Khi ám ảnh phiên tòa xử đôi vợ chồng bạo hành bé gái 3 tuổi tới chết tại Hà Nội vẫn chưa nguôi ngoai, dư luận lại sục sôi vụ việc bé trai 14 tuổi bị chủ quán bánh xèo tại Bắc Ninh hành hạ như “thời trung cổ”.
Mẹ mất, cha bị tâm thần, cậu bé Trương Quang D. (quê huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), được anh trai xin cho đi làm thuê tại quán bánh xèo tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, do Nguyễn Thị Ánh Tuyết (34 tuổi, cùng quê) làm chủ.
Gần một năm trời, D. bị chủ quán bắt làm việc quần quật từ 7h sáng hôm trước đến 4h sáng hôm sau nhưng không trả lương, chỉ cho ăn đồ thừa, ngủ dưới đất. Mỗi khi tức giận, Tuyết lại lôi cháu bé vào phía sau nhà đánh đập tàn nhẫn…
Sau trận đòn gần đây nhất, D. buộc phải bỏ trốn, trên người chằng chịt vết thương. Em được một người dân phát hiện khi đang ngồi co ro trong bụi cây giữa đêm tối.
Tại cơ quan công an, những lời khai của Tuyết khiến ai cũng phải rùng mình trước cách mà Tuyết đã hành hạ, đánh đập đứa trẻ. Và không chỉ có D., một thiếu niên khác cũng bị Tuyết bạo hành, bẻ gãy ngón chân…
Theo các chuyên gia tâm lý, hậu quả trẻ bị bạo hành còn ghê gớm hơn rất nhiều so với vết thương trên cơ thể. Sống trong môi trường bị bạo hành hoặc chứng kiến sự bạo hành, trẻ sẽ có quan niệm sống lệch lạc, không biết tôn trọng người khác và cũng không biết tôn trọng chính bản thân mình.
Thậm chí, trẻ trở nên vô cảm, không biết lên án những hành vi phi đạo đức của người khác. Có những trẻ biểu hiện lúc nhỏ có thể đơn giản là hung bạo, hay cáu gắt, khó tính, nhưng khi lớn lên, trẻ có thể trở thành một con người cục cằn, lỗ mãng và độc ác.
Ngoài Ủy ban Quốc gia về trẻ em, hiện Việt Nam đang có tới 17 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng bảo vệ và chăm sóc, hỗ trợ trẻ em ở các cấp độ khác nhau. Thế nhưng, hầu hết các vụ bạo hành trẻ em lâu nay đều do cộng đồng phát hiện và phản ánh. Chỉ tới khi vụ việc đã rồi, người ta mới thấy văn bản yêu cầu, đề nghị “xử lý nghiêm” đối tượng vi phạm! Chính vì vậy, một nhà hoạt động xã hội từng phải thốt lên: “Đã đến lúc thôi nói mà hãy thực sự bảo vệ trẻ!”.
Và những con số đau lòng về tình trạng xâm hại trẻ em vẫn cứ tăng lên, báo động về khoảng tối trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Cụ thể, theo thống kê mới nhất, trung bình mỗi ngày có 7 trẻ em bị xâm hại; Một năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1.286 trẻ em bị xâm hại và 84 trẻ em mang thai.
Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau. Trong đó, người có mối quan hệ ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm trên dưới 90%.
Không những ở vùng nông thôn, miền núi vùng sâu, vùng xa mà ngay cả địa bàn kinh tế, xã hội đang phát triển cũng xảy ra những vụ việc bạo hành nghiêm trọng về thể xác, tâm lý thậm chí tính mạng của trẻ.
Nhận định về những con số trên, ngay cả cơ quan chức năng cũng thừa nhận, còn nhiều trẻ bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện, thống kê còn vênh nhiều, không phản ánh đúng thực tại.
Thế nhưng, cũng chính số liệu thống kê chưa đầy đủ ấy đã phản ánh sự vắng bóng của cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ - vốn được cho là “mạng lưới” hỗ trợ, phòng ngừa từ Trung ương tới cơ sở. Họ đang ở đâu khi thế hệ tương lai bị xâm hại? Hay sau mỗi vụ việc, những văn bản lại được phát đi là hết trách nhiệm?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận