Xã hội

Đừng để mạng xã hội cuốn báo chí đi

21/06/2016, 10:12

Không ít tờ báo điện tử ở Việt Nam tập trung cho tốc độ thông tin thay vì để phóng viên đi...

9

Với sự phát triển của mạng xã hội, báo chí không còn là kênh thông tin độc quyền (Ảnh minh họa)

Không ít tờ báo điện tử ở Việt Nam tập trung cho tốc độ thông tin thay vì dành nhiều thời gian hơn để phóng viên đi, nghe, thấy và viết. Thực tế này khiến không ít thông tin trên báo thiếu tin cậy, thậm chí còn không hấp dẫn bằng thông tin trên mạng xã hội (MXH).

Mạng xã hội tạo thách thức cho báo chí

Trung tuần tháng 5 vừa qua, làng báo xôn xao trước thông tin Trung tướng Nguyễn Hữu Ước sẽ khởi kiện luật sư Trần Đình Triển. Vụ việc xuất phát từ một bài viết trên facebook cá nhân của luật sư Trần Đình Triển. Đây là một trường hợp điển hình của hiện tượng thông tin từ MXH lên mặt báo và thu hút được sự chú ý của dư luận.

Những trường hợp tương tự gần đây như chuyện nghi có chì trong sản phẩm C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ của công ty URC Việt Nam; Cá chết ở biển miền Trung và trước đó là vụ “con ruồi” trong chai nước của Tân Hiệp Phát... Từ thông tin trên MXH, báo chí vào cuộc rồi MXH tiếp tục lan truyền, tạo thành sự kiện nóng bỏng của đời sống xã hội.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, riêng năm 2015, Bộ này xử phạt 33 lượt cơ quan báo chí với số tiền phạt hơn 1,5 tỷ đồng do các sai phạm về thông tin, xuất bản, trong đó có nhiều vụ bị phạt do thông tin sai sự thật lấy từ nguồn MXH.

Nhà báo Lê Tuấn Anh, Trưởng ban báo điện tử Dân Việt cho rằng, từ chỗ xuất phát điểm của MXH chỉ là kết nối, thể hiện cá nhân.. nay phải thừa nhận MXH như một hình thức báo chí công dân. Bất kể ai cũng có thể cung cấp thông tin, gây sốc dư luận, thậm chí còn “lèo lái” theo mục đích riêng của mình.

PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo cũng cho rằng báo chí đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh thông tin từ các trang MXH. Lượng thông tin được cập nhật trên các MXH như vũ bão, đặc biệt là facebook, đã thực sự trở thành thách thức với báo chí. “Sẽ là sai lầm nếu chúng ta coi nhẹ tầm quan trọng, cũng như sự tác động của thông tin MXH”, nhà báo Nguyễn Thành Lợi nói.

Nhà báo Lê Tuấn Anh còn chỉ ra rằng, các nhà báo, tòa soạn báo đã bị cuốn theo trào lưu và xu hướng phát triển của MXH. “Một số tờ báo lớn, uy tín cũng đã sử dụng MXH như nguồn tin ban đầu, đồng thời lại là kênh phát hành quảng bá thông tin đến đông đảo bạn đọc. Thậm chí nó còn được sử dụng “thông minh” như một kênh thăm dò, tiếp nhận phản ứng từ dư luận trước khi chính thức được triển khai thành bài viết trên mặt báo”, ông Lê Tuấn Anh nói.

Bài học đắt giá

Trưởng ban báo điện tử Dân Việt Lê Tuấn Anh cũng cho rằng, trong “cuộc chơi” với MXH, báo giới nhận được nhiều nhưng mất cũng không ít.

Cái mất ở đây là thời gian qua đã có nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí bị cảnh cáo, bị phạt, thậm chí rút giấy phép hoạt động do “cả tin” vào MXH. Đơn cử như cuối tháng 8/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định xử phạt hành chính 180 triệu đồng đối với 3 báo và trang thông tin điện tử đã đăng tải “Lá thư con gái gửi bố ngoài đảo” lan truyền trên MXH sai sự thật. Do không kiểm chứng đã đăng bài khiến lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên của các báo điện tử, trang tin trên đã bị xử phạt, thậm chí bị thôi việc. Bên cạnh đó, các trang thông tin điện tử tự biên tập, tổng hợp bài viết có nội dung sai phạm tương tự cũng bị cơ quan chức năng thu thập tài liệu xem xét, xử lý. Vụ việc sau đó đã trở thành một bài học đắt giá cho các cơ quan báo chí.

Nhưng đối diện với thực tế cạnh tranh khốc liệt, báo chí chính thống vẫn bị cuốn theo xu hướng facebook hóa bài viết, facebook hóa thông tin để tiếp cận bạn đọc. Ông Lê Tuấn Anh cho rằng, hiện vẫn có những tờ báo, nhà báo sẵn sàng sử dụng “nguồn tin” facebook để làm tin, viết bài. Đơn cử như trận lụt ngày 26/5 vừa qua, do cơn mưa đêm trước tạo ra. Một số báo do áp lực cạnh tranh thông tin và hạn chế về nhân lực đã sử dụng cả thông tin từ facebook của cộng tác viên để cập nhật.

