Ngày 20/10, trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS, Nghị sĩ Đức Steffen Kotre thuộc đảng "Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức", thành viên Ủy ban Quốc hội Đức về bảo vệ năng lượng và khí hậu nhận định: "Khí đốt Nga mang lại lợi nhuận và thân thiện với môi trường. Trong khi nguồn cung hiện tại, chủ yếu là khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Mỹ thì không".
Theo nghị sĩ Steffen Kotre, Đức đang phải trả nhiều hơn "ba đến bốn lần" cho nguồn cung khí đốt, dù khí đốt được khai thác bằng phương pháp fracking (còn được biết là phương pháp phá vỡ bằng thủy lực) của Mỹ không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường của Đức.
Trong một chia sẻ khác với hãng tin TASS, nghị sĩ Steffen Kotre cho rằng Đức cần sử dụng chuỗi còn lại của Nord Stream 2 để nhận khí đốt từ Nga.
Trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định nước này đã tìm cách thay thế các nhà cung cấp khí đốt từ Nga và có thể tự hào về thành tựu này, nhà lập pháp Đức lại cho rằng, điều này lại gây tổn hại không nhỏ cho các công ty và người tiêu dùng tư nhân.
Ông chỉ ra: "Giá khí đốt tăng gấp đôi dẫn đến quá trình phi công nghiệp hóa ở Đức. Để đảm bảo khả năng cạnh tranh, Đức cần đồng ý mua khí đốt trên chuỗi đường ống còn lại của Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream)".
Tính đến nay, hệ thống Nord Stream 2 - một dự án dẫn khí đốt từ Nga sang Đức đã hoàn thành từ lâu nhưng cuối cùng vẫn chưa được Đức chứng nhận do đó không thể sử dụng.
Trước đây, Đức vốn nhập 40% khí đốt tiêu thụ từ Nga trước năm 2022 và là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc Nga cắt giảm nguồn cung năng lượng từ năm ngoái.
Tuy nhiên, nguồn năng lượng Nga cung cấp cho Đức bị giảm đáng kể hoặc bị dừng lại hoàn toàn sau khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga do xung đột ở Ukraine.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận