Vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 17 |
Chiều 6/4, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội và Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc thực hiện dự án đường nước sạch Sông Đà số 2.
Một ngày trước khi được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị của UBND TP Hà Nội về việc yêu cầu chủ đầu tư dự án tạm dừng việc ký kết hợp đồng với nhà thầu cung cấp vật tư ống gang dẻo để nghiên cứu, đánh giá kỹ các vấn đề liên quan đến dự án như ý kiến nêu tại văn bản trên.
Cân nhắc kỹ lưỡng, tránh thiệt hại
Trao đổi với Báo Giao thông, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, dù đã thông báo nhà thầu Trung Quốc thắng thầu trong việc cung cấp ống và phụ kiện cho đường ống dẫn nước sông Đà giai đoạn 2, nhưng xét theo luật, chủ đầu tư vẫn có thể thực hiện quyền đấu giá lại trên cơ sở đánh giá lại đơn vị trúng thầu.
Nếu đơn vị này không thực sự minh bạch, không đủ năng lực như những gì đã giới thiệu thì chủ đầu tư có quyền huỷ kết quả thầu và tiến hành mở thầu lại. Về việc sử dụng dịch vụ của các nhà thầu Trung Quốc, ông Cương lưu ý cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh thiệt hại về sau, giống như nhiều công trình khác đã từng sử dụng nhà thầu Trung Quốc, dẫn đến hậu quả thi công sau này đều chậm tiến độ, đội giá.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, TS. Nguyễn Xuân Thảo cho rằng, đây là một tín hiệu tích cực, chứng tỏ thành phố đã biết lắng nghe ý kiến của người dân, của công luận, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. “Đấu thầu, đấu giá bao giờ cũng muốn chọn giá rẻ, nhưng tiền nào của nấy. Vì vậy, cần phải tính toán cân đối hài hòa giữa các mặt, quan trọng nhất là lợi ích chung của quốc gia, người dân phải đặt lên hàng đầu.
Quy rõ trách nhiệm người ký chọn thầu
Đề cập đến việc đường ống sông Đà vỡ 17 lần kể từ khi đưa vào sử dụng, ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, có thể do chất lượng đường ống và cách thi công, nhưng dù thế nào thì cũng cần phải xem xét lại. “Toàn bộ đường ống được sử dụng trong giai đoạn 1 đều là của Trung Quốc, dẫn đến những sự cố nêu trên mà đến giai đoạn 2, chúng ta lại tiếp tục lựa chọn nhà thầu Trung Quốc nên kiến nghị của Hà Nội trong việc xem xét, kiểm điểm lại là rất cần thiết.
Cần phải có sự thẩm tra, thẩm định kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng công trình, không gây tổn hại và đặc biệt là không gây mất niềm tin”, ông Kiêm lưu ý và cho rằng, lâu nay chúng ta quá chú ý về giá nên nhiều khi chọn lựa không được đúng đắn về kỹ thuật, chất lượng.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết, ngay khi Hà Nội kiến nghị dừng mua ống của Trung Quốc, nhiều cử tri đã gọi điện cho bà bày tỏ sự vui mừng, đồng thời đánh giá cao động thái này. Theo bà An, lâu nay cử tri đã nhìn thấy thực trạng từ nhiều dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, giá luôn đội lên, tiến độ rất chậm, chất lượng lại kém. Bà An cho rằng, để hạn chế tình trạng này cần xem xét nghiêm khắc trách nhiệm của những người chọn thầu, ai ký chọn thầu thì người đó phải chịu trách nhiệm.
Trong những dự án quan trọng, nếu sai sót có thể xem xét trách nhiệm hình sự chứ không chỉ dừng ở việc xử lý trách nhiệm dân sự hay hành chính. “Đây là vấn đề liên quan đến sự sống của người dân. Nếu không bảo đảm độ an toàn của nước để phục vụ sinh hoạt của người dân thì có thể coi là “giết người không gươm”, bà An ví von.
Đường nước sạch sông Đà số 2 được khởi công ngày 7/10/2015, nằm trong dự án hệ thống cấp nước cho gần 200.000 hộ dân dọc chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông, do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư và khởi công năm 2004. Giai đoạn hai của dự án có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có và vay thương mại. Thời gian thi công dự kiến trong 48 tháng, tức đến hết năm 2019. Sau khi hoàn thành, tuyến ống có tổng chiều dài 47,6 km nâng công suất cấp nước lên gấp đôi so với giai đoạn một: 600.000 m3/ngày đêm. Giai đoạn 1 của dự án hoàn thành năm 2009 với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Từ đó đến nay, đường ống số 1 đã bị vỡ 17 lần. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận