Đề xuất thu phí mới của Chính phủ Đức đang gặp nhiều phản đối |
Thu phí theo thời gian
Ông Alexander Dobrindt - Bộ trưởng Bộ Giao thông Đức gọi loại phí này là “Chi phí cơ sở hạ tầng”. Ông cho rằng nguồn thu từ đây sẽ đạt khoảng 2,5 tỷ euro (3,4 tỷ USD) thêm vào Quỹ Xây dựng và bảo trì đường bộ hiện tại mỗi năm.
Theo tính toán của ông Dobrindt, mức phí những chủ xe người nước ngoài có thể sẽ phải mua để sử dụng đường bộ chia theo loại 10 ngày - giá 10 euro và 60 ngày - giá 20 euro. Ông Dobrindt cũng cho biết, mức phí sẽ không vượt quá 100 euro/năm.
Ngoài ra, mức phí năm (chủ yếu được áp dụng với người bản địa) sẽ tùy thuộc vào dung tích động cơ và tuổi phương tiện. Sau khi loại phí này được áp dụng, người dân sẽ được đền bù bằng cách giảm thuế phương tiện giao thông hiện tại.
Dự tính, tổng cộng các loại thuế phí không vượt quá mức hiện hành. Chính phủ dự kiến áp dụng mức phí mới này từ tháng 1/2016.
Kể từ khi nước Đức thống nhất, trong hai thập kỷ qua tại Tây Đức, cầu và đường đã xuống cấp đến mức không thể sửa chữa được; trong khi hàng tỷ euro được chi ra để phát triển cơ sở hạ tầng khu vực Đông Đức.
Mức phí đề xuất trên là một trong những biện pháp nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và điều chỉnh sự bất bình đẳng mang tính vùng miền. Đây cũng chính là một phần trong thỏa thuận liên minh của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của Thủ tướng Đức Angela Merkel với Đảng trung tả Dân chủ Xã hội khi cùng thành lập Chính phủ vào tháng 11/2013.
Thủ tướng có giữ lời hứa?
Một trong những cuộc tranh luận diễn ra trong suốt quá trình vận động tranh cử của bà Merkel năm ngoái là của Đảng Liên minh xã hội Thiên chúa giáo với Dân chủ Thiên chúa giáo xung quanh việc họ muốn áp dụng thu phí trên đường cao tốc. Thủ tướng Merkel đã tuyên bố sẽ không bao giờ ủng hộ biện pháp này.
Về mặt kỹ thuật, bà Merkel đã giữ lời hứa của mình bởi vì loại phí dự kiến được áp dụng sắp tới sẽ thu đối với phương tiện lưu thông trên tất cả các loại đường sá chứ không chỉ là đường dân sinh hoặc đường cao tốc - vốn là hệ thống giao thông đường bộ được sử dụng nhiều và quan trọng đối với châu Âu.
Những người chỉ trích chính sách này cho rằng, đề xuất thu phí thể hiện sự phân biệt đối xử đối với người Ba Lan, Czech, Áo, Thụy Sĩ, Hà Lan cùng dân cư của những quốc gia láng giềng khác đang sống ở khu vực biên giới.
Bởi họ sẽ phải trả một khoản phí khi vào Đức để làm việc lặt vặt, bất chấp chuyện họ không đi vào đường cao tốc. Một số người khác cho rằng, ông Alexander Dobrindt sẽ phải đối mặt với sự cản trở từ phía EU xung quanh quyết định này.
Nước Đức sẽ bị ảnh hưởng nếu áp dụng loại phí “vào cửa” này. Rõ ràng đề xuất này sẽ là chủ đề tranh luận thường xuyên từ nay tới khi nó được trình lên Quốc hội thông qua. Những xung đột chính trị ngày càng bị xoáy sâu giữa Chính phủ liên bang và 16 tiểu bang vốn đang đòi hỏi phải được chia sẻ nguồn thu mới.
Ông Alexander Dobrindt không có ý kiến phản đối nhu cầu đó nhưng việc chia sẻ theo tỷ lệ thế nào chắc chắn cũng gây nhiều tranh cãi, đặc biệt giữa những tiểu bang có nhiều phương tiện giao thông nước ngoài hoạt động.
Các đảng viên của Đảng Xanh lại phản đối đề xuất này vì cho rằng những người lái xe ít vẫn phải nộp phí bằng với những người lái xe thường xuyên và sử dụng đường sá nhiều hơn.
Minh Khôi (Theo NYT)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận