Có thể bị tịch thu phương tiện
Bộ Công an vừa có nội dung trả lời công dân về việc: Thời gian vừa qua, liên tiếp xuất hiện nhiều vụ việc các nhóm thanh, thiếu niên tổ chức đua xe trái phép gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy, hành vi tổ chức đua xe trái phép, sử dụng đèn xe máy có ánh sáng mạnh, lắp còi hụ, nẹt pô, rú ga và sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí sẽ bị xử lý về tội danh nào?
Theo Bộ Công an, hành vi sử dụng đèn xe, lắp còi hú, nẹt pô, rú ga (chủ yếu trên mô tô, xe gắn máy) và các hành vi vi phạm hành chính khác về trật tự, an toàn giao thông, xâm phạm trật tự công cộng, sức khoẻ, tài sản của người khác nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì có thể bị xử phạt hành chính.
Căn cứ để xử lý vi phạm hành chính gồm: Nghị định số 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021); Nghị định số 144/2021 ngày 31/12/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phòng, chống bạo lực gia đình.
Tùy theo trường hợp và tổng hợp các lỗi vi phạm sẽ có các mức xử phạt hành chính khác nhau. Ngoài ra, trong một số trường hợp, người điều khiển phương tiện có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện.
Nguy cơ đối mặt nhiều tội danh
Nếu các hành vi trên đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tùy theo hành vi, tính chất, mức độ và nhân thân người phạm tội, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm về một hoặc nhiều tội danh như sau:
Tội Tổ chức đua xe trái phép theo quy định tại Điều 265 Bộ luật Hình sự, chế tài gồm: Phạt tiền hoặc phạt tù từ 1 năm đến chung thân. Người tham gia đua xe trái phép có thể bị truy cứu hình sự về tội Đua xe trái phép, quy định tại Điều 266 Bộ luật Hình sự với các mức phạt gồm phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm.
Gây rối trật tự công cộng theo quy định của Điều 318 Bộ luật Hình sự, tùy theo từng trường hợp có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.
Quá trình tham gia giao thông, nếu vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ gây hậu quả từ nghiêm trọng trở lên hoặc có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà không được ngăn chặn kịp thời, người vi phạm có thể bị truy cứu về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Mức phạt gồm phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 3 năm đến 15 năm.
Giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển gây thiệt hại cho người khác mà đủ cấu thành tội phạm, thì có thể bị xử lý tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Chế tài gồm phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Hành vi chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm..., lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì có thể bị xử lý tội Cố ý gây thương tích. Khung hình phạt gồm cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Đáng chú ý, từ ngày 1/1/2025, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định, các loại vũ khí thô sơ, dao có tính sát thương cao khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác trái pháp luật sẽ bị coi là vũ khí quân dụng. Lúc đó, người vi phạm bị xử lý về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, mức phạt tù từ 1 năm đến chung nhân.
Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ thì bị coi là sử dụng trái phép vũ khí thô sơ. Khi đó, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, mức phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.
Ngoài ra, nếu các hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác... cấu thành tội phạm độc lập, người gây ra hành vi còn có thể bị truy cứu về các tội phạm tương ứng như: Giết người, Cố ý gây thương tích, Chống người thi hành công vụ, Cướp tài sản, Hủy hoại tài sản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận