Nhiều ca cúm mùa biến chứng nặng
Dù đã được điều trị tích cực bằng các kỹ thuật hiện đại song tiên lượng sống của bệnh nhân L.Đ.C. (nam, 64 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội) rất dè dặt. Trước đó, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại BV Bạch Mai trong tình trạng khó thở, ý thức chậm, đã được đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp.
Theo người nhà, trước khi nhập viện, bệnh nhân có đủ dấu hiệu cảm cúm, sốt cao liên tục, ho khan, khó thở kèm tức ngực. Đi khám tại tuyến cơ sở, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi, kê đơn điều trị nhưng tình trạng không cải thiện.
Cũng tại Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân nam 48 tuổi (Ứng Hòa, Hà Nội) với biến chứng suy đa phủ tạng và nhanh chóng rơi vào nguy kịch. Các bác sĩ buộc phải cho chạy hệ thống tim phổi nhân tạo, lọc máu và thở máy để giữ tính mạng bệnh nhân. Trước nhập viện, bệnh nhân này cũng có đủ các dấu hiệu của cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt, nhức mỏi toàn thân.
Kết quả xét nghiệm hai bệnh nhân trên đều cho kết quả dương tính với virus cúm A/H1N1 (hay còn gọi là cúm mùa).
Tại Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư, số bệnh nhi nằm điều trị với biến chứng nặng nề như viêm phổi, viêm não do nhiễm virus cúm gây nên cũng khoảng 30 trẻ.
Theo BS. Nguyễn Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, đang là mùa đông xuân với độ ẩm, nhiệt độ rất thuận lợi cho các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển. Biểu hiện chung khi mắc bệnh cúm là sốt cao, có thể sốt cao liên tục 39-40 độ C và không đáp ứng thuốc hạ sốt, viêm long đường hô hấp trên như: Chảy nước mũi, ho, trẻ lớn đau rát họng. Đặc biệt, khi khám thấy họng viêm đỏ rất rõ, một số trẻ có viêm phế quản. Biến chứng hay gặp nhất của cúm A là viêm phổi suy hô hấp, nặng hơn là viêm cơ tim, ngoài ra hiếm gặp là viêm màng não do virus. Các bác sĩ chỉ có thể xác định bệnh bằng xét nghiệm dịch mũi họng.
“Do đó, khi trẻ có các dấu hiệu như sốt cao đột ngột trên 38 độ C, không giảm, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nôn trớ nhiều, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con tới các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời”, ông Hải khuyến cáo.
Theo PGS. TS. Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, cúm mùa (A/H1N1) là loại cúm thường gặp ở Việt Nam, do virus gây ra và lây truyền qua đường hô hấp. Đa số các trường hợp cúm mùa sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nặng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. Đặc biệt là những trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ...
Nguy cơ bùng phát bệnh sởi
Tại Khoa nội A BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, lượng bệnh nhân mắc sởi khá đông. Đặc biệt, sau Tết lượng người có bầu mắc sởi liên tục tăng khiến bệnh viện phải bố trí thêm một phòng để cách ly và điều trị cho bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân sởi đều chưa tiêm phòng sởi.
Thông tin mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay tổng số ca mắc sởi lên tới gần 120, phân bố rải rác ở 23 quận, huyện, chưa có ổ dịch lớn. Tuy nhiên, ngành y tế nhận định, giai đoạn chuyển mùa hiện nay với thời tiết mưa ẩm là điều kiện rất thuận lợi để các bệnh về hô hấp như sởi, ho gà, cúm, thủy đậu phát triển mạnh. Nhất là bệnh sởi, rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người.
Ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, các ca mắc sởi, phát ban nghi sởi tiếp tục được ghi nhận trong các ngày nghỉ Tết vừa qua là 664 trường hợp, rải rác tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trước đó, trong năm 2018 ghi nhận 9.741 ca sốt phát ban nghi sởi, 1.963 ca dương tính với sởi. Số ca mắc sởi bắt đầu tăng cao từ các tháng cuối năm 2018. “Nếu không tiêm chủng đầy đủ, sởi sẽ bùng phát thành dịch trong bối cảnh lưu lượng người đi lại lớn có thể mang theo mầm bệnh và bệnh dịch này cũng đang tăng cao tại nhiều quốc gia”, ông Tấn nhấn mạnh.
Ông Tấn cũng dẫn chứng thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, dịch sởi đang gia tăng trên toàn cầu và đang được cân nhắc như “một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng”. “Mọi người không nên chủ quan, để phòng bệnh cần chủ động tiêm vaccine sởi cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi mũi tiêm vaccine sởi 1, khi trẻ đủ 18 tháng tuổi cần tiêm nhắc lại vaccine sởi mũi 2. Đối với các trẻ trên 5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi và kể cả người lớn chưa bị mắc bệnh sởi, phụ nữ chuẩn bị mang thai trước 3 tháng, cần được tư vấn tiêm bổ sung vaccine sởi để phòng bệnh cho cá nhân, cộng đồng”, ông Tấn khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận