Một số cha mẹ thường có tâm lý sợ con mình khổ, yêu thương và lo lắng cho con hết mực. Thế nhưng, liệu rằng điều này có thực sự tốt cho một đứa trẻ, bởi sau cùng chúng vẫn cần phải sống tự lập khi không còn cha mẹ bên cạnh.
Trường hợp 1
Con của cô Trần (Trung Quốc) chọn ở lại trường bán trú khi vào cấp 2. Đứa trẻ luôn phàn nàn đồ ăn của trường rất dở, không có vị gì cả. Cô Trần thương con, sợ con ăn không no nên cho con rất nhiều tiền. Cô còn gợi ý con mình hãy ra quán ăn gần trường mà gọi đồ ăn.
Việc làm của cô Trần vấp phải sự cười nhạo của nhiều người. Thế nhưng, cô không quan tâm mọi người nói gì, chỉ cần con trai ngoan ngoãn học hành, ăn uống đầy đủ 3 bữa là được.
Thức ăn ở trường đương nhiên không bằng ở nhà, nhưng so với thời đi học của cha mẹ thì tốt hơn rất nhiều. Có ít cha mẹ nhận ra rằng, khả năng thích nghi của trẻ rất mạnh. Hiện nay, điều kiện kinh tế khá hơn trước nhiều, cha mẹ cảm thấy xót xa khi thấy con mình phải chịu khổ.
Khi nghe con cái than khổ, mệt mỏi, họ nhanh chóng ôm lấy con, bảo vệ con, giải quyết vấn đề chúng đang gặp phải, chỉ mong đổi lại là sự vui vẻ của con mỗi ngày.
Tuy nhiên, những bậc cha mẹ này không nhận ra rằng, trên đường đời sau này, đau khổ là điều tất yếu mà bất kỳ người nào cũng sẽ trải qua.
Khi cha mẹ bảo vệ con cái để trẻ không phải chịu khổ trong thời gian dài, chúng sẽ quen dần với điều đó và không thể chịu đựng được khi gặp khó khăn.
Trường hợp 2
Anh Lý (Trung Quốc) có mức lương hằng tháng 4.000 - 5.000 tệ (14 - 17 triệu đồng), đủ sức nuôi vợ và con gái. Ngay từ tiểu học, con gái anh đã được bố dành hẳn 1 tháng lương để mua cho một cái Ipad.
Đối với một đứa trẻ tiểu học, đây là một vật dụng rất đắt tiền. Khi được hỏi tại sao anh lại mua Ipad cho con mình, anh Lý nói: “Tôi không còn cách nào khác. Con gái tôi bảo bạn bè nó đứa nào cũng có Ipad, nó mà không có thì sẽ cảm thấy xấu hổ. Chỉ cần con bé chịu học thì tôi cũng cắn răng mà mua”.
Nhiều đứa trẻ bây giờ chỉ cần thấy bạn bè mình có gì là sẽ đòi cha mẹ mua cho bằng được. Trong khi logic của nhiều phụ huynh là miễn con cái chịu học, họ sẽ sẵn sàng chi nhiều tiền.
Tuy nhiên, liệu việc thỏa mãn một cách mù quáng này để đổi lại việc trẻ tự nguyện học hành liệu có đáng?
Trước đây, tại Trung Quốc từng xảy ra một sự việc khiến nhiều cha mẹ phải suy nghĩ. Có một đứa trẻ đã dùng điện thoại của bố thưởng cho một người nổi tiếng trên mạng 40.000 tệ (138 triệu đồng). Số tiền này là người bố tích góp được từ công việc bán thời gian, gần như là tiền dành dụm cả năm nhưng lại bị con cái phung phí như thế này.
Không còn cách nào khác, người bố đành nhờ tới công an can thiệp để lấy lại số tiền. Điều không ngờ là thái độ của đứa trẻ không có chút hối hận, thậm chí còn nói “tiền đã cho người ta rồi còn đòi lại, làm vậy sẽ khiến con cảm thấy xấu hổ”.
Đứa trẻ dùng số tiền bố mình vất vả kiếm được để đổi lại sĩ diện với một người lạ và giả vờ mình giàu có. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của điều này không thể tách rời sự cưng chiều của người bố với con mình từ nhỏ tới lớn.
Điều đáng sợ nhất là cha mẹ xuất thân từ gia đình nghèo lại nuôi dạy con cái thành con nhà giàu.
Trẻ cần phải chịu khổ, đó là con đường sớm muộn gì chúng cũng cần trải qua
Trong thời đại vật chất dư dả như hiện nay, việc đáp ứng nhu cầu cơ bản của con cái về cơm ăn áo mặc không còn là vấn đề khó khăn, nhưng để cha mẹ có nhận thức đúng đắn về việc giáo dục là điều không dễ dàng.
Một đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo khó, thường được đánh giá cao ở tinh thần chịu khó và cần cù. Thế nhưng, có một nghịch lý xảy ra là, cha mẹ giàu càng ý thức tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng tinh thần chịu khó ở con cái, trong khi cha mẹ của những gia đình nghèo lại dùng số tiền khó khăn mình kiếm được để thỏa mãn sự phù phiếm của con cái.
Cha mẹ yêu thương con đúng cách là biết nuôi dưỡng khả năng tự lập, khơi dậy tinh thần biết cố gắng, phấn đấu hơn. Là cha mẹ, tất nhiên chúng ta cố gắng hết sức để mang lại cho con cái mình một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng đồng thời cũng cần phải để con cái nếm mùi khổ cực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận