Quản lý

Đua nhau “xẻ thịt” vỉa hè Thủ đô

30/09/2019, 09:33

Dù nhiều lần “trống dong, cờ mở” với những chiến dịch ra quân xử lý rầm rộ, tuy nhiên vỉa hè ở Hà Nội vẫn bị tái chiếm ở khắp nơi...

img
Tuyến phố kiểu mẫu song vẫn bị lấn chiếm vỉa hè nghiêm trọng (Chụp trên đường Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội)

Dù nhiều lần “trống dong, cờ mở” với những chiến dịch ra quân xử lý rầm rộ, tuy nhiên vỉa hè ở Hà Nội vẫn bị tái chiếm ở khắp nơi, thậm chí tình trạng này diễn ra ở cả các tuyến phố cổ và phố kiểu mẫu...

Nhan nhản vi phạm

Sáng 24/9, trực tiếp lưu thông trên một số tuyến đường của Hà Nội, ghi nhận của PV Báo Giao thông, tình trạng vỉa hè nhếch nhác bởi hàng quán, bãi trông giữ xe vẫn diễn ra nhan nhản như chưa từng có sự vào cuộc của cơ quan chức năng trước đây.

Tại khu vực phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, vỉa hè phố Hàng Chiếu có chiều rộng khoảng 3-4m, lát đá rất khang trang, nhưng đều bị các hộ kinh doanh biến thành nơi kinh doanh; Vỉa hè phố Hàng Mã thì được trưng dụng bày bán đồ chơi trẻ em. Vỉa hè phố Hàng Cân, Hàng Lược, Hàng Cá… tràn ngập quán ăn, quán cà phê.

Đáng lưu ý, trục đường Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa) cách đây 2 năm từng là “điểm nóng” trong chiến dịch giành lại vỉa hè của TP Hà Nội. Thời điểm đó, từng bậc tam cấp phạm vào diện tích của vỉa hè đều bị lực lượng chức năng dùng máy khoan đánh bật. Thế nhưng, hiện tại, tuyến đường này chẳng còn dấu vết gì của chiến dịch giải tỏa rầm rộ trước đây. Gần như toàn bộ vỉa hè dọc tuyến đều bị các hộ kinh doanh biến thành nơi để xe, đặt biển quảng cáo.

Tại các tuyến phố gắn mác “kiểu mẫu” của Hà Nội cũng chẳng khá khẩm hơn. Tháng 5/2016, đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) được khánh thành với thương hiệu “tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô”. Thời điểm ấy, nhiều người kỳ vọng tuyến đường này không những là tuyến đường kiểu mẫu mặc “đồng phục” biển quảng cáo mà sẽ là kiểu mẫu trong trật tự vỉa hè, là tuyến đường người đi bộ không phải len lỏi dưới lòng đường.

Song, có mặt trên đường Lê Trọng Tấn vào sáng 27/9, ghi nhận của PV, vi phạm trật tự vỉa hè diễn ra vô tội vạ. Tình trạng đỗ xe “vô lối”, bịt kín vỉa hè diễn biến ngày càng phức tạp, điển hình là khu vực trước số nhà 122 - 126, 282,… Các chủ hộ thuộc số nhà 68, 80, 188,… còn ngang nhiên biến vỉa hè trước nhà để buôn bán hoa quả và sửa chữa xe máy.

Còn tại phố kiểu mẫu Đình Thôn, dù được phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) đầu tư xây dựng thành phố kiểu mẫu từ năm 2018, nhưng nhiều người dân lại tỏ ra bức xúc bởi thời điểm được gắn mác “kiểu mẫu” cũng là lúc vỉa hè của tuyến phố này gần như biến mất. “Anh nhìn mà xem, từ đầu đến cuối phố còn chỗ nào gọi là vỉa hè nữa đâu. Chưa kiểu mẫu thì còn có đường đi bộ an toàn, có chỗ tránh xe va chạm, kiểu mẫu rồi thì người đi bộ bị đẩy xuống đường, còn rau quả, hàng ăn vô tư lấy vỉa hè buôn bán”, ông Cừ, một người dân sống trên phố Đình Thôn bức xúc nói.

Bị chiếm dụng làm bãi giữ xe

Các chiến dịch dẹp loạn vỉa hè chết yểu?
Tháng 3/2017, Hà Nội tiến hành một trong những chiến dịch ra quân rầm rộ nhất để dẹp loạn vỉa hè, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Thời điểm đó, nhiều quận huyện, nhất là ở khu vực nội đô, lực lượng chức năng được huy động tối đa, kiên quyết phá bỏ những công trình của các hộ dân lấn chiếm, yêu cầu để phương tiện giao thông đúng nơi quy định, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh buôn bán trái phép trên vỉa hè địa bàn toàn thành phố.
Sau đó, TP Hà Nội tiếp tục có thêm nhiều đợt ra quân, xử lý vi phạm vỉa hè nữa, dù không rầm rộ như năm 2017. Mỗi đợt ra quân xử lý huy động hàng trăm người với thiết bị máy móc rất tốn kém. Tuy nhiên, sau nhiều chiến dịch đó, tình trạng lấn chiếm vẫn đâu hoàn đấy, vỉa hè vẫn không thuộc về người đi bộ.


Không chỉ chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, hiện trên nhiều tuyến phố, vỉa hè còn nhếch nhác, lộn xộn bởi các bãi trông giữ xe. Nhức nhối nhất có thể kể đến tuyến đường Triệu Quốc Đạt (quận Hai Bà Trưng), nhằm phục vụ nhu cầu gửi phương tiện của người dân vào Bệnh viện Phụ sản T.Ư, 3, 4 điểm trông giữ xe được cấp phép trên toàn bộ diện tích vỉa hè. Việc cấp phép này vô tình đẩy người đi bộ xuống lòng đường, đối mặt với nguy cơ mất ATGT.

Đáng chú ý, để “tận thu”, các bãi trông giữ xe ở đây còn bất chấp quy định, xếp xe vượt diện tích cho phép. Điển hình như bãi trông xe phía bên phải cổng Bệnh viện Phụ sản T.Ư (chiều từ ngoài vào) được cấp phép cho hộ kinh doanh Nguyễn Thị Tuyết (trú tại số 908 phố Trương Định, quận Hoàng Mai).

Theo giấy phép, bãi xe này được cấp sử dụng tạm thời 350m2 vỉa hè để trông giữ xe đạp, xe máy. Tuy nhiên, do thường xuyên sử dụng diện tích vượt phép, bãi xe đã liên tiếp bị Thanh tra Sở GTVT xử phạt hành chính vào ngày 24/7 và 11/9. Tuy nhiên, có mặt tại bãi trông giữ này trưa 24/9, PV vẫn chứng kiến cảnh xe máy xếp ken kín từ vỉa hè xuống lòng đường, lấn chiếm cả nhà chờ xe buýt, người đi bộ thì phải luồn lách qua từng dòng taxi, ô tô dày đặc trước khu vực cổng bệnh viện.

Không chỉ các bãi trông xe có phép, tình trạng các bãi xe tự phát diễn ra nhan nhản trên rất nhiều tuyến đường. Đơn cử vỉa hè tại tuyến phố Hai Bà Trưng (từ số 14 đến 28) cũng thường xuyên bị các hộ dân ở đây chiếm dụng lập bãi xe tự phát để kiếm lời. Vào các ngày cuối tuần, thời điểm phố đi bộ được tổ chức, nhiều điểm trông giữ xe còn tràn xuống cả lòng đường.

Truy trách nhiệm người đứng đầu các quận, huyện

img
Vỉa hè bị lấn chiếm tại phố kiểu mẫu Đình Thôn - phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Tuấn Long, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (được giao phụ trách mảng giao thông đô thị cấp quận) thừa nhận tình trạng chiếm dụng vỉa hè vẫn diễn ra phổ biến trên địa bàn quận.

Theo ông Long, quận Hoàn Kiếm thường xuyên ra quân kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, gắn trách nhiệm người đứng đầu, nhất là của Chủ tịch UBND các phường nếu không dẹp được lấn chiếm vỉa hè, tuy nhiên do địa bàn rộng vẫn chưa kiểm soát hết. Cũng theo ông Long, để xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, quận Hoàn Kiếm đã lắp đặt 64 camera nối về công an quận. Tới đây, quận Hoàn Kiếm sẽ đề nghị các cơ quan chức năng dùng hình ảnh từ các camera này để xử lý vi phạm trật tự đô thị. “Cùng đó, để lập lại trật tự vỉa hè, chúng tôi sẽ yêu cầu các phường trực 24/24h. Hiện, trên địa bàn đã tích hợp Zalo của hơn 150 cán bộ chức năng để kịp xử lý ngay các vi phạm, chiếm dụng vỉa hè”, ông Long khẳng định.

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban chuyên trách Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho rằng, để xử lý triệt để được tình trạng lấn chiếm vỉa hè, chỉ kiểm tra, giám sát, xử lý không chưa đủ. Việc này còn liên quan đến vấn đề quy hoạch của thành phố còn tồn tại bất cập. “Để dẹp được vi phạm vỉa hè thực sự là công cuộc gian nan và phải làm thường xuyên, liên tục. Hiện thành phố đã phân cấp về cho các quận, huyện quản lý và xử lý trực tiếp. Nếu các quận, huyện không xử lý được phải chịu trách nhiệm trước thành phố. Trong đó trách nhiệm trực tiếp là của người đứng đầu. HĐND TP Hà Nội đã liên tục chất vấn UBND TP ở các kỳ họp về vấn đề này”, ông Quân nói.

