Vận tải

Đừng để buýt nhanh BRT chậm như... buýt thường

05/06/2019, 06:50

Khi để các phương tiện chạy trên làn BRT làm ảnh hưởng tốc độ của buýt nhanh, làm buýt nhanh trở thành buýt thường, người dân sẽ không mặn mà.

img
Xe buýt nhanh liên tục bị “lụt” trên làn đường riêng khiến nhiều hành khách không còn mặn mà

Sở GTVT Hà Nội vừa phê duyệt phương án tăng tần suất hoạt động của xe buýt nhanh BRT. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, nếu không xử lý được việc lấn làn, thì buýt nhanh khó đảm bảo yếu tố “nhanh” và hút được hành khách,...

Xe buýt nhanh tốc độ như… buýt thường

Sau khi được Sở GTVT Hà Nội chấp thuận tăng tần suất tuyến buýt nhanh 01 Yên Nghĩa - Kim Mã, Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT đã thực hiện phương án tăng tần suất tuyến buýt nhanh BRT vào các khung giờ cao điểm.

Theo đó, buýt nhanh được tăng tần suất hoạt động trong các ngày từ thứ hai đến thứ bảy. Số chuyến tăng được phân bổ theo khung giờ cao điểm: Sáng tăng 8 lượt và chiều tăng 12 lượt. Trong thời gian từ thứ hai đến thứ bảy, số lượng chuyến xe buýt BRT hoạt động sẽ được nâng lên mức 378 lượt xe/ngày, với ngày chủ nhật là 264 lượt/ngày.

Đơn vị vận hành cho biết, việc tăng tần suất buýt BRT để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân, đặc biệt là trong giờ cao điểm, có những khung giờ lượng khách lên đến 120 người/chuyến.

PV Báo Giao thông trực tiếp “mục sở thị” tuyến buýt nhanh 01 trên cả hai chiều từ BX Yên Nghĩa đến điểm cuối BX Kim Mã và ngược lại. Lúc 7h36 ngày 30/5, PV bắt đầu lên tuyến xe buýt nhanh BKS 29B - 148.08, khởi hành ở BX Yên Nghĩa. Dù trong khung giờ cao điểm nhưng trên xe chỉ có 7 hành khách, chủ yếu là sinh viên. Xe phải trải qua nhà chờ thứ 6 - Mỗ Lao, lượng khách mới lên khoảng 30 người. Con số này thấp hơn nhiều mức trung bình trên một lượt xe BRT mà cơ quan chức năng công bố.

Đáng nói hơn, buýt nhanh dù có làn đường riêng, nhưng vừa đi từ BX Yên Nghĩa ra tiếp cận nhà chờ Ba La đã có hàng trăm phương tiện bủa vây, lấn làn BRT, khiến tốc độ di chuyển của buýt nhanh liên tục bị chậm lại. Thậm chí, đến nhà chờ Văn Phú, lái xe buýt nhanh phải đánh lái khỏi làn riêng của mình để tiến lên phía trước, “đòi” lại làn đường.

Trên đường Lê Văn Lương, xe buýt nhanh rất khó khăn mỗi khi tiếp cận nhà chờ bởi lưu lượng phương tiện quá đông. Đặc biệt, tại hai đầu cầu vượt Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương - Láng, dù có tín hiệu đèn ưu tiên cho xe BRT lên cầu nhằm giảm xung đột với các loại phương tiện cơ giới khác vẫn chen lấn phía trước. Xe máy bị cấm lên cầu giờ cao điểm nhưng hàng trăm xe vẫn chen chúc, tạt đầu buýt BRT.

Lộ trình bình thường của buýt nhanh là 42 phút/chuyến, song thực tế PV ghi nhận mất tới 52 phút trên quãng đường gần 15km.

Anh Nguyễn Gia Trường, lái xe tuyến buýt nhanh BRT cho biết, do tình trạng lấn làn tuyến buýt nhanh ngày càng trầm trọng nên giờ cao điểm di chuyển rất khó. Thậm chí, ngay cả khi đường vắng, ô tô và nhiều xe máy vẫn lấn làn buýt BRT. “Nhiều khi biết chậm so với lộ trình nhưng để đảm bảo an toàn cho hành khách và người đi đường, tài xế buýt nhanh vẫn phải đi chậm lại”, anh Trường chia sẻ.

Không hiệu quả cần chuyển thành buýt thường

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, việc một số phương tiện cố tình lấn làn làm giảm chất lượng dịch vụ buýt nhanh, gây mất ATGT. Với làn riêng, buýt nhanh BRT sẽ chạy được với tốc độ 20km/giờ, tần suất 5 phút/chuyến, nhanh hơn hẳn so với xe buýt thông thường.

