Đức đã có sẵn quân tăng cường
Tuyên bố được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đưa ra khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây tăng cao liên quan tới vấn đề Ukraine.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Funke của Đức, bà Lambrecht cho biết, Đức đã có đóng góp quan trọng vào Lithuania qua việc dẫn đầu một nhóm chiến đấu của NATO.
“Về nguyên tắc, binh sĩ bổ sung đã có sẵn và chúng tôi đang trao đổi với Lithuania để tìm hiểu chính xác ý nghĩa của động thái này”, bà Lambrecht cho biết.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Christine Lambrecht gặp gỡ các binh sĩ khi tới thăm căn cứ quân sự Rukla ở Lithuania. Ảnh - Reuters
Lithuania nằm giáp vùng đất quan trọng chiến lược Kaliningrad của Nga. Tại đây, Moscow đã tăng cường các giải pháp quân sự sức mạnh, bao gồm trang bị thêm một hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào đầu tháng 10/2021.
Lithuania và nhiều nước Baltic ngày càng quan ngại nguy cơ chiến tranh khi Nga không ngừng củng cố quân sự tại biên giới với Ukraine.
Cách đây 1 ngày 5/2, hai quan chức Mỹ cho biết, Nga đã chuẩn bị khoảng 70% lực lượng chiến đấu cần thiết để có thể thực hiện cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Ukraine.
Để trấn an các đồng minh, thời gian gần đây, các cường quốc trong liên minh quân sự NATO liên tục điều quân tới các nước thành viên trong NATO.
Mới đây, Mỹ đã điều khoảng 3.000 quân bổ sung để tăng cường tới khu vực phía Đông của liên minh NATO như Ba Lan, Romania. Nhóm binh sĩ đầu tiên của Mỹ đã tới căn cứ quân sự Rzeszow tại Đông Nam Ba Lan từ hôm qua (5/2).
Kể từ khi bán đảo Crimea sáp nhập về Nga năm 2014, NATO cũng đã triển khai 4 đơn vị chiến đấu đa quốc gia với tổng cộng 5.000 quân tại Ba Lan, Lithuania, Latvia, Estonia. Các nhóm chiến đấu của NATO do Mỹ, Đức, Canada, Anh dẫn đầu có nhiệm vụ ngăn chặn một cuộc tấn công trong khu vực, câu giờ để quân tiếp viện NATO tới tiền tuyến.
Đức nhất quyết không cấp vũ khí cho Ukraine
Tuy nhiên, về vấn đề cấp vũ khí cho Ukraine, dù Đại sứ quán Ukraine tại Đức gửi một danh sách với nhiều yêu cầu đặc biệt tới các Bộ Ngoại giao và Quốc phòng ở Berlin nhưng bà Lambrecht một lần nữa nhấn mạnh Đức sẽ không cung cấp vũ khí cho Kiev.
Danh sách mà Ukraine đã gửi bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa, các công cụ phục vụ chiến tranh điện tử, kính nhìn ban đêm, radio kỹ thuật số và xe cứu thương quân sự. Tuy nhiên, đây là những thiết bị mà chính các lực lượng của Đức cũng đang thiếu hụt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận