Vận tải

Đừng để bến xe độc quyền nâng giá vô tội vạ

29/06/2020, 08:05

Công ty CP Bến xe tàu phà Cần Thơ tự ý tăng giá, "đẻ" ra giá hàng loạt dịch vụ ra vào bến để tận thu của doanh nghiệp vận tải gây nhiều bức xúc.

img
Bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ - nơi bị các doanh nghiệp phản ánh có nhiều khoản thu bất hợp lý. Ảnh: Lê An

Tuy nhiên, cơ quan quản lý về giá lại trả lời thiếu thuyết phục. Nhiều người lo ngại với cách quản lý đó, nếu bến xe “bắt tay” với công chức Nhà nước sẽ đẩy doanh nghiệp hoặc phải bỏ bến chạy dù, hoặc sẽ phá sản...

Nhiều khoản thu chưa có quy định

Đầu tháng 6 vừa qua, Báo Giao thông đăng bài “Ai tiếp tay cho Bến xe Cần Thơ “vẽ” nhiều khoản thu vô lý?”, phản ánh việc Bến xe trung tâm TP Cần Thơ đặt ra nhiều khoản phí vô lý với mức thu cao ngất ngưởng.

Mặc dù vậy, lãnh đạo Công ty CP Bến xe tàu phà Cần Thơ (đơn vị quản lý và khai thác bến xe) vẫn cho rằng mình làm đúng theo Thông tư liên tịch 152, Quyết định 542 của UBND TP Cần Thơ.

Liên quan đến vấn đề trên, mới đây Sở Tài chính TP Cần Thơ đã có báo cáo gửi UBND TP.

Về phản ánh nhiều khoản thu “lạ” như phản ánh, Sở Tài chính TP Cần Thơ cho rằng, Công ty CP Bến xe tàu phà Cần Thơ đã ban hành đúng theo Thông tư liên tịch 152.

Về giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, báo cáo của Sở Tài chính TP Cần Thơ trích dẫn Khoản 2, Điều 5 của Thông tư liên tịch 152: “...Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ GTVT” và thừa nhận hiện chưa thấy văn bản nào của Bộ GTVT quy định cụ thể về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ là bao gồm những lại dịch vụ nào.

Điều này chứng tỏ các khoản thu “dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ” mà Bến xe trung tâm TP Cần Thơ đang thực hiện là không đúng, vì chưa được Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn.

Chính vì vậy, Sở Tài chính TP Cần Thơ đã đề gnhị Sở GTVT TP Cần Thơ rà soát các tiêu chí theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách loại 1. Trường hợp thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh bến xe thì tập hợp chung vào chi phí giá dịch vụ xe ra vào bến xe ô tô.

Đồng thời, đề nghị Công ty CP Bến xe tàu phà Cần Thơ thống kê toàn bộ các khoản thu dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ kể cả dự kiến thu gửi về Sở GTVT TP tổng hợp để tham mưu kiến nghị Bộ GTVT ban hành danh mục dịch vụ khác tại bến xe để làm cơ sở thực hiện.

“Ngụy biện” cho việc tận thu?

Theo báo cáo của Sở Tài chính, qua làm việc giữa Công ty CP Bến xe tàu phà Cần Thơ và doanh nghiệp vận tải, Công ty CP Bến xe tàu phà Cần Thơ khẳng định sẽ thương lượng, giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp vận tải phản ánh.

Theo đó, đối với một số dịch vụ, nếu doanh nghiệp vận tải không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì bến xe sẽ không thu giá dịch vụ nữa.

Mặc dù vậy, việc giải quyết các vấn đề doanh nghiệp phản ánh của Công ty CP Bến xe tàu phà Cần Thơ không làm giảm bớt sự hoài nghi về việc đơn vị này đang ra sức “ngụy biện” cho việc tận thu của mình.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Sở Tài chính TP Cần Thơ yêu cầu báo cáo các loại giá dịch vụ tại Bến xe trung tâm TP Cần Thơ như báo chí phản ánh.
Đồng thời, đề nghị Sở Tài chính, Sở GTVT Cần Thơ có văn bản báo cáo việc xử lý kiến nghị của Công ty CP Xe khách Phương Trang gửi Bộ Tài chính, Bộ GTVT để tổng hợp trả lời kiến nghị của đơn vị.


Liên quan đến các khoản thu “dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ” tại Bến xe trung tâm TP Cần Thơ, ông Văn Công Điểm, Phó tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines cho rằng, đây là các khoản thu “phí chồng lên phí”.

Bản thân Công ty Phương Trang cũng là một nhà đầu tư bến xe khách tại tỉnh Lâm Đồng. Các nhà xe hoạt động tại đây chỉ đóng duy nhất một loại phí là giá dịch vụ xe ra vào bến.

Khi tính toán để đề xuất mức phí này, nhà đầu tư đã đưa tất cả các chi phí phát sinh trong quá trình bến xe hoạt động để đề xuất mức phí cho UBND tỉnh quyết định.

Đối với Bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ, căn cứ vào Tờ trình số 4004 ngày 5/12/2018 về việc quy định giá dịch vụ xe ra vào bến của Sở Tài chính TP Cần Thơ thì chi phí vận chuyển, thu gom rác thải, an ninh trật tự... đã được tính toán đưa vào giá dịch vụ xe ra vào bến. Hiện, mỗi xe của Phương Trang đang phải đóng hơn 500.000 đồng/xe/chuyến với 6 loại phí khác nhau.

Cũng theo tờ trình, toàn bộ chi phí kinh doanh của Bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ đã được Sở Tài chính thẩm định là 22,6 tỉ đồng/năm bao gồm lợi nhuận 10%.

Tuy nhiên, năm 2019, chỉ riêng Công ty Phương Trang đã đóng cho Bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ hơn 23,4 tỉ đồng, chưa tính nguồn thu từ hàng chục đơn vị vận tải khác đang hoạt động tại đây.

Điều đó chứng tỏ Bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ hoạt động có lãi lớn, nay lại tăng giá hàng loạt dịch vụ để “rút ruột” chính các khách hàng của mình. Điều này là không thể chấp nhận được với một đơn vị độc quyền kinh doanh bến xe.

So sánh với nơi khác, cũng là đơn vị đầu tư và quản lý Bến xe Thượng Lý (Hải Phòng), ông Lưu Thành Đông, Tổng giám đốc Công ty CP Kim khí Hải Phòng cho biết, tuy công suất bến mới đạt khoảng 20% nhưng bến xe vẫn chia sẻ với doanh nghiệp vận tải.

Hiện, giá dịch vụ ra vào bến vẫn là 100.000/chuyến xe 45 chỗ đã bao gồm tất cả các loại phí khác. Doanh nghiệp cũng khai thác tại bến xe Nước Ngầm (Hà Nội), giá ra vào bến của bến xe này chỉ thu 220.000 đồng/chuyến xe 45 chỗ.

“Hay bến xe Yên Nghĩa cũng chỉ thu 176.000 đồng cho loại xe tương tự. Nếu tính đúng, tính đủ theo tỷ suất đầu tư bến thì giá ra vào bến lên đến trên 200.000 đồng”, ông Đông thông tin.

Cần bỏ các khoản thu bất hợp lý

Trước thực tế trên, Công ty Phương Trang kiến nghị Sở Tài chính và Sở GTVT Cần Thơ rà soát, điều chỉnh lại mức giá dịch vụ xe ra vào bến tại Bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ cho phù hợp. Đồng thời rà soát, kiểm tra các khoản thu phi lý mà công ty này đã đặt ra.

Cùng chung bức xúc, đại diện Công ty TNHH Thương mại vận tải Tuấn Hưng (nhà xe Tuấn Hưng) cho biết: “Khi ký hợp đồng, dù biết rằng bất hợp lý nhưng các nhà xe bắt buộc phải ký vì nếu không sẽ chẳng còn bến xe nào khác để vào”.

Ông Lưu Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ cho biết, đã đề nghị Công ty CP Bến xe tàu phà Cần Thơ cần phải chia sẻ khó khăn với các đơn vị kinh doanh vận tải trong bối cảnh họ đã bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch Covid-19.

Cùng từ góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát nhìn nhận, xét về góc độ đạo đức kinh doanh thì doanh nghiệp bến xe đang trục lợi chính sách. Bến xe thu mức phí ra vào bến cao bất hợp lý không khác nào đang bức tử doanh nghiệp vận tải.

“Việc đẩy quản lý giá dịch vụ cho UBND tỉnh quyết định sẽ không tránh khỏi tình trạng doanh nghiệp bến xe sẽ “chạy” chính sách, bắt tay nâng giá”, ông Bằng nói.

Đồng quan điểm, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho rằng, cơ chế hiện nay đang giúp bến xe chỉ việc “ăn sẵn”. Việc doanh nghiệp bến xe tự xây dựng mức giá dịch vụ, sau đó trình Sở Tài chính thẩm định thì rất dễ nảy sinh việc xin - cho cơ chế giá”.

Ông Trần Quang Bình (Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN):
Chỉ được quy định giá dịch vụ xe ra, vào bến

Luật GTĐB năm 2008 quy định rõ UBND cấp tỉnh căn cứ vào loại bến xe ô tô để quy định giá dịch vụ xe ra, vào bến. Luật chỉ giao UBND cấp tỉnh quy định duy nhất một loại giá này.

Các loại giá dịch vụ khác trong bến là do thỏa thuận giữa doanh nghiệp vận tải và bến xe, doanh nghiệp vận tải có quyền từ chối dịch vụ nếu giá quá cao.

Thông tư liên tịch 152 của Bộ GTVT và Bộ Tài chính dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Tuy nhiên, hiện mỗi địa phương lại xây dựng mức thu giá, phí khác nhau.

Việc bến xe tính giá và thu có đúng hay không cần căn cứ vào quyết định của UBND tỉnh cho phép thu thế nào, thu những nội dung gì. Nếu doanh nghiệp thấy không hợp lý có thể làm đơn kiến nghị UBND cấp tỉnh.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:
Không để “phép vua thua lệ làng”

Cả doanh nghiệp bến xe và cơ quan quản lý nhà nước không được tùy tiện quy định đối với các loại phí, giá có tính chất độc quyền mà phải được xây dựng trên những nguyên tắc nhất định.

Cũng giống như các dự án BOT, không thể nói tôi đầu tư rồi có quyền thu giá nào cũng được, mà giá thu phải được cơ quan chức năng quyết định.

Nếu tỉnh khoán trắng để cho doanh nghiệp tùy tiện thu nhiều loại giá, phí cao là vô lý, là buông lỏng quản lý. Điều này dẫn đến hậu quả sẽ phá vỡ môi trường đầu tư, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và trực tiếp là lợi ích của người dân.

Phí và lệ phí cũng như xác định giá đều có nguyên tắc tính toán rất cụ thể. Trong câu chuyện này tôi cho rằng, không loại trừ doanh nghiệp bến xe đã có sự móc nối với cơ quan có thẩm quyền để “bắt tay” nâng giá.

Vì vậy, cần phải kiểm toán xem việc thu chi có đúng nguyên tắc hay không. Không thể để “phép vua thua lệ làng”, muốn làm gì cũng được.

Ông Nguyễn Văn Thanh (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN):
Tránh việc “bắt tay” nâng giá, tận thu

Doanh nghiệp bến xe sẽ không bao giờ tự nguyện giảm giá phí. Nếu thấy bất hợp lý, các doanh nghiệp vận tải cần làm văn bản kiến nghị lên UBND tỉnh để điều chỉnh.

Suất đầu tư của mỗi bến xe và phí ra vào bến mỗi tỉnh có sự khác nhau, đây là trách nhiệm của cơ quan quyết định giá, phí. Cần tránh tình trạng các cơ quan trong cùng một tỉnh cùng bắt tay tăng giá và tận thu khoản phí vô tội vạ.

PV (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.