Đồn cảnh sát liên bang tại TP. Hanover |
Hành hạ người tị nạn
Mới đây, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội Đức có nhiều diễn đàn bàn tán về những dòng tin nhắn: "Tao vừa đập cho nó một trận"; "Nó hét lên như lợn rống"; "Thằng khốn đó ăn hết chỗ thịt lợn thối còn trong tủ lạnh. Nằm bò trên sàn mà ăn"... do cảnh sát tên Torsten S. gửi tới đồng nghiệp qua dịch vụ nhắn tin Whatsapp, kể lại những hành vi hắn đối xử với hai người đàn ông tị nạn - một người Afghanistan, một người Moroccan tại đồn cảnh sát ở TP. Hanover, bang Lower Saxony phía Bắc nước Đức.
Đài truyền hình Đức Norddeutscher Rundfunk chính là cơ quan đầu tiên phơi bày vụ bê bối này sau khi hai đồng nghiệp của Thorsten S. làm đơn tố cáo lên văn phòng công tố hôm 7/5 vừa qua. Từ những bằng chứng hai người này cung cấp, đài truyền hình Norddeutscher Rundfunk đã đăng tải những đoạn tin nhắn rùng rợn trên cùng với hình ảnh một trong hai nạn nhân nằm trên sàn, tay bị trói, mặt be bét máu.
Sau khi đơn tố cáo được nộp lên, tòa án địa phương quyết định cấp lệnh khám xét nhà viên cảnh sát Thorsten S. với lý do nghi ngờ người này gây tổn hại tới thân thể người khác trong khi đang làm nhiệm vụ.
Tổ chức Nhân đạo quốc tế cho rằng đây là những hành động tra tấn dã man. Không ai ngờ rằng những hành động tra tấn chỉ có trong nhà tù Abu Ghraib lại diễn ra tại đồn cảnh sát ở bang Lower Saxony giữa năm 2015.
Bắt đồng nghiệp đưa “của quý” vào miệng
Tháng 8/2013, Torsten S. còn bị nghi ngờ dí súng vào đầu đồng nghiệp, bắt đưa "của quý" của hắn vào miệng. Sau khi điều tra, Torsten S. bị cáo buộc hiếp dâm. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn với tờ SPIEGEL, hắn chối bỏ tất cả, cho rằng, những cáo buộc đó "phóng đại sự thật".
Không rõ vì sao những cáo buộc này mãi vẫn chưa được làm sáng tỏ và tại sao đồng nghiệp của Torsten S. lại im lặng không tố cáo sự việc suốt mấy tháng trời.
Liên đoàn cảnh sát Đức cho rằng, những cáo buộc trên cần phải được điều tra nghiêm túc. Tuy nhiên, họ khẳng định đó chỉ là trường hợp hy hữu. Dù vậy, theo báo SPIEGEL (Đức), "lý thông" trong ngành cảnh sát nước này có mặt khắp mọi nơi.
Đạo đức cảnh sát Đức đang xuống dốc
Để làm sáng tỏ sự việc, sáng ngày 19/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức - Thomas de Maizière đã triệu tập người đứng đầu Lực lượng Cảnh sát Liên bang Đức - Dieter Romann lên Bộ để giải trình liên quan tới những sự việc trên. Ngay sau đó, ông Romann đã lập tức tới Hanover để thị sát đồn cảnh sát nơi xảy ra các vụ tấn công vừa qua và hứa hẹn sẽ giải quyết tận gốc sự việc.
Ngày 20/5, ông Romann đọc những cáo buộc đối với Torsten S. trước Uỷ ban Nội vụ Quốc hội Đức và cho biết, ông hiểu mức độ nghiêm trọng của sự việc này. Tuy nhiên, ông Romann cũng bày tỏ không hài lòng với hai nhân viên cảnh sát vì để vài tháng mới đưa sự việc ra ánh sáng. Một đội điều tra gồm 8 người đã được thành lập để điều tra những sự việc trên.
Mặc dù sự việc chưa được làm sáng tỏ nhưng nhiều chính trị gia người Đức cho rằng người dân Đức đã mất lòng tin vào cảnh sát. Ông Frank Tempel, thành viên đảng cánh hữu trong Quốc hội Đức cho rằng: “Hình ảnh của cảnh sát liên bang Đức đã bị huỷ hoại”.
Nhà tội phạm học Rafael Behr đang tìm hiểu văn hoá cảnh sát khoảng 20 năm nay cho biết, môi trường trong nhiều đồn cảnh sát nước Đức ẩn chứa nhiều bí mật. Trong đó tồn tại một quy luật, nếu có cảnh sát vượt giới hạn sẽ có những cảnh sát khác bao che. Đó là lý do vì sao chỉ một phần nhỏ trong số 2.000 vụ điều tra cảnh sát lạm dụng bạo lực bị đưa ra toà.
“Không bao giờ được bán đứng đồng nghiệp, đó là quy luật sắt trong lực lượng cảnh sát Đức" - ông Behr nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận