Xã hội

Đưa phong bì trăm triệu sao gọi là quà Tết!?

15/02/2018, 10:29

Tặng quà Tết không xấu nhưng nếu việc tặng quà đi liền với động cơ,mục đích nào đó thì là hành vi tiêu cực.

33

Đưa phong bì trăm triệu sao gọi là quà Tết!? - Tranh minh họa

Dư luận cho rằng, đã có sự biến tướng khi việc tặng quà Tết hiện nay đã chuyển từ công khai sang bí mật, không tặng vào dịp Tết mà tặng trước hoặc sau Tết. 

Quà Tết không xấu, lợi dụng quà Tết mới là tiêu cực

Trao đổi với Báo Giao thông, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho rằng, văn hóa quà Tết là văn hóa tốt đẹp chứ không có gì xấu. “Tết đến, xuân về gặp nhau, vui vẻ mời nhau chén rượu, con cái tặng quà bố mẹ, cháu chắt tặng quà ông bà, người lớn mừng tuổi trẻ con, trò đến thăm thầy, những người đã giúp mình lớn lên… Đó là truyền thống tốt đẹp”, ông Dũng nói.

"Ở nước ngoài, nếu tặng và nhận quà trái quy định sẽ bị kết tội đưa và nhận hối lộ, còn ở nước ta vẫn chủ yếu là phạt hành chính nên tính răn đe chưa cao. Vì thế, cần tính đến việc hình sự hóa hành vi này, tạo ra một chế tài nghiêm khắc hơn, nếu không việc tặng quà Tết sẽ ngày càng biến tướng theo chiều hướng nguy hiểm."

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng
Phạm Trọng Đạt

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trong thực tiễn cũng có chuyện lợi dụng quà Tết để “tranh thủ nọ kia”. Đây là quà lợi dụng biếu xén, tranh thủ cơ hội, có động cơ không tốt, là hành vi tiêu cực chứ không phải quà theo ý nghĩa văn hóa. Bởi vậy, năm vừa qua, Thủ tướng ra chỉ thị nghiêm cấm việc lãnh đạo nhận quà Tết, các bộ, ngành, địa phương lên T.Ư chúc Tết, hay cấm nhận xe do doanh nghiệp biếu tặng, cấm cấp biển xanh cho doanh nghiệp… Ngay cả việc cấm cán bộ đi lễ hội trong giờ hành chính, đi xe công, cấm uống rượu... đã thành trào lưu.

“Tết năm nay, Thủ tướng giao VPCP tiếp tục xây dựng chỉ thị của Thủ tướng cấm tặng quà Tết cho cấp trên. Thủ tướng cũng hết sức quan tâm đến chế độ chính sách cho người có công với cách mạng, đối tượng cơ nhỡ, cô đơn, gia đình nghèo. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng của mình quan tâm để không gia đình nào, không ai không có Tết và không để đói kém ở bất kỳ chỗ nào”, Bộ trưởng Dũng cho hay.

Về dư luận cho rằng, đã có sự biến tướng khi tặng quà Tết, theo Bộ trưởng, trước Tết hay sau Tết vẫn là quà Tết. “Mặc dù cấm như thế nhưng việc thực hiện chỗ này, chỗ khác chưa nghiêm”, Bộ trưởng cho hay.

Cấp trên phải làm gương

Trong khi đó, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, việc Ban Bí thư vừa ra chỉ thị về cấm tặng quà Tết cấp trên góp phần không nhỏ vào việc xây dựng Chính phủ liêm chính. Đặc biệt, trong nhiều cuộc họp, hội nghị, người đứng đầu Chính phủ cũng luôn quán triệt tinh thần này một cách quyết liệt, “cấm đi Tết cấp trên” thể hiện mục tiêu tiết kiệm để tập trung chăm lo cho đời sống người dân. “Chỉ thị này cũng khiến không ít người dân, cấp dưới yên tâm. Khi mỗi dịp Tết đến, mối lo quà Tết cho cấp trên không còn đè nặng, không phải lo biếu xén, tặng quà một cách tốn kém. Chỉ thị này khiến người dân rất vui mừng, đồng tình, ủng hộ”, ông Đạt nói.

Nghiêm cấm tặng quà Tết, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới

Đó là một trong những nội dung của Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 22/12/2017 về việc tổ chức Tết năm 2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Chỉ thị nêu rõ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể T.Ư không tổ chức đi thăm, chúc Tết lãnh đạo các địa phương; các địa phương không chúc Tết cấp trên và T.Ư. Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội…

Về việc làm sao có thể phân biệt rạch ròi đâu là quà Tết “lành mạnh”, tặng nhau vì tình cảm, lễ nghĩa, đâu là lợi dụng cái gọi là quà Tết để biếu xén, đút lót, ông Đạt cho rằng, không khó để phân biệt, bởi tặng nhau cây quất, cành đào dịp Tết có thể vì tình cảm, chứ bỏ cả trăm triệu tặng nhau chắc chắn đó không phải quà Tết, mà đó là hối lộ, đút lót. Thực tế, nhiều người lợi dụng dịp Tết để đến cơ quan, hay nhà riêng lãnh đạo chúc Tết, tặng những món quà vượt quá quy định mà pháp luật cho phép. Lo ngại hơn cả, họ không đưa tiền mặt để dễ bị phát hiện, mà ngầm thỏa thuận với nhau, có những cách tặng quà tinh vi hơn như chuyển khoản, trích phần trăm trong các dự án lớn, thậm chí tặng nhau cả những căn hộ cao cấp…

Theo ông Đạt, đó là những biến tướng, thủ đoạn rất tinh vi không dễ gì phát hiện. Muốn kết luận chính xác phải chờ cả quá trình kiểm tra, thanh tra vào cuộc. Vì thế, việc giám sát và xử lý không thể đem lại hiệu quả triệt để, không thể đảm bảo xử lý hết những trường hợp vi phạm, mà quan trọng nhất phải ngăn chặn thông qua việc tuyên truyền, nêu gương của chính những người đứng đầu.

“Ngoài tuyên truyền, cần xác định ngay vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Trên có nghiêm, dưới mới thực hiện theo. Cấp trên mà cương quyết không nhận quà Tết, cấp dưới không bao giờ dám tặng, thậm chí, cấp dưới còn vui mừng vì “đỡ” được một khoản lo toan. Cấp trên nghiêm, mới có thể làm gương, giám sát và xử lý nếu cấp dưới vi phạm. Chúng ta cần rõ ràng quan điểm, cấp nào sai, lãnh đạo nào sai cũng phải bị xử lý, thậm chí cán bộ cấp cao vi phạm phải xử lý nặng hơn”, ông Đạt phân tích và cho rằng, một điều quan trọng khác là muốn giải quyết hiệu quả vấn đề trên, chúng ta phải kiểm soát, hạn chế được việc tiêu tiền mặt, quản lý được thu nhập của cán bộ công chức các cấp. Không có tiền mặt, không thể có chuyện đi Tết phong bì hàng trăm triệu. Khi ấy, nếu họ chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng thì cơ quan quản lý sẽ dễ dàng “truy” dấu vết. Không làm được vấn đề này, sẽ rất khó ngăn chặn biến tướng của việc tặng quà Tết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.