Người dân Đức biểu tình phản đối xe diesel trước trụ sở Bộ Giao thông |
Đức, cường quốc của xe diesel, sẽ gặp khó khăn khi một loạt các nước châu Âu như: Anh, Pháp, Tây Ban Nha... đang xác định lộ trình “nói không với xe diesel” để bảo vệ môi trường, tuân thủ lộ trình chấm dứt xe cộ phát thải.
Hội nghị thượng đỉnh xe diesel
Hiện nay, đã có nhiều nước như: Anh, Pháp muốn chấm dứt bán ô tô diesel. Hai thành phố Madrid (Tây Ban Nha) và Athens (Hy Lạp) trên đường cấm hoàn toàn xe diesel. Nhiều hãng sản xuất ô tô như Volvo đang chuyển đổi hẳn sang sản xuất xe điện. Bởi các nước/thành phố này coi xe diesel là nguồn phát thải, gây ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Với Đức, làn sóng chuyển đổi trên đang đẩy nước này vào tình trạng khẩn cấp quốc gia và Chính phủ Đức cùng các hãng sản xuất ô tô diesel vẫn đang tìm cách để cứu vãn loại xe này. Trước đó, khoảng đầu tháng 8, chính phủ cùng các hãng sản xuất ô tô ở Đức đã tổ chức một cuộc họp được coi là “Hội nghị thượng đỉnh xe diesel”.
Tại đây, họ đã thông báo kế hoạch nâng cấp phần mềm quản lý khí thải trên 5 triệu ô tô nhằm giảm phát thải khí NO gây nguy hiểm tới sức khỏe con người. Giới chức và giám đốc điều hành các hãng sản xuất xe hơi gần như đều bác bỏ những lời kêu gọi buộc các hãng sản xuất ô tô phải thêm phần cứng chống ô nhiễm như bộ chuyển đổi xúc tác (catalytic converter) từ các nhóm hoạt động vì môi trường do chi phí vô cùng đắt đỏ.
Chính phủ và các hãng sản xuất cũng đồng thuận bác bỏ các kế hoạch cấm xe điện tại một số thành phố ở khu vực trung tâm. Tại hội nghị, các nhà sản xuất ô tô Đức tỏ thiện chí, muốn đóng góp vào một quỹ trị giá 500 triệu euro (tương đương 590 triệu USD) cho mục đích giảm tác hại ô nhiễm môi trường đô thị bằng việc hiện đại hóa dàn xe buýt hoặc xây đường dành riêng cho xe đạp.
Trong một thông báo, Giám đốc điều hành BMW, ông Harald Kruger cho biết: “Phương thức vận tải tương lai chắc chắn cũng sẽ phụ thuộc vào xe diesel công nghệ mới”. Hãng này đang có chương trình hỗ trợ khoảng 2.000 euro cho bất cứ ai bán xe diesel cũ để mua xe lai điện/xe điện BMW - hoặc xe diesel mới đáp ứng tiêu chuẩn khí thải hiện nay. Volkswagen cùng các nhà sản xuất ô tô khác cũng đang đưa ra khuyến mại tương tự.
Dư luận Đức và các nhà hoạt động môi trường không nghĩ vậy. Không ít chủ xe và nhà hoạt động môi trường cho rằng, chỉ nâng cấp phần mềm kiểm soát khí thải sẽ không tạo đột phá. Dư luận Đức đã xuất hiện dấu hiệu tức giận về những vấn đề phát sinh từ xe diesel khi đầu tháng 8, hàng chục người biểu tình kéo tới bên ngoài Bộ Giao thông Đức nơi diễn ra Hội nghị xe diesel trên. Các nhà hoạt động từ quỹ từ thiện vì môi trường Greenpeace treo nhiều banner dọc khu vực mặt tiền của Bộ Giao thông Đức với nội dung “Chào mừng Fort NOX”, viết tắt của khí nitrogen oxides thải ra từ xe diesel.
Xe diesel đang trở thành nỗi trăn trở của Đức |
Nỗi trăn trở của cả chính phủ mới và cũ
Các chuyên gia nhận định, hội nghị này cùng những động thái khuyến khích đổi xe, nâng cấp phần mềm cho thấy lãnh đạo Đức và các Giám đốc điều hành các công ty ô tô đang nỗ lực để kiềm chế khủng hoảng niềm tin đe dọa ngành công nghiệp quan trọng, thậm chí là bản sắc của Đức, trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng tới.
Lãnh đạo đảng đối lập Green Party, ông Oliver Krischer cho biết: “Sự thân thiết của Chính phủ Đức với các hãng sản xuất xe hơi sẽ vẫn kéo dài. Trong khi Trung Quốc, bang California (Mỹ), Nauy và nhiều nước khác trên thế giới chuyển sang điện hóa ngành vận tải thì Chính phủ Đức lại biến nước này thành bảo tàng xe diesel”.
Thực tế, chuyện một số hãng xe lớn của Đức gian lận kết quả khí thải là rõ ràng nhưng cách xử lý của Đức cho đến nay vẫn nương nhẹ doanh nghiệp. Sở dĩ, Berlin phải xử lý như vậy vì ngành sản xuất ô tô, nhất là xe diesel được đánh giá là “con cưng” của Chính phủ Đức khi giúp tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người, góp phần tạo nên hình ảnh, vị thế và uy tín cho nước Đức.
Mặt khác, xét trên tình hình thực tế của Đức, có thể thấy, việc chuyển sang dùng xe hơi chạy điện chưa chắc giúp môi trường Đức trong sạch hơn. Vấn đề nằm ở chỗ, 45% sản lượng điện của Đức là từ nhiệt điện và đốt than để chạy máy phát điện là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, bộ pin của xe hơi chạy điện cũng là nguồn gây ô nhiễm chứ hoàn toàn không.
Trong khi đó, các nước dựa vào điện nguyên tử như Pháp và Bỉ ủng hộ xu hướng bỏ động cơ đốt trong để chuyển sang xe hơi chạy điện và coi đây là tương lai của công nghiệp xe hơi. Dù là Chính phủ Đức đương nhiệm hay chính phủ mới sau bầu cử vào tháng 9 có lẽ đều phải tìm cách cân đối giữa sức ép phải bảo vệ môi trường, nhu cầu tạo công ăn việc làm, lợi ích của doanh nghiệp trong khi vẫn bảo đảm nguồn thu từ thuế kinh doanh và từ hoạt động xuất khẩu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận