Vận tải

Đưa tàu lớn vào Việt Nam, doanh nghiệp ngoại cảm ơn Bộ trưởng Thăng

23/05/2015, 07:47

Ngày 22/5, tàu UASC ZAMZAM của liên minh 3 hãng tàu container lớn nhất thế giới đã cập cảng Cái Mép CMIT.

IMG_2516
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công trao lẵng hoa chúc mừng của Bộ trưởng Đinh La Thăng gửi CMIT và chúc mừng sự kiện cảng CMIT đón tàu hàng trung chuyển cỡ lớn.

Hút hàng trung chuyển từ Singapore

Thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã trao lẵng hoa của Bộ trưởng Đinh La Thăng gửi tặng cảng CMIT cùng lời chúc mừng về sự kiện quan trọng này. Đồng thời, Thứ trưởng khẳng định, Bộ GTVT sẽ tạo mọi điều kiện, hỗ trợ về cơ chế chính sách để các hãng tàu trên thế giới đến với các cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải ngày càng thuận tiện.

Ba hãng tàu vận tải container hàng đầu thế giới thuộc liên minh Ocean 3 là CMA-CGM (Pháp), China Shipping (CSCL, Trung Quốc) và UASC (các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất) lần đầu đưa tàu vào Việt Nam để thực hiện việc xếp dỡ hàng đi bờ Đông nước Mỹ.

Theo đại diện cảng CMIT, Ocean 3 được thành lập ngày 8/9/2014 và đã có những chuyến tàu cập các cảng khác trên thế giới, nhưng chưa ghé các cảng ở Việt Nam. Với tiềm năng hàng hóa xuất nhập giữa Việt Nam & Mỹ, các hãng tàu của liên minh Ocean 3 quyết định mở tuyến mới tại một cảng của Việt Nam trong hành trình của mình.

Liên minh Ocean 3 đã chọn cảng CMIT, nơi có độ sâu tối thiểu dọc cầu cảng đạt -16,5m, sâu nhất trong khu vực cụm cảng Cái Mép- Thị Vải để thực hiện việc xếp dỡ hàng. Cảng CMIT tiếp cận trực tiếp với luồng -14m, các tàu có thể tiếp cận với mớn nước lên đến 16m; đồng thời vị trí xoay tàu rộng, an toàn và thuận lợi. Cảng có thể tiếp nhận tàu với tải trọng lên đến 160,000 DWT.

IMG_2490
Tàu UASC ZAMZAM chở 9.006 TEU cập cảng CMIT

Tàu UASC ZAMZAM thuộc hãng tàu UASC, có chiều dài 299.92 mét, chở 9.006 TEU, đã rời cảng Yantian (Trung Quốc) trước khi cập cảng CMIT. Hành trình của tàu UASC ZAMZAM sau cảng CMIT sẽ là Port Kelang - El Suweis – New York – Norfolk – Savannah - Malta. Sản lượng dự kiến cho chuyến tàu đầu tiên là khoảng 1400 Teu, tỉ lệ xuất nhập chiếm 55%-45%. Tàu sẽ có hàng xuất nhập từ các tàu feeder của 03 hãng tàu gom hàng từ các cảng ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam để chuyển tải lên tàu mẹ tại cảng CMIT.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng giám đốc cảng quốc tế Cái Mép CMIT cho biết, khoảng 5 tháng gần đây, cảng CMIT đã có những chuyển biến tương đối tốt. Cụ thể, sản lượng hàng tăng trưởng từ 15 – 18%. CMIT đã làm trung chuyển cho hai tàu quốc tế cỡ lớn (khoảng 1.500 container/tàu) mà đáng lẽ họ có thể làm trung chuyển ở Singapore hay ở cảng khác.

IMG_2513
 

“Thời gian làm thủ tục hải quan rất nhanh, chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ đã giải quyết xong, gây được thiện cảm và sự ngỡ ngàng cho khách hàng. Ngoài ra, các hãng tàu lớn chọn Cái Mép – Thị Vải bởi phần lớn nhờ ảnh hưởng lan truyền của những chính sách mà Bộ GTVT đã tạo điều kiện và niềm tin cho các hãng tàu và các cảng. Bên cạnh đó, do hệ thống kết nối hạ tầng giao thông phát triển mạnh, kinh tế khởi sắc… Bắt đầu đã có những bước đi rất cụ thể và thiết thực, làm trung chuyển quốc tế là đúng với chức năng của cụm cảng Cái Mép – Thị Vải”, ông Kỳ nói.

CMA-CGM gửi thư cảm ơn Bộ trưởng Đinh La Thăng

Ngày 22/5, nhân sự kiện tàu UASC ZAMZAM cập cảng CMIT, CMA-CGM đã gửi thư cảm ơn đến Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Trong thư, liên minh này cho biết, trước đây khi còn là các doanh nghiệp riêng lẻ họ đã từng có tàu lấy hàng tại các cảng biển TP HCM nhưng phải dừng lại do không đủ hàng. Gần đây, khi tham gia liên minh, họ đã tái khởi động việc đưa tàu có trọng tải lớn nhất vào Cái Mép là do nắm được chiến lược của Bộ GTVT triển khai đề án Nâng cao hiệu quả khai thác nhóm cảng biển số 5 và các bến cảng Cái Mép – Thị Vải.

Với những chính sách mới năng động, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GTVT, cùng với sự hỗ trợ hướng dẫn của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, CMA-CGM có niềm tin vào tương lai phát triển tốt đẹp của cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, và vì thế CMA-CGM đã quyết tâm mở lại tuyến vận chuyển trực tiếp vào Cái Mép cùng với các thành viên của nhóm Ocean Three, và chuyến tàu đầu tiên đã được thực hiện thành công vào ngày 22/5/2015.

Thành công của chuyến tàu đầu tiên từ châu Á – bờ Đông nước Mỹ chắc chắn sẽ mở ra một triển vọng triển khai mở rộng tuyến dịch vụ đi bờ Tây nước Mỹ từ Cái Mép, cũng như cấc tuyến dịch vụ khác từ Cái Mép đi châu Âu và các tuyến khác. Thành công của dịch vụ vào Cái Mép của nhóm Ocean Three chắc chắn sẽ dẫn đến việc thúc đẩy các nhóm công ty vận tải biển nước ngoài khác xúc tiến triển khai dịch vụ từ Cái Mép – Việt Nam đi các châu lục, cũng như chuyển hàng xuất từ các cảng khác như Cambodia, Thai Lan, Philippines Malaysia đến Cái Mép - Việt Nam để lên tàu mẹ đi các nước trong và ngoài khu vực, tạo điều kiện để Cái Mép – Thị Vải thành cảng trung chuyển quốc tế, đại diện liên minh này cho biết. 

CMA-CGM và nhóm Ocean Three dự kiến, trong tháng đầu tiên, hàng tuần sẽ có một chuyến tàu từ Cái Mép – Thị Vải đi bờ Đông nước Mỹ. Hiện tại chúng tôi đang nghiên cứu để đưa them những tuyến dịch vụ mới trực tiếp vào Cái Mép. Chúng tôi cũng nghiên cứu thí điểm đưa một lượng hàng từ các nước trong khu vực đến Cái Mép – Thị Vải để chuyển lên tàu mẹ (trung chuyển quốc tế).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.