Chuyện dọc đường

Đừng để buýt sân bay đơn độc

20/09/2022, 06:09

Vì sao đi xe buýt chỉ vài nghìn đồng mà ít người đi, trong khi mỗi chuyến taxi hay xe hợp đồng mất vài trăm nghìn nhưng nhiều người vẫn chọn?

Việc TP.HCM mở thêm tuyến xe buýt 109 vào hoạt động kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất trong những ngày qua là một tín hiệu vui với ngành vận tải hành khách công cộng của thành phố.

Tuy nhiên, với 2 tuyến xe buýt nội đô và một tuyến xe buýt về TP Vũng Tàu liên tục trong tình trạng vắng khách cũng là điều đáng trăn trở: Vì sao đi xe buýt chỉ vài nghìn đồng mà ít người đi, trong khi mỗi chuyến taxi hay xe hợp đồng mất vài trăm nghìn đồng nhưng nhiều người vẫn chọn?

img

Xe buýt tuyến 152 có 25 ghế nhưng trên xe chỉ có 8 hành khách

Hệ lụy là những nỗ lực của ngành chức năng chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, khi mà phương tiện cá nhân, xe taxi vẫn là ưu tiên của khách đi/đến sân bay.

Từ đó, áp lực lên hạ tầng sân bay chưa được giải quyết, tình trạng lộn xộn vẫn chưa thể chấm dứt.

Những hạn chế khiến các tuyến xe buýt này chưa thực sự thu hút khách cũng đã được nhiều chuyên gia chỉ rõ.

Tuy nhiên, thực tế đó cũng cho thấy cách thức tổ chức chưa thật sự hợp lý, khiến xe buýt sân bay hiện vẫn rất đơn độc, nhất là chưa có sự kết nối giữa các tuyến với nhau.

Hay như cả 3 tuyến xe buýt đều trùng nhau hướng di chuyển trên phần lớn quãng đường cũng khiến hành khách ít lựa chọn.

Cả 3 tuyến đều xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất đi về quận 1, tuyến 109 có điểm dừng cuối ở công viên 23/9, tuyến 72-1 lên cao tốc về TP Vũng Tàu, còn tuyến 152 về Bình Chánh.

Như vậy, việc mở thêm tuyến xe buýt nhưng trùng phần lớn hướng tuyến đã thực sự khiến hành khách không mặn mà.

Hành khách muốn đi về Thủ Đức, quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp… gần như không lựa chọn xe buýt, họ đành chuyển sang xe công nghệ, taxi, xe hợp đồng hoặc xe cá nhân.

Xét về yếu tố cơ động, thuận tiện, xe buýt không thể so sánh với taxi, xe công nghệ. Hành khách khi đã chọn xe công nghệ, họ sẽ đi thẳng từ nhà đến sân bay chứ không ra bến xe buýt để rồi vào sân bay thêm mất thời gian.

Yếu tố giá rẻ của xe buýt chỉ cạnh tranh được trong cự ly tương đối dài. Nếu cự ly quãng đường đi taxi phải tốn từ 500.000 đồng trở lên, trong khi xe buýt chỉ vài chục nghìn đồng, hành khách chắc chắn sẽ ưu tiên chọn xe buýt. Còn nếu cự ly gần, cộng thêm yếu tố bất tiện, hành khách sẽ xếp xe buýt vào thứ yếu.

Vì vậy, ngoài những tuyến xe buýt hiện có, TP.HCM có thể nghiên cứu phát triển các tuyến xe buýt tầm trung, từ sân bay đi về các hướng như: Hóc Môn, Củ Chi, Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương)…

Tần suất của các tuyến xe buýt cũng cần tăng lên, để hành khách khi xuống sân bay không phải mất quá nhiều thời gian chờ đợi.

Việc hành khách lựa chọn phương tiện nào để di chuyển là quyền của hành khách, bởi nhu cầu của mỗi người không giống nhau. Cũng khó để đáp ứng hết được tất cả nhu cầu của hành khách.

Tuy vậy, với vai trò quản lý, cơ quan chức năng cần có giải pháp kịp thời, phù hợp để sao cho xe buýt đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.

Khi cảm thấy thuận tiện, giá vé, lộ trình hợp lý, không có lý gì họ không chọn xe buýt. Làm được như vậy, chắc chắn áp lực hạ tầng sân bay chắc chắn sẽ giảm, tình trạng lộn xộn, bát nháo lâu nay cũng sẽ được giải quyết.

Phan Tư

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.