Đáng nói ở chỗ, quy trình thẩm định thông tin, tiếp xúc nhân vật, tiếp cận đơn vị được “bêu tên” đều bị bỏ qua. “Thay vào đó là những câu nghi vấn, những câu dẫn thổi phồng quy chụp nhưng thiếu căn cứ: Có hay không câu chuyện A? Sự việc B đang gây bão trên mạng suốt vài ngày qua, theo nickname X nickname Y thì... Và rốt cuộc, để hút được lượng đọc giả nhất thời, bất chấp uy tín của tờ báo, danh dự của nhà báo, họ đã vô tình trở thành công cụ cho các bên”, nhà báo Lê Tuấn Anh chỉ ra. Đương nhiên, ông Tuấn Anh cũng cho rằng, những tờ báo đó, nhà báo đó chắc chắn còn phải đối diện với pháp luật, với những án phạt, thậm chí thu hồi thẻ hành nghề, đình bản, rút giấy phép.

Lúng túng trong cuộc chơi với mạng xã hội

Theo nhà báo Đỗ Lê Thăng, Phó Tổng Biên tập Báo Khoa học và Phát triển, việc báo chí sử dụng nguồn tin từ MXH là điều dễ hiểu. “Nhưng việc xử lý phải hoàn toàn tuân thủ quy trình, nghiệp vụ báo chí chuẩn mực”, ông Đỗ Lê Thăng nói. Ông Thăng cũng cho rằng việc thực hành khắt khe nghiệp vụ báo chí để xác tín, điều tra, phản biện... xuyên suốt tầm nhìn và sứ mệnh của tờ báo tiếp tục là thách thức lớn đối với báo chí trong thời gian tới.

“Nguyên tắc bất di bất dịch mà cũng là đạo đức của người làm báo luôn phải cân nhắc cẩn trọng trước mọi nguồn thông tin”, ông Lê Tuấn Anh nhấn mạnh. Trưởng ban báo điện tử Dân Việt cho hay, với một bài báo, mẩu tin nhà báo có thể khiến một con người thân bại danh liệt, một đơn vị khốn khổ lao đao, nguy cơ mất việc của hàng nghìn người, tác động tiêu cực đến xã hội thực không thể lường hết.

“Do đó, dù là nguồn tin chính thống hay nguồn tin từ MXH, các nhà báo hãy coi đó chỉ là thông tin ban đầu chưa được kiểm chứng. Việc tiếp theo là nhà báo cần tác nghiệp đúng trình tự, tập hợp dữ kiện, phân tích đánh giá sự việc. Cuối cùng, mỗi phóng viên, nhà báo hãy luôn giữ mình chỉ là người đưa tin một cách rõ ràng, minh bạch và có sở cứ nhất đến với bạn đọc”, ông Lê Tuấn Anh nói.

MXH hiện không chỉ thách thức báo in, báo điện tử mà cả báo nói, báo hình. Trong bối cảnh ấy, ông Phan Chiến Thắng, Trưởng đại diện Thời báo kinh tế Sài Gòn tại Hà Nội cho rằng, báo chí phải có cách đi riêng như thế nào thì mỗi cơ quan báo chí tùy vào đặc thù của mình, cân nhắc và lựa chọn.

PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo:
Sử dụng thông tin MXH phải kiểm chứng

Không dừng ở việc tạo ra sức ép cạnh tranh về tốc độ lan tỏa thông tin, MXH còn làm thay đổi cách thức làm báo truyền thống khi một số phóng viên, đặc biệt là phóng viên trẻ đã từ bỏ cách thu thập, tiếp cận và thẩm định thông tin trên thực tế mà chuyển qua đi “săn” tin trên MXH. Đáng buồn là có một số tờ báo chấp nhận cách thức khai thác thông tin này. Vì thế, các nhà báo khi tiếp cận phải chắt lọc và thẩm định thông tin đẩy đủ. Cần có cách xử lý thích hợp để thông tin trên mạng xã hội là cánh tay nối đài của báo chí.

Nhà báo Lê Tuấn Anh, Trưởng ban báo điện tử Dân Việt
Ước gì chưa từng có Facebook

Một con số thống kê mới nhất theo We Are Social khiến các nhà báo phải giật mình là Việt Nam với 94 triệu dân thì có hơn 47 triệu người sử dụng Internet với tốc độ tăng trưởng 10% hàng năm. Trong đó, riêng với Facebook, người sử dụng dành gần 3 tiếng theo dõi tin tức, trò chuyện với bạn bè. Thời gian này gấp đôi thời gian họ dành cho tivi, phương tiện truyền thông vốn được coi là số 1 lâu nay. Nếu có điều ước, chắc chắn các tòa báo, các nhà báo sẽ ước giá như chưa từng có Facebook.

Nhà báo Phan Chiến Thắng, Trưởng đại diện Thời báo kinh tế Sài Gòn tại Hà Nội
Phải công bằng với độc giả

Nhà báo phải hết sức cẩn thận khi sử dụng thông tin trên mạng xã hội, bởi thực tế có nhiều người tự viết ra những thông tin bịa đặt, thông tin “đùa cho vui” để “câu” view. Báo điện tử ở nước ta vẫn có tình trạng âm thầm “rút” bài. Đây cũng là cách thức khiến cho nhiều nhà báo thiếu thận trọng khi làm tin, bởi sai thì rút. Điều này hoàn toàn không ổn, không công bằng. Thông tin đưa lên sai thì phải có hình thức đính chính tương xứng chứ không phải cứ sai là rút bài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.