Kinh tế

Đừng để doanh nhân Việt sợ kinh doanh, ngại lớn lên

14/10/2019, 06:56

Làm sao để hình thành đội ngũ doanh nhân Việt Nam không chỉ lớn mạnh, hùng hậu, đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu mà còn đủ sức thu phục niềm tin?

img
TS Nguyễn Đình Cung

Báo Giao thông trao đổi với TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) xung quanh câu chuyện làm sao để hình thành đội ngũ doanh nhân Việt Nam không chỉ lớn mạnh, hùng hậu, đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu mà còn đủ sức thu phục niềm tin.

Cần thay đổi cách nhìn về tỷ phú Việt

Hiện khâu yếu nhất của thị trường là hệ thống tư pháp. Cần hoàn thiện hệ thống luật pháp theo thị trường, cải cách hệ thống tư pháp và nâng tầm tư pháp lên đúng nghĩa của nền kinh tế thị trường để giải quyết tranh chấp, tạo dịch vụ công lý cuối cùng để người dân và doanh nghiệp sử dụng bảo vệ quyền lợi. Thời gian qua có cải cách bao nhiêu thì dưới góc độ thị trường cũng là không đủ. Thị trường tự giao dịch, tự bảo vệ quyền lợi chứ không phải nhờ biện pháp hành chính. Nếu không đổi mới thì không nâng tầm lên được
TS Nguyễn Đình Cung

Mới đây, số liệu Tổng cục Thống kê công bố, khối doanh nghiệp tư nhân hiện đóng góp tới hơn 42% vào GDP, ông nhận định thế nào về kết quả này?

Từ năm 1990 đóng góp của khối tư nhân vào GDP đã là 7%. Hiện nay, nếu tính đúng tính đủ cả khối hộ gia đình, thì con số này cũng phải lên tới khoảng 60%. Đây cũng là năm đầu tiên, khối tư nhân có tăng trưởng xuất khẩu hơn khối FDI.

Theo quan điểm cá nhân, với doanh nghiệp tư nhân trong nước, nếu cái gì bảo hộ được thì nên bảo hộ, có cơ hội kinh doanh gì Nhà nước dành được cho tư nhân thì đều nên làm. Khối FDI hiện nay mở quá nhiều, trong khi lại hạn chế doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Hai mươi năm qua, Luật Doanh nghiệp trở thành động lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, chúng ta có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn. Vậy nhìn lại, làm thế nào xây dựng khu vực tư nhân vững mạnh hơn?

Cần nhìn vào thực trạng khu vực kinh tế tư nhân bởi có những vấn đề nằm ở ngoài Luật Doanh nghiệp nên không phải sửa luật là xong mà cần phải thực thi nó và những luật lệ khác.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đông đảo, tạo công ăn việc làm, có đóng góp cho phát triển. Chắc chắn sự đóng góp của họ chưa được tính đúng, tính đủ vào sự phát triển đất nước. Dưới con mắt của dân chúng, phần lớn các tỷ phú, triệu phú Việt Nam hiện nay không được đánh giá như những tài năng mà người ta cho rằng họ lớn lên chủ yếu nhờ thân hữu, chiếm đoạt tài sản (đất đai)… Hình ảnh này cần phải thay đổi.

Bên cạnh đó muốn kết nối cộng đồng doanh nghiệp nhiều hơn, những tỷ phú cần chứng tỏ vai trò dẫn dắt nhiều hơn trong việc thay đổi triết lý kinh doanh và làm nhiều việc khác. Thực tế trường hợp ông Dương Thaco (ông Trần Bá Dương, chủ tịch Thaco - PV), có thể lấy làm minh chứng.

Nhưng có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đang “sợ” lớn, sợ càng lớn càng bị thanh kiểm tra?

Vấn đề đặt ra là mức độ an toàn, không chỉ trong hoạt động kinh doanh mà còn an toàn trong bảo vệ tài sản của họ. Đến một lúc nào đó người ta không cảm nhận được sự an toàn không những trong kinh doanh mà còn bảo vệ tài sản của họ thì nguy cơ rơi vào vòng lao lý, nguy cơ sụp đổ là rất lớn. Những người kinh doanh cảm nhận vấn đề này cực kỳ sâu sắc. Do đó, đây là vấn đề cần giải quyết, lãnh đạo cao cấp cần nhận thức được.

Hãy nhìn lại môi trường kinh doanh: Luật lệ thực thi không rõ ràng, không hiệu quả, không tiên liệu được; hệ thống công chức tùy ý, tùy tiện can thiệp vào DN với tâm lý không phải để hỗ trợ phát triển mà tư lợi… DN Việt với hệ thống luật lệ, hệ thống công chức làm việc như trên luôn ở trong trạng thái vi phạm. Và khi bị kiểm tra thì muốn giết một doanh nghiệp cực kỳ dễ. Họ kết hợp với báo chí tung tin lên thì từ 1 DN rất tốt thành chết ngay được!

Do đó, một ông đang là tỷ phú sụp một cái là tù tội như chơi. Đó không chỉ là mất tài sản nữa rồi mà còn là tính mạng. Nên người ta sợ kinh doanh, sợ lớn lên. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam nếu như ai đó thử điều tra khảo sát sẽ thấy khi túi không có gì thì họ còn động lực kinh doanh, làm giàu; còn khi đã có một mức độ nào đó thì họ phải lo bảo toàn, không muốn lớn hơn nữa.

Muốn sửa luật phải sửa tư duy trước

img
Robot tại nhà máy ô tô VinFast (Ảnh minh họa)

Để khắc phục tình trạng trên, hiện một số luật liên quan đang được sửa đổi…

Muốn khắc phục thì đừng để các bộ sửa luật mà hãy lập đội chuyên gia, chủ yếu là từ chuyên gia độc lập, cần gì sửa luôn, trong một năm sửa hết. Còn nếu vẫn để các bộ làm thì đầu tiên thì phải ngăn chặn tối đa khả năng công chức can thiệp. Quy định về thanh tra cần bỏ ngay thanh tra chung về việc tuân thủ pháp luật. Nếu DN vi phạm hãy đưa ra tòa; hãy để các bên tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tạo cơ chế để tòa án để xử lý.

Cần sửa tư duy trước rồi tới vai trò chức năng Nhà nước, rồi mới sửa luật. Tư duy phải là thị trường. Cách điều hành của Nhà nước cũng phải sửa, đừng can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh. Tôi hy vọng hàng năm không có những nghị quyết điều hành mà hãy để thị trường điều chỉnh vì thị trường là thể chế tốt nhất điều hành và giám sát cũng như tạo động lực cho các bên.

Cụ thể, đối với những “điểm nóng” như Luật Đất Đai, Luật DN, Luật Đầu tư, theo ông chúng ta cần phải lưu ý những vấn đề gì?

Đối với Luật Đất đai, điều đầu tiên hãy coi quyền sử dụng đất cũng là 1 tài sản, được giao dịch buôn bán theo thị trường. Như vậy sẽ không còn tình trạng thu hồi đất đai, lấy đất của người này cho người khác. Lúc đó mới bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người nông dân; đẩy nhanh hoạt động tích tụ ruộng đất…

Còn về Luật Đầu tư đáng lẽ không sửa mà phải bỏ. Muốn phát triển DN thì phải tạo điều kiện cho tất cả lớn lên chứ không phải chú trọng khối DN nhỏ và vừa. Theo đó, khối hộ gia đình cũng phải có chính sách lên doanh nghiệp; đừng để người ta không muốn công khai, không muốn minh bạch, chỉ muốn an toàn, đủ nuôi sống nhà mình.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.