Mặc dù vậy, ông Quân cũng thừa nhận, theo báo cáo thì đến nay, chưa có trường hợp cán bộ nào bị xử lý vì để xảy ra tái lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, quan điểm của TP Hà Nội là địa bàn nào để xảy ra tình trạng trên, cán bộ chủ chốt phải chịu trách nhiệm.

Ở góc độ khác, chuyên gia quy hoạch xây dựng đô thị, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, muốn vỉa hè trật tự, trước hết phải thống nhất đầu mối quản lý. Chỉ trên một đoạn vỉa hè, nhưng lại liên đới quá nhiều đơn vị, trong đó, cơ quan điện lực quản lý một phần, Sở Xây dựng quản lý một phần, công an phường lại quản lý một phần khác. Trong khi Nhà nước chưa quản lý được, người dân đã tự ý chia nhau từng mét vuông vỉa hè, rồi chia nhau khung giờ buôn bán rõ ràng, nghĩa là họ đang có những hoạt động ngầm nhưng chính quyền không quản lý được.

Trong khi đó, việc xử lý của các cơ quan chức năng vẫn theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” và tồn tại trong hàng thập kỷ qua. Lực lượng chức năng đến thì dân chạy, nhưng chỉ một lúc sau, việc lấn chiếm lại trở về như ban đầu.

Ths. Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT, Đại học GTVT cho rằng, để hướng đến đô thị văn minh, cơ quan chức năng cần tính đến việc “công nghệ hóa” việc giám sát và xử lý trật tự vỉa hè. Phải lắp đặt hệ thống camera để giám sát và xử lý, phạt nguội vi phạm. Đây là giải pháp đã được các nước như: Singapore, Trung Quốc và hầu hết các nước châu Âu áp dụng. “Với giải pháp này, công tác quản lý vỉa hè sẽ minh bạch, không “mập mờ” và rõ trách nhiệm của từng cơ quan chức năng”, Ths. Tuấn nói.

Lập tổ tự quản chống tái chiếm?

img
Bảng hiệu, xe hàng rong chiếm hết một đoạn vỉa hè trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh)

Tại các tuyến đường các quận trung tâm TP HCM như quận 1, quận 5… sau nhiều đợt ra quân rầm rộ chấn chỉnh, tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường lại tái diễn. Việc thành lập tổ tự quản được cho là cách làm hay để khắc phục tình trạng này.

Theo ghi nhận, tại các quận trung tâm, tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm bãi đậu xe, buôn bán vẫn diễn ra trên các tuyến đường như: Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Bình, Cống Quỳnh (quận 1), đường Trần Hưng Đạo đoạn trước cổng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (quận 5). Nhiều đoạn vỉa hè bị lấn chiếm làm nơi buôn bán và taxi dừng đỗ vô tội vạ rất dễ xảy ra va chạm giao thông. Trước đây, khi chiến dịch dẹp vỉa hè được đẩy lên cao trào với việc ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó chủ tịch quận 1) liên tục xuống đường, những tuyến phố này đều rất ngăn nắp. Tuy nhiên, đến nay, tất cả lại trở về như lúc ban đầu.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM cho biết, vấn đề trật tự lòng, lề đường vỉa hè trên địa bàn thành phố được thành phố rất quan tâm. Chủ tịch UBND thành phố, kiêm Trưởng ban ATGT luôn quan tâm, theo dõi và thường xuyên nhắc trong các cuộc họp. Cũng theo ông Tường, hiện nay lực lượng chức năng còn hạn chế, không thể có mặt suốt ngoài đường để xử lý vấn đề này. Do đó, địa phương cần tính toán đến lâu dài, hướng đến xây dựng các nhóm tự quản.

Theo ông Tường, cách tốt nhất để quản lý vỉa hè, lòng đường hiện nay là giao về tận cho các khu phố tự quản. Trên tuyến đường lấy một khu vực làm điểm, sau đó mời tổ dân phố và chọn một số hộ mua bán đề ra kế hoạch, vận động bà con cùng tham gia tự quản một phần vỉa hè. Sau khi kẻ vạch và giành riêng phần đường cho người đi bộ, phần vỉa hè bà con được giao sẽ phải có ý thức giữ gìn, bảo quản trật tự và phải ký cam kết. “Nếu không đảm bảo được trật tự, vỉa hè để lộn xộn, phức tạp thì sẽ xem xét không giao nữa. Từ đó, họ sẽ có ý thức chấp hành, giữ gìn và tự nhắc nhở lẫn nhau. Nếu hiệu quả chúng ta sẽ nhân rộng mô hình này”, ông Tường nói.

Vĩnh Phú - Nguyễn Hằng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.