Đô thị

Đua nhau xây cổng chào ở An Giang

29/03/2022, 15:00

Không riêng TP. Châu Đốc, mà các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Tịnh Biên, An Phú trong tỉnh An Giang cũng đều có từ 1-3 chiếc cổng chào riêng.

500 mét, 2 cổng chào cho cùng 1 thành phố

Những ngày qua, dư luận ở tỉnh An Giang, đặc biệt là tại TP. Châu Đốc vẫn còn xôn xao việc địa phương này vừa khởi công xây dựng cổng chào Khu du lịch Quốc gia Núi Sam có kinh phí lên đến 11,3 tỷ đồng.

Về quy mô, cổng chào có diện tích 134 m2, chiều cao vòm lớn 27 m, 2 đỉnh vòm nhỏ 18 m, khung bê tông cốt thép, tường bê tông gạch vỡ, sơn nước hoàn thiện, chữ inox, hoa văn trang trí thép CNC với tổng kinh phí 11,3 tỷ đồng.

img

Cổng chào sắt đầu tiên ngay cửa ngõ vào TP. Châu Đốc.

Công trình này được xây dựng trên tuyến Tân Lộ Kiều Lương - tuyến đường hoành tráng, đẹp nhất Châu Đốc và kinh phí từ nguồn vốn đầu tư công của tỉnh An Giang và vốn đối ứng của TP. Châu Đốc.

Đây là một công trình được cho là tạo điểm nhấn cho không gian du lịch của Khu du lịch Quốc gia Núi Sam, một trong khu du lịch tâm linh nổi tiếng của tỉnh An Giang và cả nước.

Việc xây cổng chào theo kiểu để “bằng chị”, “bằng em”, thậm chí nhiều hơn, quy mô hơn, chi nhiều tiền ngân sách hơn thì cần phải xem lại.

Một đồng chí nguyên lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho rằng, đất nước vừa trải qua trận đại dịch Covid-19 kéo dài, trong đó tỉnh An Giang cũng bị ảnh hưởng nặng nề, ngân sách tỉnh nhà đã phải “bội chi” cho công tác phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân nhưng vẫn chưa thật sự qua hết khó khăn.

Vậy thì việc chi hơn chục tỷ đồng để xây dựng cổng chào có lẽ chưa phù hợp với tình hình mới, nếu không muốn nói là lãng phí.

Bởi vì, ngay cuối tuyến Tân Lộ Kiều Lương đã sừng sững một chiếc cổng chào của Khu du lịch quốc gia Núi Sam hiện hữu, cũng được xây dựng rất đẹp, quy mô và mang nét đặc trưng riêng.

Vậy mà, người ta dự kiến đặt thêm một chiếc cổng chào thứ hai cho chính khu du lịch này ngay đoạn đầu của tuyến Tân Lộ Kiều Lương, dù tuyến đường này chỉ dài hơn 1 km!

img

Cổng chào thứ hai của TP. Châu Đốc, cách cổng chào đầu tiên khoảng 500 mét trên QL91.

Cũng trong nội ô TP. Châu Đốc, ngay trên tuyến QL91, đoạn vừa qua cầu Kênh Đào, du khách bắt gặp ngay một chiếc cổng chào bằng sắt vắt ngang đường.

Cổng chào này nằm ngay cửa ngõ đi vào TP nhưng nó được nhiều người quen gọi là cổng chào bệnh viện, vì vị trí gần lối vào Bệnh viện Châu Đốc.

Nhưng bất ngờ là chỉ cách đó hơn 500 mét, du khách lại choáng ngợp với một chiếc cổng chào thứ hai trên cùng tuyến đường này. Đây là cổng chào quy mô lớn nhất của TP ven biên giới với mái vòm cong vút, được xây bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu.

"Anh có cổng chào, tôi cũng phải có?"

Nếu tính theo thứ tự thì Châu Đốc hiện có 3 chiếc cổng chào, và thêm chiếc cổng chào vừa khởi công xây dựng, cả thảy là 4 cổng. Và mỗi cặp cổng chào đều được đặt trên cùng một tuyến đường ngắn nhằm tạo ấn tượng sâu sắc đối với du khách, mỗi khi qua đây!

Như vậy có lãng phí hay không? Có thẩm mỹ hay không? Hay là đua nhau xây dựng cổng chào vì lý do “cạnh tranh” nội bộ giữa các địa phương trong tỉnh?

img

Cổng chào hiện hữu của Khu du lịch Quốc gia Núi Sam, cuối tuyến Tân Lộ Kiều Lương.

Không riêng TP Châu Đốc, mà các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Tịnh Biên, An Phú cũng đều có từ 1-3 chiếc cổng chào riêng.

Dù có nhiều ý kiến trái chiều, song, cổng chào TP Long Xuyên không chỉ mang ý nghĩa đại diện cho TP mà còn đại diện cho cả tỉnh An Giang, để người dân xứ khác tới, họ dễ nhận biết rằng đã đi vào địa phận của TP trung tâm tỉnh An Giang.

Như vậy, còn có lý do để chấp nhận về tính cần thiết của cổng chào này. Và dẫu là TP trung tâm nhưng Long Xuyên cũng chỉ xây dựng 1 chiếc cổng chào duy nhất kể trên.

Điển hình như huyện Tri Tôn, từ hướng TL941 đến địa bàn xã Tà Đảnh là gặp ngay chiếc cổng chào to tướng; rồi từ hướng TL948, vừa qua khỏi xã An Hảo, huyện Tịnh Biên đến xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn là thêm 1 chiếc cổng chào sừng sững dưới nắng mưa ngay địa phận giáp ranh.

Kế đến là huyện Thoại Sơn cũng đặt 1 cổng chào to tướng ngay thị trấn Phú Hòa, cửa ngõ đi vào trung tâm huyện theo TL943. Đến cuối tuyến tỉnh lộ này, khi bắt đầu vào thị trấn Núi Sập lại có thêm 1 chiếc cổng chào khác.

Nếu đi thẳng hướng này vào thị trấn Óc Eo và đi về huyện Tri Tôn thì tại khu vực giáp ranh của huyện Thoại Sơn và Tri Tôn cũng có thêm 1 chiếc cổng chào. Còn giáp ranh TP Châu Đốc, vừa qua cầu Cồn Tiên, chiếc cổng chào huyện biên giới An Phú cũng hiên ngang chào đón.

img

Và chiếc cổng chào thứ 4 (thiết kế) đang được TP. Châu Đốc triển khai xây dựng.

Trước đó, tại Long Xuyên - TP trung tâm của tỉnh An Giang cũng từng có nhiều dư luận cả đồng tình và không đồng tình về việc xây dựng cổng chào ngay cửa ngõ đi vào TP.

Cổng chào TP. Long Xuyên đặt ngay phường Mỹ Thạnh, được xây dựng bằng khung thép sơn màu khá nổi bật, với kinh phí 6,8 tỷ đồng.

Lãnh đạo “im lặng” khi được hỏi

Ông Lê Văn Nưng, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang cho biết về trình tự thông qua để xây cổng chào, như ở TP. Châu Đốc mới đây: “Nếu việc xây dựng cổng chào nằm trong thẩm quyền thì trình qua HĐND tỉnh.

Còn nếu không nằm trong thẩm quyền (vốn không nhiều - PV) thì UBND TP Châu Đốc tự quyết”, ông Nưng nói.

Theo quy định và trình tự thủ tục pháp luật, công trình cổng chào Khu du lịch Núi Sam có nguồn vốn ngân sách tỉnh An Giang và vốn đối ứng của TP. Châu Đốc nên dự án phải được UBND tỉnh chấp thuận và trình HĐND tỉnh thông qua.

Còn nếu dự án sử dụng toàn bộ ngân sách địa phương thì chỉ cần trình cho HĐND huyện, thành phố đó.

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Châu Đốc cho biết: “Với chi phí gần 12 tỷ đồng để xây dựng cổng chào, đây là việc lớn nên địa phương đã cân nhắc, tính kỹ, lên phương án đầy đủ.

Việc xây dựng cổng chào này địa phương đã có ý định xây dựng từ năm 2020. Tuy nhiên do dịch bệnh nên phải lùi lại tới ngày hôm nay mới khởi công”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn vốn và vốn đối ứng của TP. Châu Đốc với tỉ lệ bao nhiêu thì lãnh đạo TP Châu Đốc lại im hơi lặng tiếng.

Các huyện còn lại, lãnh đạo đều không trả lời khi có thắc mắc và yêu cầu gửi văn bản.

"Việc xây cổng chào theo kiểu để “bằng chị”, “bằng em”, cạnh tranh “nội bộ” giữa các huyện, thị; thậm chí nhiều hơn, quy mô hơn, chi nhiều tiền ngân sách hơn thì cần phải xem lại.

Phải chăng, đến lúc, các tỉnh cũng cần phải có quy hoạch tích hợp về các dự án xây dựng cổng chào cho các huyện, thị, thành phố trong tỉnh với tầm nhìn 30-50 năm. Nếu không những chiếc cổng chào cứ vô tư “mọc” lên theo sở thích của lãnh đạo địa phương thì khổ", một người dân An Giang nói vậy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.