Câu chuyện về những người “mất Tết” chỉ vì một lon bia, một số kẻ mặt đỏ au tự xưng có “thế lực ngầm” bị trừng trị thẳng tay tại các chốt cơ động lan truyền với tốc độ chóng mặt. Từ cơ quan công sở đến hàng quán vỉa hè, đâu đâu cũng bàn luận rôm rả về nghị định mới, về nồng độ cồn.
Ngay tại trường đào tạo lái xe nơi tôi công tác, thời gian trước, sau giờ học lái là cả thầy và trò lại tranh thủ “trà tam tửu tứ”, nhưng một tuần nay, mọi người tuyệt nhiên không đàn đúm, rủ rê, ai bàn đến chuyện nhậu nhẹt là lập tức có người nhắc nhở về mức phạt cao ngất ngưởng.
Nói thế để thấy rằng, chế tài mới được Chính phủ ban hành và sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng trên cả nước đang tạo được một hiệu ứng lan tỏa khủng khiếp, nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Ai cũng kỳ vọng rằng đây sẽ là “lá chắn thép” đẩy lùi những tai nạn thảm khốc liên quan đến rượu, bia, để người vô tội không phải nằm xuống một cách oan uổng trên đường, gây hoang mang trong xã hội.
Nhiều người cho rằng mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn là quá nặng, có thể ảnh hưởng lớn đến kinh tế của các gia đình. Song, nhìn thẳng vào thực tế, mức tiền phạt là 40 triệu đồng hoặc hơn thế chỉ có giá trị rất nhỏ đối với mất mát kinh tế và tinh thần mà gia đình các nạn nhân tử vong hoặc tàn tật suốt đời vì TNGT do ma men gây ra.
Vì vậy, chủ trương đưa nồng độ cồn cho phép về zero khi điều khiển phương tiện, đánh thẳng vào “túi tiền”, tước quyền điều khiển phương tiện (tước GPLX) ngay khi phát hiện lái xe có dấu hiệu say xỉn là vô cùng đúng đắn, là biện pháp kịp thời ngăn chặn “máu và nước mắt”. Thực tế đang chứng minh, hình thức phạt càng tăng nặng, người dân sẽ càng ý thức và tự điều chỉnh hành vi của mình theo hướng tích cực.
Song, khi sự ủng hộ của người dân với chính sách, chế tài lên cao, đồng nghĩa sự vào cuộc của cơ quan chức năng phải thường xuyên, liên tục. Nếu việc xử lý chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”, “đầu voi đuôi chuột”, tổ chức ra quân rầm rộ rồi sau một thời gian lại “thỏa hiệp” giữa người xử lý và người bị xử lý thì niềm tin trong dân sẽ mất như bài học xử lý xe quá tải trong quá khứ.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, để pháp luật được nghiêm minh, cơ quan chức năng cần sớm bổ sung quyền thực thi cho lực lượng làm nhiệm vụ trên đường (ví dụ như được tạm giữ những người say rượu, bia đến khi tỉnh táo). Không thể để tái diễn tình trạng CSGT đứng giữa đường nói lý lẽ với một kẻ say xỉn, tâm lý, nhận thức bị kích động bởi rượu, bia đến 2-3 tiếng không lập được biên bản xử lý.
Nếu không có chính sách bổ sung để lực lượng thực thi tại hiện trường mạnh tay áp chế những lái xe ngoan cố, bất chấp hiệu lệnh thì hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ không được tối ưu, những “con sâu rượu” khác trên đường vẫn “nhờn luật” và tiếp tục lạng lách, đánh võng, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông xung quanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận