Đò “ba không” chở khách du lịch trên sông Cần Thơ |
Khoảng cách từ sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng với hoạt động của các phương tiện thủy đến các vụ tai nạn bất ngờ có lẽ chỉ trong gang tấc, song những hậu quả, những nỗi đau để lại còn kéo dài mãi khôn nguôi.
Bạn đọc Báo Giao thông chắc chắn chưa thể quên hình ảnh người mẹ trẻ khóc cạn nước mắt trước sự ra đi bất ngờ của 2 đứa con yêu; Nỗi đau của người vợ, của những đứa trẻ sau khi người chồng, người cha trụ cột trong gia đình vĩnh viễn không quay trở lại sau vụ tai nạn bất ngờ của tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn, Đà Nẵng hồi tuần trước.
Vụ tai nạn xảy ra khiến người dân cả nước bàng hoàng, đau xót. Càng đau xót hơn khi những hồi chuông cảnh tỉnh về những vụ tai nạn như thế này không phải chưa từng được gióng lên, chưa từng được lường trước.
Năm 2015, Ủy ban ATGT Quốc gia đã công bố TNGT đường thuỷ tăng 28% số vụ, 20% số người chết và 44% số người bị thương so với năm 2014. Tuy nhiên, những con số vô tri vô giác này có lẽ không hề khiến những người trong cuộc “động lòng”. Phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không trang thiết bị an toàn, người lái không bằng cấp, bến không phép vẫn “nhởn nhơ” hoạt động, đùa giỡn tính mạng của chính mình và hành khách với tử thần.
Vụ tai nạn đau lòng của tàu Thảo Vân 2 vừa qua không chỉ một lần nữa “bóc trần” sự thật về những con tàu hoạt động chui, chở quá tải, thiếu an toàn mà còn là bằng chứng chua xót về những lỗ hổng trong quản lý.
Cái giá phải trả là tính mạng của những người dân vô tội. Và sẽ còn nữa những “Thảo Vân 2” nếu các cơ quan chức năng tại địa phương còn thờ ơ, những người trong cuộc như chủ tàu, chủ đò còn bàng quan, vô cảm với hành khách của chính mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận