Các đập trên sông Mekong |
Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng đang diễn ra tại các nước ở hạ nguồn sông Mekong và trở nên đáng lo ngại trong bối cảnh một số nước ở thượng nguồn thúc đẩy kế hoạch xây đập thủy điện.
Thảm họa hạn hán đe dọa nhiều quốc gia
Myanmar được dự báo sẽ phải đối mặt với hạn hán nặng nhất trong nửa đầu năm 2016. Trong khi đó, Thái Lan đang đối mặt với tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong 20 năm qua, khi mà 28 tỉnh của nước này có nguy cơ chịu thảm họa hạn hán lần đầu tiên trong lịch sử, trong đó có cả Thủ đô Bangkok. Tại Lào, hạn hán làm suy giảm đáng kể năng suất lúa. Còn người dân Campuchia cũng đang chịu những tác động nặng nề của hạn hán đối với cây trồng, đặc biệt là khu vực trung tâm và phía Tây nước này, xung quanh tỉnh Kampong Chhnang, địa phương chuyên sản xuất lúa gạo.
Trước tình trạng này, ngày 15/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, nước này bắt đầu xả lũ từ trạm Thủy điện Cảnh Hồng trên sông Lan Thương (sông Mekong chảy qua Trung Quốc) từ ngày 15/3 - 10/4 nhằm giảm bớt tình trạng hạn hán đang diễn ra tại: Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Quyết định này được đưa ra sau khi Việt Nam đề nghị Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dự kiến, khoảng 2 tuần nữa, nước sẽ về đến ĐBSCL sau khi đi qua đoạn đường 4.000 km.
Tuy nhiên, dù lượng nước xả là 2.190 m3/giây nhưng phải đi qua nhiều nơi đang chịu hạn hán, nên khi đến ĐBSCL cũng bị hao hụt và còn không đáng bao nhiêu. Việc xả nước cũng chỉ là giải pháp tạm thời và nó cũng không đem lại nhiều hiệu quả khi giải quyết tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn hiện nay và càng không thể đảm bảo sự phát triển bền vững ở khu vực hạ lưu sông Mekong. Bởi mối đe dọa nghiêm trọng xuất phát từ những con đập thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn.
Đập thủy điện - quả bom chết người?
Trung Quốc cùng với một số nước Tiểu vùng sông Mekong khác như Lào và Campuchia, đang coi dòng sông là nguồn năng lượng của riêng những nước này. Trung Quốc xây dựng 6 đập thủy điện trên dòng Mekong và đang có kế hoạch xây thêm 14 đập khác.
Trong khi đó, Lào cũng muốn xây các đập thủy điện, trong đó có dự án Xayaburi để bán điện cho các nước láng giềng, chủ yếu là Thái Lan. Thứ trưởng Bộ Năng lượng Lào Viraphonh Viravong cho biết: “Phía Thái Lan muốn mua điện giá rẻ từ Lào để thay thế các dự án điện khí đốt. Xuất khẩu điện cũng là một lợi thế và mang lại nhiều lợi ích cho Lào. Chúng tôi không muốn đóng cửa bất cứ dự án thủy điện nào”.
Còn Thái Lan, họ phớt lờ sự phản đối mạnh mẽ từ khu vực và quốc tế, quyết định chuyển dòng sông Mekong để dẫn nước đến khu vực hạn hán trong lãnh thổ nước này. Giám đốc quản lý dự án của Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan Somkiat Prajamwong bao biện: “Chúng tôi tin rằng, điều này sẽ không làm hạ thấp mực nước sông Mekong”.
Campuchia có thể là nạn nhân của đập nước Lào, nhưng chính nước này cũng đang có kế hoạch xây hơn 40 đập lớn trên sông Mekong và các nhánh phụ. Ulrich Apel - nhà nghiên cứu môi trường của Global Environment Facility cho biết: “Tiểu vùng sông Mekong là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất thế giới. Tình trạng biến đổi khí hậu đang tác động nặng nề đến hệ thống sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngư nghiệp.
Bên cạnh đó, việc chặn dòng chảy của sông với các con đập sẽ góp phần gây xói mòn ở vùng châu thổ sông Mekong màu mỡ, vốn đang bị đe dọa bởi xâm nhập mặn do nước biển dâng cao. Nó sẽ khiến 60 triệu người sống trong khu vực bị ảnh hưởng”.
Theo ông Zachary Dubel - nhà nghiên cứu về các lưu vực sông lớn trên thế giới, thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ): “Dù nhu cầu năng lượng tại các nước Tiểu vùng sông Mekong đang tăng cao, nhưng khi những con đập thủy điện hoàn thành cũng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết. Trái lại, chúng còn có thể mang lại nhiều hiệu ứng phụ là đe dọa nguồn lợi thủy sản và nông nghiệp, khiến hàng triệu người có thể sẽ mất kế sinh nhai và buộc phải di dời đi nơi khác”.
Ông Dubel cũng cho rằng, Trung Quốc và Lào có thể sẽ hưởng lợi từ những con đập, còn hầu hết hậu quả sẽ dành cho những nước như Việt Nam và Campuchia.Tờ Guardian (Anh) cảnh báo: Những đập thủy điện có thể trở thành quả bom chết người, kéo theo cuộc chiến nước trong tương lai trừ khi các nước có biện pháp quản lý khu vực hạ lưu một cách thích hợp. Vì vậy, theo ông Zachary Dubel: “Các nước cần phải đánh giá những tác động lâu dài và toàn diện trước khi xây đập thủy điện. Bên cạnh đó, đối với những đập thủy điện đã xây, cần sự phối hợp để quản lý một cách hiệu quả dòng chảy”.
Hôm qua, trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về ý kiến của các chuyên gia cho rằng, lượng nước từ đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) đến sông Cửu Long không đủ để đẩy mặn và không đủ xả tới ngày 10/4; Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: Trước khi đề nghị với Trung Quốc, các cơ quan chức năng Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ, lên các biện pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh miền Nam. Đối với đánh giá cụ thể về tác động, các cơ quan chức năng liên quan sẽ có đánh giá chi tiết và sâu hơn. Bộ Ngoại giao tiếp tục tích cực trao đổi với Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực sông Mekong tiếp tục cùng nhau sử dụng bền vững nguồn nước để đảm bảo hài hòa lợi ích các quốc gia, đảm bảo cuộc sống người dân trong khu vực. Xuân Minh Chiều 17/3, trao đổi với Báo Giao thông, ông Đồng Văn Tự, Vụ trưởng Vụ Quản lý Công trình thủy lợi và An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT) cho biết: “Lượng xả nước mà chúng ta yêu cầu được dựa trên cơ sở nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam nhằm đảm bảo cả dung lượng lẫn độ an toàn. Theo tính toán khoảng 20 ngày nữa nước sẽ vào Việt Nam. Quá trình đường đi như thế nào, lượng nước và hiệu quả ra sao khi về tới Việt Nam thì phải đợi mới kiểm nghiệm được”, ông Tự phân tích. Về nỗi lo dung tích hồ Cảnh Hồng không thể đáp ứng nhu cầu, ông Tự nhấn mạnh: “Không thể dựa vào dung lượng một hồ chứa Cảnh Hồng, vì trên đập thủy điện này còn có khoảng 6 - 7 nấc thủy điện nữa sẽ vận hành tiếp sức xuống”. Hoàng Ngân |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận