Thời sự Quốc tế

Đức đã đưa ra quyết định chưa có tiền lệ từ khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra

27/04/2022, 07:00

Lần đầu tiên kể từ khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, Chính phủ Đức chấp thuận chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Kiev.

Ngày 26/4, phát biểu tại cuộc họp có sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng của 40 quốc gia tại căn cứ quân sự Ramstein của Mỹ tại Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết Chính phủ Berlin đã thông qua quyết định hỗ trợ các hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard cho Ukraine từ ngày 25/4.

Bà Lambrecht giải thích rằng Ukraine sẽ đặt hàng loại thiết bị này từ các công ty quân sự Đức và Chính phủ Đức sẽ thanh toán.

Hệ thống Gepard, không còn nằm trong biên chế của quân đội Đức từ năm 2010, vốn được thiết kế để đánh chặn tên lửa hành trình, máy bay cũng như có thể nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất.

img

Hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard

Hãng RT đưa tin khoảng 50 hệ thống Gepard sẽ có thể được chuyển giao cho Ukraine.

Theo một hãng tin của Đức, công ty quốc phòng Krauss-Maffei Wegmann sẽ tân trang các hệ thống Gepard trước khi chuyển giao cho Kiev. Tuy nhiên, hiện chưa rõ thời điểm Kiev có thể được bàn giao các hệ thống phòng không này.

Tại cuộc họp ngày 26/4, bà Lambrecht cũng cho biết Đức đã đề xuất một chương trình hoán đổi vũ khí với các đối tác ở Đông Âu nhằm đảm bảo Ukraine có thể nhanh chóng nhận được các vũ khí hạng nặng cần thiết mà không mất nhiều thời gian huấn luyện.

Ngoài ra, Đức sẽ hợp tác với Mỹ và Hà Lan trong việc huấn luyện các lực lượng Ukraine sử dụng nhiều loại hệ thống pháo trên lãnh thổ Đức.

Hồi đầu tháng, một vài hãng tin Đức cho biết nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức đang đợi được chính quyền cho phép bán 88 xe tăng Leopard đã loại khỏi biên chế của quân đội Đức, cùng nhiều loại đạn dược, các bộ phận, phụ tùng và công cụ khác cho Ukraine.

Động thái trên của Đức được đưa ra trong bối cảnh chính phủ nước này chịu nhiều áp lực từ trong và ngoài nước về việc không hỗ trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine và chần chừ đưa ra nhiều biện pháp khác để hỗ trợ Kiev trước chiến dịch quân sự của Moscow.

Về phần mình, Nga đã nhiều lần phản đối việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) viện trợ vũ khí cho Ukraine, cho rằng động thái này chỉ khiến tình hình thêm bất ổn và cản trở quá trình đàm phán hòa bình.

Nga cũng cảnh báo vũ khí phương Tây chuyển giao cho Kiev sẽ được coi là mục tiêu hợp pháp của các lực lượng Nga sau khi được đưa vào lãnh thổ Ukraine.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.