“BRT có tốc độ vận hành nhanh hơn xe buýt thường, thời gian vận hành một lượt ngắn hơn xe buýt thường là nhờ làn đường dành riêng. Tất cả những hiện tượng vi phạm, lấn làn cản trở hoạt động giao thông của tuyến BRT cần phải được kiên quyết xử lý”, ông Hải bày tỏ.

Cũng theo ông Hải, sau 2 năm vận hành, loại hình buýt BRT đã được người dân chấp nhận và đánh giá tốt về chất lượng phục vụ, sản lượng hành khách ngày càng tăng trưởng. Cụ thể, sản lượng hành khách năm 2017 là 4,9 triệu lượt, năm 2018 là 5,3 triệu lượt, tăng 6,3%. Tỉ lệ hành khách chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng tuyến buýt BRT đạt 58,6%.

Tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa có chiều dài gần 15 km, bắt đầu vận hành từ ngày 31/12/2016 với tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD. Theo thống kê của Xí nghiệp Buýt nhanh BRT Hà Nội, tuyến buýt này gồm 35 xe đang vận hành thay phiên, sức chứa tối đa 90 hành khách/chuyến. Tổng hành khách vận chuyển năm 2018 đạt 5,3 triệu lượt và bình quân 42,6 khách/lượt.

Qua kết quả thực hiện và phản ánh của hành khách, giờ cao điểm tuyến BRT thường xuyên quá tải, thậm chí có hành khách không lên được xe, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị cùng Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã tổ chức khảo sát đếm khách thực tế trên xe vào các khung giờ cao điểm: Hành khách bình quân giờ cao điểm gấp 2,5 lần so với hành khách bình quân ngày. Vào giờ cao điểm sáng, hướng Yên Nghĩa - Kim Mã bình quân đạt 135-155 hành khách/lượt xe, cao nhất 194 hành khách/lượt; Cao điểm hướng Kim Mã - Yên Nghĩa đạt bình quân 115-126 hành khách/lượt xe, cao nhất 172 hành khách/lượt trong khi sức chứa của xe BRT là 90 chỗ.

Ông Karl Fjellstrom, Giám đốc BRT Viễn Đông, chuyên gia quốc tế về xe buýt nhanh cho rằng, dự án BRT Hà Nội không thực sự có thiết kế vận hành. Thực chất, đây là tuyến xe buýt với lộ trình đơn, chạy lên chạy xuống theo hành lang. Lưu lượng xe được quy ước 12 chiếc/giờ trên hai chiều vào năm đầu tiên, tăng thành 40 chiếc vào các năm tiếp theo. Như vậy, lúc cao điểm tính từ năm thứ hai, hệ thống chỉ đạt 1.200 hành khách trong một giờ trên một chiều (20 chiếc một chiều, giả định mỗi xe có 60 hành khách), trong khi một làn giao thông hỗn hợp với lượng xe máy cao có thể đạt 3.000 hành khách trên một chiều.

“Với kịch bản lạc quan nhất là có 40 xe buýt BRT một chiều trong khoảng thời gian đó (gấp đôi tần suất quy hoạch), làn xe BRT chỉ đảm nhận được 2.400 hành khách, vẫn ít hơn làn xe hỗn hợp. Do vậy, trong thời gian ngắn hạn, BRT Hà Nội không có khả năng tăng lưu lượng người tham gia giao thông”, ông Karl Fjellstrom thẳng thắn nói.

TS. Đinh Thị Thanh Bình, giảng viên Đại học GTVT cho rằng, tần suất lưu thông của buýt nhanh nhiều nước trên thế giới khá cao, 1-2 phút mỗi chuyến. Trong khi buýt nhanh của Hà Nội mới đạt tần suất 5-10 phút mỗi chuyến, do đó loại hình này hoạt động chưa hoàn toàn là BRT. Cùng đó, hạ tầng buýt nhanh ở Hà Nội chưa đạt chuẩn thế giới, vì vậy tốc độ lưu thông chưa cao, chưa được người dân lựa chọn nhiều.

“Khi để các phương tiện chạy trên làn BRT làm ảnh hưởng tốc độ của buýt nhanh, làm cho buýt nhanh trở thành buýt thường, người dân sẽ không mặn mà”, TS. Bình nói và nêu quan điểm, Hà Nội cần thiết kế tuyến BRT theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng tốc độ xe để thu hút người tham gia giao thông. Cùng đó, phải xử lý nghiêm hành vi lấn làn buýt nhanh BRT. Sau khi làn BRT không bị lấn làn sẽ đánh giá chất lượng tuyến này, nếu lượng khách đông, nhiều người chuyển sang sử dụng xe buýt nhanh sẽ tiếp tục nhân rộng. Còn nếu vẫn không hiệu quả thì để buýt nhanh trở thành buýt thường và trả lại làn đường cho người dân lưu thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.