Một góc bến tàu của ngư dân xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên |
Bán vì không có ràng buộc
Trong những năm qua, Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ tiền cho ngư dân đóng tàu cá, nâng cao năng suất đánh bắt hải sản, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện tình trạng bán lại tàu được hỗ trợ trong ngư dân. Anh Trần Xuân Hiến (trú tại thôn 5, xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên) là một trong số nhiều ngư dân nhận tiền hỗ trợ đóng tàu cá, nhưng sau vài năm đã phải bán tàu.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Hiến cho biết: Năm 2014, anh được nhận tiền hỗ trợ để đóng tàu với số tiền 190 triệu đồng. Tàu cá HT-90187TS của anh đóng hết tổng cộng 660 triệu đồng. Sau khi đưa vào sử dụng được hơn 2 năm thì gặp một số khó khăn như: Tàu xuống cấp nhanh, tìm bạn (thuyền viên) đi cùng tàu không có nên anh đành phải bán tàu cho người khác với giá 360 triệu đồng.
“Trước đây, khi tôi đóng tàu, chính quyền hỗ trợ 190 triệu đồng. Khi đó, họ không bảo chúng tôi đóng tàu xong cấm bán cho người khác. Nếu khi họ hỗ trợ mà bảo là cấm bán thì chúng tôi sẽ tính phương án khác”, anh Hiến nói và chia sẻ thêm: “Tôi bán tàu để dự định đóng tàu mới nhưng khi xảy ra sự cố cá biển chết, nên tôi phải cân nhắc lại”.
Tương tự, anh Trương Quang Thủy (trú tại thôn 9, xã Cẩm Lộc) cho biết, năm 2013 khi đóng tàu cá HT-90135TS với số tiền gần 700 triệu đồng, anh được chính quyền địa phương hỗ trợ 190 triệu đồng. “Họ (chính quyền - PV) không yêu cầu chúng tôi cam kết phải sử dụng bao nhiêu năm thì mới được bán tàu. Do vậy, khi tôi đau lưng không thể đi biển thì chúng tôi đành phải bán tàu với giá 400 triệu đồng. Khi nào hết đau lưng, thị trường thủy sản sôi động trở lại, tôi sẽ đóng tàu mới”, ngư dân này cho biết.
Theo tìm hiểu, ngoài hai trường hợp trên còn có nhiều ngư dân khác tại xã Cẩm Lộc sau một thời gian đưa tàu vào khai thác, sử dụng cũng đã bán tàu cá như trường hợp ông Trương Văn Xuân, có tàu cá HT-90188TS công suất 95CV, đã nhận số tiền hỗ trợ 190 triệu đồng vào đầu năm 2014 nhưng nay đã bán tàu với giá 200 triệu đồng; ông Trương Sơn đã nhận 159,5 triệu đồng đóng tàu cá 135CV nhưng cũng đã bán tàu 230 triệu đồng; ông Lê Văn Xuân nhận hỗ trợ 95 triệu đồng đóng tàu công suất 117CV cũng đã bán với giá 200 triệu đồng.
Khi được hỏi lý do bán tàu, đa số các ngư dân cho rằng, do máy tàu cũ đã xuống cấp nên đóng tàu mới. Người thì bảo do làm ăn thua lỗ, sức khỏe ốm yếu, không thuê được lao động đi cùng nên phải bán.
Không có chế tài “đòi lại” tiền hỗ trợ?
Tính tới thời điểm hiện tại, toàn xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên có 35 tàu cá đóng mới và hoán cải được nhận hỗ trợ theo các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, với tổng số tiền hơn 4,95 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hơn 4,3 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 495 triệu đồng và ngân sách xã là gần 126 triệu đồng. Hiện, tổng số tiền mà ngư dân được nhận hỗ trợ đóng tàu nhưng đã bán tàu là 824,5 triệu đồng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Văn Ngọ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên cho biết, đã báo cáo sự việc lên cấp trên. Ông Ngọ cũng thừa nhận, trong các quy định về chính sách hỗ trợ đóng tàu của tỉnh không có quy định về việc cấm ngư dân nhận tiền hỗ trợ đóng tàu xong rồi bán nên không có chế tài thu hồi số tiền đã hỗ trợ.
Được biết, ngay sau khi nhận được thông tin, UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã giao Thanh tra huyện phối hợp với các phòng, ban liên quan xây dựng phương án xử lý. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, tất cả các văn bản liên quan về chính sách hỗ trợ như của HĐND tỉnh Hà Tĩnh đều không có quy định về việc xử lý đối với các chủ tàu cá bán tàu sau khi nhận được kinh phí hỗ trợ.
Từ thực trạng này, ông Trần Hữu Duyệt, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: “Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh cần có quy định cụ thể hơn trong việc hỗ trợ các tàu đóng mới, hoán cải và có chế tài nếu không thực hiện đúng quy định”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận