Làm báo cùng Giao thông

Đừng quên người có công

12/05/2017, 10:17

Không hiểu vì sao, sau hơn 1 năm Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có văn bản gửi Cục Chống tham nhũng...

1_836

Người tố cáo tham nhũng cần được bảo vệ, khen thưởng

Hai ông Nguyễn Tiến Lãng (phố Tam Á, Gia Đông) và Nguyễn Công Uẩn (thôn Bùi Xá, Ngũ Thái) cùng ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đã lập nên kỳ tích. Thoạt nghe, người ta khó có thể hình dung những chuyện hai ông từng trải qua để vạch mặt những kẻ trục lợi. 

Hai lão nông cao tuổi đã kiên trì điều tra phanh phui một đường dây lợi dụng danh nghĩa của thương binh để kiếm tiền phi pháp, đưa 29 đối tượng ra trước vành móng ngựa. 

Không thể kể hết “hành trình công lý” của hai ông, chỉ riêng chuyện bị gia đình quay lưng cũng đã quá khổ, quá đơn độc. Như hai ông tâm sự với báo chí: “Tất cả đều chống lại chúng tôi. Người thì bị vợ “bỏ đói” phải ra ở riêng suốt 6 năm, người bị côn đồ đánh đập, vợ đốt hồ sơ...”.

Hai người đàn ông tâm niệm không thể im lặng trước bất công. Họ sẵn sàng trả giá để tìm ra sự thật bởi nhiều người đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, có người là thương binh nhưng đến nay chưa được công nhận để hưởng chế độ, vậy mà có những kẻ làm giả hồ sơ thương binh để moi tiền Nhà nước.

Từ trước đến nay, có nhiều lời kêu gọi toàn dân tham gia chống tham nhũng bằng cách phát hiện, tố cáo các cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng. Một quỹ khen thưởng phòng chống tham nhũng lên tới 5 tỷ đồng cũng đã được đề xuất.

Một Thông tư liên tịch quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ cũng đã đưa ra những quy định cụ thể.

Trong trường hợp giúp thu hồi được cho Nhà nước số tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì được xét thưởng vượt mức quy định, nhưng không vượt quá 10% số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được và không vượt quá 3.000 lần mức lương cơ sở. Như vậy, mức thưởng tối đa cho hành vi tố giác chống tham nhũng cũng lên tới hơn 3,5 tỷ đồng. 

Nhưng trên thực tế, rất ít trường hợp người dân phát hiện được các chứng cứ cụ thể, buộc kẻ tham nhũng phải chịu tội như chuyện hai lão nông đã làm được ở Bắc Ninh. Và thực tế trong suốt thời gian dài, cũng chỉ có một cá nhân ở miền Bắc được Thanh tra Chính phủ thưởng 10 triệu đồng, cá nhân này sau đó cũng đề nghị được giấu tên. Gần đây nhất, một cán bộ tố cáo tham nhũng ở Cà Mau cũng được đề nghị khen thưởng nhưng chưa có kết luận cuối cùng.

Xã hội, chế độ nào cũng sẽ phải biểu dương, khen thưởng, nêu gương những nhân tố dũng cảm chống tham nhũng. Bởi, nhiều người tham gia phòng chống tham nhũng, điều tra phát hiện các vụ việc tiêu cực, thì những kẻ tham nhũng phải sợ hãi, tai mắt nhân dân bủa vây khắp nơi, làm bậy sẽ bị phát hiện.

Người dân chống tham nhũng hiệu quả chính là một giải pháp để hạn chế tham nhũng.

Tiếng Việt có từ “khen thưởng” rất hay, rất đúng đạo lý.

Có những việc chỉ cần một lời khen là đủ, nhưng có những việc khen phải đi kèm theo thưởng mới xứng đáng với công lao. Trong trường hợp này, kết quả điều tra cho thấy, số đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ phải kiến nghị đình chỉ trợ cấp là 2.745 người, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 150 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước mỗi năm 20 tỷ đồng.

Thế nhưng không hiểu vì sao, sau hơn một năm Bộ LĐ,TB&XH đã có văn bản gửi Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) để xin ý kiến về việc khen thưởng đối với hai lão nông này nhưng đến nay, hai ông vẫn chưa được khen thưởng. Cũng không hiểu phải cần thêm thủ tục gì mới đủ tiêu chuẩn khen thưởng.

Thiết nghĩ, nếu Thanh tra Chính phủ không làm được thì địa phương phải tổ chức khen thưởng sớm và thưởng xứng đáng cho hai lão nông anh hùng. Bởi khen thưởng mà để quá chậm không những không biểu dương nhân rộng kịp thời những điển hình tốt mà còn cho thấy năng lực hạn chế của chính các cơ quan chức năng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.