, năm nào cũng có khách hàng trở thành bị hại. Trong khi đó, phía hãng dù muốn hay không cũng không thể can thiệp do đây là giao dịch dân sự giữa các cá nhân.
Một chiêu trò khác thường được các đối tượng áp dụng trên những đường bay “hot” đến Chu Lai, Phù Cát, Vinh, Cát Bi… vốn hay khan vé dịp Tết. Theo đó, các “đại lý” này sẽ rao bán và cam kết có chỗ dù thực tế không đặt được vé. Sau đó, những đại lý này có thể dễ dàng chỉnh sửa những file PDF và in “vé” gửi khách hàng. Nếu khách không kiểm tra lại qua hệ thống bán vé thì dễ “tiền mất, tật mang”, mất tiền mà vẫn không có vé về quê.
Ngoài ra, cũng có trường hợp các đối tượng lợi dụng chính sách hoàn vé của hãng hàng không (khách hàng không đi có thể hoàn vé và chỉ phải trả vài trăm nghìn đồng), kẻ xấu đã rao bán vé máy bay với giá rẻ (rẻ hơn giá mà hãng đưa ra) để đánh vào tâm lý của khách hàng là mua được vé giá hời.
Cụ thể, đối tượng lừa đảo vẫn đặt vé cho khách hàng theo đúng hành trình mà khách hàng đưa ra và thanh toán như bình thường. Khi khách hàng nhận vé, gọi điện lên hãng để kiểm tra thì được báo đã xuất vé đúng hành trình. Nhưng sau đó ít ngày, chúng sẽ gửi yêu cầu tới hãng Vietnam Airlines để xin hoàn vé. Việc hoàn vé sẽ được chấp thuận ngay nếu như người yêu cầu hoàn vé chính là người đặt vé. Khách hàng không nhận được thông tin nào là vé máy bay của mình đã được hoàn vé. Chỉ đến khi đến sân bay làm thủ tục check-in mới biết được vé máy bay không còn hiệu lực.
Để phòng tránh mua vé máy bay giả, đại diện các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar đều thống nhất quan điểm khách hàng nên mua vé của các đại lý chính thức, có danh sách trên website của mỗi hãng. Nếu mua vé ở các điểm bán không phải đại lý chính thức, nên xem kỹ thông tin trên vé như kiểm tra code vé bằng cách gọi trực tiếp lên hãng hàng không. Cùng đó, khách hàng cần lấy phiếu thu, hóa đơn khi mua vé. Phiếu thu này được xem như một chứng từ, nên nếu xảy ra trục trặc, khách hàng có thể dùng giấy tờ này để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Đặc biệt, khách hàng cần cảnh giác với các lời chào mời mua vé lẻ trên mạng; Tự đặt vé cho chính mình và không nên tham vé máy bay quá rẻ. Nếu bạn nhận được những lời chào hàng về vé máy bay quá rẻ so với thông tin của hãng thì đừng vội đặt vé và kiểm tra lại vì có thể đó là một trò lừa đảo.
“Bất kể khi nào thấy nghi ngờ với giá vé, khách hàng có thể liên hệ lại với hãng để kiểm tra thông tin nhằm đảm bảo quyền lợi của mình”, Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Jetstar Pacific Nguyễn Tuấn Anh khuyến cáo.
Lập đội “phản ứng nhanh” dịp Tết
Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho hay, mùa cao điểm Tết năm nay, hoạt động tại cảng hàng không đông đúc nhất cả nước là Tân Sơn Nhất chắc chắn sẽ vẫn rất căng thẳng do chưa “gỡ” được nút thắt hạ tầng tại đây.
“Nhà ga hành khách T3 chưa có, đường lăn, đường cất/hạ cánh chưa được nâng cấp. Hay nói cách khác, cơ sở hạ tầng tại Tân Sơn Nhất vẫn chưa có gì thay đổi”, ông Thắng nói và cho hay, để khắc phục, như mọi năm, sẽ tổ chức các đội ứng trực 24/24h tại 2 đầu sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Đội ứng trực này sẽ có đủ thành phần của các đơn vị tại cảng hàng không, hãng hàng không để tăng cường phối hợp, xử lý tình huống.
Trước mắt, tại Nội Bài, từ ngày 1/1/2020, sẽ thí điểm thành lập một trung tâm điều hành chung ở sân bay gọi là AOCC. Các đơn vị như hãng hàng không, cơ quan điều hành bay, đơn vị phục vụ mặt đất, cung ứng xăng dầu… đều phải có đại diện ngồi tại cơ quan điều hành này, trong khung giờ cao điểm, phải ứng trực 100% quân số để phối hợp ứng phó.
Cũng liên quan đến công tác phục vụ Tết, ông Thắng cho hay việc chuẩn bị các khâu từ hạ tầng, phương tiện, dịch vụ mặt đất, điều hành bay, lịch bay… sẽ phải thực hiện trước khoảng 3 - 4 tháng. Đội tàu bay sẽ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, bao gồm cả chuẩn bị số lượng và kỹ thuật cho tàu bay. Trong dịp cao điểm, sẽ không thực hiện việc bảo dưỡng lớn với tàu bay. Tất cả công tác chuẩn bị sẽ phải làm trước đó.
Hạ tầng (bao gồm nhà ga, bến bãi, đường lăn, sân đỗ…) cũng phải chuẩn bị trước đó. Trong mùa cao điểm, chỉ xử lý những vấn đề bất thường. Mọi sửa chữa lớn, nâng cấp cải tạo phải xong trước mùa cao điểm. “Chúng tôi tuyệt đối không xếp lịch sửa chữa, bảo dưỡng lớn vào mùa cao điểm. Tất cả công tác chuẩn bị đều phải làm trước”, ông Thắng nói.
Với công tác điều hành bay, do mật độ bay Tết rất cao, cơ quan điều hành bay cũng sẽ phải lên phương án riêng, từ việc điều hành máy bay trên sân đỗ, điều hành máy bay trong vùng tiếp cận sân bay và điều hành tổng thể trên toàn bộ vùng trời.
Liên quan đến việc đảm bảo an ninh, an toàn, trong mùa cao điểm Tết, các đối tượng phản động có thể lợi dụng trà trộn vào để gây mất an ninh trật tự. Do đó, không riêng các lực lượng của hàng không gồm công an, chính quyền địa phương, bộ đội rà soát lại các phương án ứng phó với tình huống bất trắc. An ninh sẽ được áp dụng ở cấp độ 1, huy động 100% quân số ứng trực. Đối với hành khách, sẽ tăng cường kiểm tra xác suất nhiều hơn, kiểm thể nhiều hơn.
Ngân Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận