Hình thức BOT đem lại hàng nghìn km đường giúp phát triển kinh tế - xã hội (Trong ảnh: Dự án cải tạo, nâng cấp QL1 qua huyện Bố Trạch và Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình do TASCO làm chủ đầu tư) - Ảnh: TC |
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Giải pháp giải quyết bất cập về trạm thu phí” tổ chức sáng qua (19/4), nhiều chuyên gia, đại diện nhà đầu tư cho rằng, cần có những chính sách để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư cũng như giải pháp tuyên truyền để dư luận hiểu đúng bản chất thay vì coi nhà đầu tư BOT giao thông như tội đồ.
Đừng biến nhà đầu tư thành tội đồ
Ông Phạm Quang Dũng, ĐBQH khóa XIV, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco cho biết: “Đầu năm 2011, rất nhiều dự án hạ tầng giao thông bị đình hoãn, giãn tiến độ do nguồn vốn ngân sách cạn kiệt, bắt buộc phải kêu gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hóa. Đây là chủ trương đúng bởi rất ít quốc gia trên thế giới chỉ dùng ngân sách đầu tư hạ tầng”, ông Dũng nói.
Về mặt pháp lý, ông Dũng cho rằng, trước khi triển khai các dự án BOT, Bộ GTVT và chính quyền địa phương có dự án đi qua đều phải báo cáo Chính phủ về chủ trương đầu tư. Sau đó, Chính phủ lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương. “Để cấp giấy chứng nhận đầu tư, Bộ Kế hoạch - Đầu tư lại tiếp tục lấy ý kiến lần nữa. Khi tất cả các bộ, ngành, địa phương liên quan đồng thuận triển khai dự án theo hình thức BOT, lúc đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư mới cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án”, ông Dũng nói và cho biết, quy trình thỏa thuận đặt các trạm thu phí cũng được tiến hành rất chặt chẽ. “Bộ GTVT phải xin ý kiến thỏa thuận của UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua, địa phương chấp thuận mới được đặt trạm”, ông Dũng khẳng định.
"Chúng tôi cảm thấy rất buồn và bị mang tiếng xấu so với những tâm huyết đã bỏ ra, bởi trước kia chúng tôi là doanh nghiệp tiên phong dám làm BOT, được lãnh đạo chính quyền và người dân đồng tình, ủng hộ. Bây giờ, dư luận xã hội lại coi chúng tôi như tội đồ”. Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CIENCO4 cho biết, trước đây, số lượng nhà đầu tư đăng ký làm BOT giao thông còn ít hơn cả dự án kêu gọi đầu tư, thậm chí, nhiều dự án còn không kêu gọi được doanh nghiệp tham gia. “Chúng tôi đầu tư tuyến tránh TP Vinh từ năm 2003 và thu phí tại Trạm Bến Thủy 1 từ đó đến nay. Trải qua nhiều năm, người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh rất quý trọng vì làm được nhiều điều cho địa phương. Song, thời gian gần đây lại xảy ra tình trạng người dân tụ tập phản đối thu phí tại Trạm Bến Thủy 1. Tôi khẳng định, nhà đầu tư không có lỗi gì trong việc thực hiện trách nhiệm hợp đồng BOT, nhưng quyền lợi đang bị ảnh hưởng. Chúng tôi mong muốn cơ quan có thẩm quyền cần có chính sách đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư”, ông Huỳnh nói.
Cho rằng hình thức thu phí hở tồn tại bất cập, không thể đảm bảo công bằng tuyệt đối cho người dân, tuy nhiên, ông Huỳnh khẳng định, nhà đầu tư cũng chịu rất nhiều thiệt thòi. “Hôm nay phương tiện đi quãng đường ngắn có qua trạm sẽ phải nộp phí, hôm khác anh đi đường dài nhưng không qua trạm thì nhà đầu tư cũng chẳng thu được đồng phí nào cả”, ông Huỳnh nói.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ cần có cơ chế, chính sách rõ ràng và những giải pháp để đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn. Đồng thời, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có phương thức tuyên truyền, vận động người dân hiểu đúng về bản chất của các dự án BOT, mặt nào được cần phải ghi nhận, cái nào còn khiếm khuyết phải xem xét, điều chỉnh”, ông Huỳnh nêu ý kiến.
CIENCO4 kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế, chính sách rõ ràng và những giải pháp để đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư BOT và ngân hàng tài trợ vốn (Trong ảnh: Trạm thu phí Bến Thủy 1) |
Cần hài hòa lợi ích
Vừa trở về từ đợt công tác cùng đoàn giám sát của Quốc hội đối với các dự án BOT khu vực phía Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô VN cho rằng: “Chúng tôi không đồng tình với việc người dân tụ tập chặn trạm thu phí để phản đối. Đây là hành động bột phát của một số người dân, không phải do các doanh nghiệp vận tải”.
Theo ông Thanh, thành quả đạt được từ đầu tư hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT rất lớn, được coi là bước đột phá của ngành GTVT. Tuy nhiên, còn một số tồn tại cần phải giải quyết. “Bộ GTVT khi đề nghị Chính phủ dừng quy hoạch trạm thu phí là hoàn toàn xác đáng. Tuy nhiên, theo tôi, không nên đặt trạm thu phí ở đầu hoặc cuối tuyến đường. Cần phải có giải pháp để người dân tâm phục, khẩu phục”, ông Thanh nói.
Đánh giá cao hiệu quả đầu tư hạ tầng bằng hình thức BOT, song ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội cho rằng, việc xác định vị trí đặt các trạm thu phí cần phải xin ý kiến của người dân. “Tôi đã nghiên cứu các hợp đồng BOT thấy rằng, trước đây khi đặt trạm các cơ quan chức năng chỉ xin ý kiến của chính quyền địa phương mà không lấy ý kiến của nhân dân nên mới xảy ra tình trạng phản đối thu phí như vừa qua. Trách nhiệm này trước tiên thuộc về doanh nghiệp, sau đó đến các bên trong hợp đồng, chính quyền địa phương và của Chính phủ”, ông Nhưỡng nói.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công- tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, việc thu phí hở chắc chắn tồn tại bất cập, không đảm bảo công bằng tuyệt đối cho mọi đối tượng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. “Phản ánh của người dân là có lý, nhưng nhà đầu tư cũng chịu thiệt rất nhiều. Chẳng hạn như Trạm Bến Thủy, toàn bộ phương tiện của người dân huyện Nghi Xuân đi về TP Hà Tĩnh trên đoạn đường nhà đầu tư CIENCO4 bỏ tiền xây dựng và bảo trì rất lớn nhưng lại không thu được phí. Hình thức thu phí hở đem lại bất cập cho cả người dân và nhà đầu tư, do đó, cần phải có những chính sách đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân và nhà đầu tư”, ông Huy nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận